12/12/2014 15:15 GMT+7

​Bình Nhưỡng bắt cóc người nước ngoài đào tạo làm gián điệp?

MỸ LOAN
MỸ LOAN

TTO - Một tài liệu bí mật của CHDCND Triều Tiên lọt vào tay tình báo phương Tây cho thấy cố lãnh đạo Kim Jong Il đã “chủ trì” chương trình bắt cóc người nước ngoài để đào tạo gián điệp.

Cố lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Il - Ảnh: Reuters

Báo Washington Times của Mỹ dẫn báo cáo cho biết những người bị bắt cóc này bị buộc làm gián điệp chống lại đất nước họ. Các nguồn tin ngoại giao biết rõ vụ việc cho biết tài liệu mật này lần đầu tiên cung cấp những chi tiết về cách thức và lý do ông Kim Jong Il đã trực tiếp chỉ đạo Bộ điều tra Triều Tiên (cơ quan tình báo) bắt cóc người nước ngoài và đưa họ về CHDCND Triều Tiên trong những năm 1970.

Trực tiếp chỉ đạo?

Theo những phần đã được chuyển ngữ từ tài liệu này, ông Kim Jong Il đã gặp gỡ lãnh đạo của Bộ điều tra Triều Tiên vào ngày 29-9-1977 và ngày 7-10 cùng năm. Trong cuộc gặp này, ông Kim đã đưa ra kế hoạch sử dụng người nước ngoài trong công tác tình báo của Triều Tiên. Cố lãnh đạo Kim chỉ thị cho bộ trưởng Bộ Điều tra và một nhóm quan chức cấp cao của nước này thực hiện bắt cóc và đào tạo những công dân nước ngoài có độ tuổi khoảng 20 thành gián điệp cho Triều Tiên.

Trải qua thời gian đào tạo từ 5-7 năm, CHDCND Triều Tiên sẽ sản sinh ra các nhà tình báo chuyên nghiệp và sử dụng họ đến 60 tuổi. Cố lãnh đạo CHDCND Triều Tiên ra lệnh cho các nhóm điệp viên của mình sang Đông Nam Á, Trung Đông và Đông Âu bí mật dụ dỗ thanh niên nam nữ theo ủng hộ họ. Mục tiêu lớn nhất là chiêu dụ những phụ nữ trẻ, quyến rũ để đào tạo làm tình báo.

Ông Kim Jong Il nhấn mạnh nhóm gián điệp chủ yếu phải ưu tiên chọn những đối tượng là trẻ mồ côi hoặc sống một mình. Lãnh đạo Triều Tiên ra lệnh thuộc cấp phải khéo léo dùng các phương pháp bí mật bắt cóc người nhưng không để lại dấu vết.

Bộ Điều tra là cơ quan thuộc Ủy ban trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, đã thực hiện hàng chục vụ bắt cóc có chọn lọc và sử dụng chính những người bị bắt cóc này trong các chương trình đào tạo gián điệp của mình. Sau đó, những người này được phái vào các chiến dịch tình báo ở nước ngoài và phục vụ các hoạt động tuyên truyền cho chính quyền Kim Jong Il, trong đó có cả hoạt động sản xuất phim ảnh.

Các nguồn tin trên cho biết thêm tài liệu này được giới chức Triều Tiên xếp vào hàng báo cáo mật của chính quyền Kim Jong Il và có thể tin được vì nguồn gốc và tầm quan trọng của nó, trong đó còn ghi cẩn thận, chính xác lời nói của các lãnh đạo tối cao của quốc gia này. “Không có dấu hiệu giả mạo trong báo cáo mật này” - Washington Times dẫn một nguồn tin biết rõ vụ việc cho biết.  

Thực hiện hàng loạt vụ bắt cóc

Báo Washington Times cho biết sau năm 1977 đã có hàng loạt vụ bắt cóc do gián điệp Triều Tiên thực hiện. Trong đó có vụ bé gái 13 tuổi người Nhật Bản Megumi Yakota biến mất từ năm 1977. Cô được đưa đến CHDCND Triều Tiên và sống đến hết đời ở đất nước này.

Ngày 25-8-1977, ông Kim Jong Il còn ra lệnh cho Bộ Điều tra thành lập một đơn vị tuyên truyền ở Hong Kong để mời các diễn viên điện ảnh Hàn Quốc và con cái của các quan chức cấp cao của nước này đến thăm Hong Kong. Mục đích của việc này là chọn lựa những người làm tay trong cũng như thông qua họ để các “điệp viên” của Bình Nhưỡng có thể đến Hàn Quốc làm phim tuyên truyền bí mật.

Đây được xem là động cơ chính dẫn đến vụ bắt cóc nữ diễn viên điện ảnh Choi Eun Hee và chồng cô là đạo diễn Shin Sang Ok vào năm 1978. Cặp đôi này bị đưa về CHDCND Triều Tiên, nơi mà họ có thể bị buộc hỗ trợ giới chức nước này làm những bộ phim tuyên truyền. Chín năm sau đó, lợi dụng thời cơ được du lịch đến Vienna (Áo), vợ chồng Choi Eun Hee đã trốn thoát.

Cũng trong năm 1978, tài liệu này cho biết chính ông Kim Jong Il cũng đã ra lệnh cho giới chức tình báo nước này thuyết phục những công dân nước ngoài bị bắt cóc đồng ý định cư ở CHDCND Triều Tiên. Bộ Điều tra Triều Tiên sắp xếp cho những người này sống trong các căn hộ đặc biệt với mong muốn khi họ được sinh sống thoải mái thì đổi lại họ sẽ phục vụ cho quốc gia này.

Bình Nhưỡng bác bỏ lãnh đạo có liên quan

Ngay sau khi tài liệu mật trên bị rò rỉ, đại sứ Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc Jang Il Hun đã bác bỏ thông tin cố lãnh đạo Kim Jong Il liên quan đến các vụ bắt cóc. “Những vụ bắt cóc người Nhật trong thập niên 1970 là hành động mang tính chủ nghĩa anh hùng cá nhân, do một số người trong các cơ quan tình báo muốn nổi tiếng bằng những hành động như thế” - ông Jang nói.

Ông Jang còn cho rằng do một số người phẫn uất về việc Chính phủ Nhật Bản từ chối xin lỗi liên quan đến việc lạm dụng tình dục trong suốt thời kỳ Tokyo nắm quyền điều hành ở bán đảo Triều Tiên trong những năm đầu 1900 nên họ đã bắt cóc công dân Nhật để trả đũa. “Chúng tôi đã có quá nhiều công dân Triều Tiên hồi hương từ Nhật Bản nên không cớ gì chúng tôi dùng người nước ngoài cho những mục đích của chính phủ” - ông Jang nói tiếp.

Tờ Washington Times bình luận cộng đồng quốc tế từ lâu đã biết những vụ bắt cóc người nước ngoài có liên quan đến CHDCND Triều Tiên nhưng vai trò của ông Kim Jong Il trong kế hoạch này như thế nào thì không ai biết rõ. Tờ báo cho hay đến nay không thể biết chính xác số người nước ngoài bị bắt cóc trong những năm 1970 và 1980, con số này lên đến hàng chục. Những người này có quốc tịch Trung Quốc, Malaysia, Libăng, Pháp, Ý, Nhật Bản và Hàn Quốc. 

Thừa nhận bắt cóc người Nhật

Ngày 17-9-2002, sau khi thủ tướng Nhật Bản lúc bấy giờ là Junichiro Koizumi gặp ông Kim Jong Il ở Bình Nhưỡng, lãnh đạo Triều Tiên đã thừa nhận các cơ quan tình báo dưới quyền của ông đã bắt cóc 11 người Nhật Bản. Bình Nhưỡng khẳng định rằng ông Kim Jong Il không biết các vụ bắt cóc này nhưng tài liệu mật mà giới tình báo phương Tây có được lần này đã phủ nhận hoàn toàn lời khẳng định trên của Bình Nhưỡng.

Chính quyền Tokyo hiện nay đang nâng vấn đề 17 công dân nước này được cho là mất tích ở CHDCND Triều Tiên lên tầm giải quyết các vấn đề ưu tiên của quốc gia.

Hồi tháng 10-2014, các quan chức Nhật Bản và CHDCND Triều Tiên đã tổ chức đàm phán liên quan đến chuyện này. Trước đó, Tokyo đồng ý dỡ bỏ một số lệnh cấm vận đối với Bình Nhưỡng nếu chính phủ nước này chịu điều tra các vụ công dân Nhật Bản mất tích.

Greg Scarlatoiu, giám đốc Ủy ban nhân quyền ở CHDCND Triều Tiên, khẳng định giới lãnh đạo nước này có liên quan đến các vụ bắt cóc người nước ngoài ngay từ những năm 1950. Còn cựu chuyên gia phân tích về CHDCND Triều Tiên, người từng làm việc cho Cơ quan Tình báo quốc phòng Mỹ, ông Bruce Bechtol cho biết ông hoài nghi về việc Bình Nhưỡng sẽ điều tra các vụ mất tích.

MỸ LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên