27/08/2016 00:15 GMT+7

Giám sát chặt hơn với dự án BOT

NGUYỄN VĂN HÙNG (TP.HCM)
NGUYỄN VĂN HÙNG (TP.HCM)

TTO - Câu chuyện “Xử nhiều
dự án BOT “ăn dày””
(Tuổi Trẻ ngày 25-8) đang được dư luận đồng tình với mong muốn có sự tăng cường kiểm tra, giám sát các dự án này để làm rõ những vấn đề còn chưa minh bạch.

Trạm thu phí cầu Cổ Chiên (quốc lộ 60, nối Bến Tre - Trà Vinh) - nơi bị kiến nghị giảm thời gian thu phí hơn 5 năm và giảm giá vé từ 200.000 đồng/lượt xuống 180.000 đồng/lượt với xe tải, xe container - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Trạm thu phí cầu Cổ Chiên (quốc lộ 60, nối Bến Tre - Trà Vinh) - nơi bị kiến nghị giảm thời gian thu phí hơn 5 năm và giảm giá vé từ 200.000 đồng/lượt xuống 180.000 đồng/lượt với xe tải, xe container - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Trong điều kiện những quốc gia đang phát triển như nước ta, để đáp ứng nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông cần phải đi trước thì hình thức đầu tư BOT được xem là một lối ra khả dụng, thích hợp.

Tuy nhiên, xung quanh hình thức đầu tư BOT các dự án công trình giao thông ở nước ta đang nảy sinh nhiều vấn đề cần quan tâm “mổ xẻ”. Trong đó, vấn đề nổi cộm mà dư luận đang đặt ra là phải chăng có sự thiếu minh bạch về mức thu phí, tổng mức đầu tư và thời gian thu phí hoàn vốn của các dự án?

Sau vụ giám sát việc thu phí ở dự án Pháp Vân - Cầu Giẽ cho thấy mức chênh lệch doanh thu giữa báo cáo và thực tế bình quân mỗi ngày tới hơn nửa tỉ đồng - một con số lớn, trước áp lực của dư luận, Tổng cục Đường bộ tiếp tục thực hiện giám sát thu phí của một số dự án BOT khác, đặc biệt là Kiểm toán Nhà nước cũng vào cuộc.

Và kết quả - kiến nghị của cơ quan kiểm toán đã làm những người dân đóng thuế cho Nhà nước phải giật mình: kiến nghị giảm thời gian thu phí 5 năm 5 tháng (vì tổng mức đầu tư thực tế thấp hơn phê duyệt) với dự án BOT cầu Cổ Chiên (Trà Vinh), giảm 7 năm 7 tháng với một dự án trên quốc lộ 19 và đặc biệt là giảm tới 10 năm thu phí một dự án ở khu vực Tây nguyên (?).

Vấn đề suất đầu tư tính trên mỗi kilômet quá cao, tổng mức đầu tư được thẩm định - phê duyệt quá lớn ở các dự án BOT giao thông nước ta là chuyện dư luận đã cảnh báo từ nhiều năm trước nhưng có vẻ chưa được những người có trách nhiệm quan tâm đúng mức.

Nay, với kết quả giám sát tại dự án Pháp Vân - Cầu Giẽ và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước có lẽ sự thật đã hé mở phần nào. Vấn đề đặt ra là những sai sót nghiêm trọng như thế thì cá nhân, tổ chức nào phải chịu trách nhiệm? Người dân không thể chấp nhận việc cứ đổ lỗi cho cán bộ, cơ quan chức năng thiếu kinh nghiệm (trong khảo sát, thiết kế, thẩm định, phê duyệt, hậu kiểm...) hay số lượng phương tiện lưu thông vượt quá tính toán ban đầu!

Tất nhiên, việc thực hiện kiểm tra, giám sát mới thực hiện tại một vài dự án BOT giao thông chưa thể cho thấy hết, thấy rõ thực trạng chung mà nhiều người dân, chuyên gia giao thông, kinh tế và doanh nhân cho là đang thiếu minh bạch. Xung quanh những dự án BOT giao thông đang có nhiều câu hỏi chờ được giải đáp thỏa đáng, trong đó “có hay không sự móc ngoặc và lợi ích nhóm?” là câu hỏi được dư luận nhân dân quan tâm nhất.

Thiết nghĩ, cùng với việc thực hiện giám sát của Tổng cục Đường bộ (mà nhiều người cho rằng là vừa đá bóng vừa thổi còi) và Kiểm toán Nhà nước, phải chăng rất cần sự cùng vào cuộc của các cơ quan chức năng khác, nhất là Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Thanh tra Chính phủ?

Đừng ép dân đi đường BOT

Trong nhiều dự án BOT giao thông, người dân bị đặt vào chuyện đã rồi, phải đóng phí vì chỉ có một tuyến đường để lưu thông. Lẽ ra nên xây dựng tuyến đường mới để người dân được lựa chọn, đằng này nhà đầu tư làm dự án trên tuyến đường cũ có đông phương tiện lưu thông như quốc lộ, tỉnh lộ, đường trục, đường vành đai...

Họ làm điều này vì việc nâng cấp hoặc cải tạo để biến đường của chung thành đường BOT rồi thu phí chắc chắn là suất đầu tư thấp hơn hẳn so với việc xây mới. Do vậy, Nhà nước nên tính toán sao cho khi đầu tư dự án BOT phải cho người dân quyền được lựa chọn, đi trên đường cũ để miễn phí hay đi trên đường mới thì đóng phí, không ai được phép ép người dân phải đi đường BOT và trả phí bất hợp lý.

Đầu tư theo hình thức BOT được xem là miếng bánh hấp dẫn, lợi nhuận cao. Nhà đầu tư có thể tận dụng bất cập trong chính sách, mối quan hệ ngoài luồng, vận động hành lang để thu lợi bất hợp lý, thiệt hại nếu có thì người dân gánh chịu. Vì vậy, với dự án đầu tư BOT cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, hài hòa, hợp lý.

Để hạn chế thất thoát, cần minh bạch thông tin, cạnh tranh trong lựa chọn nhà đầu tư, đàm phán hợp đồng, có đơn vị độc lập giám sát và thẩm định tổng mức đầu tư... Bên cạnh đó, nên tạo điều kiện cho người dân thực hiện vai trò theo dõi, giám sát, kiểm tra. Người dân là chủ thể chi trả cho các khoản đầu tư đường BOT, phải có quyền được cung cấp thông tin đầy đủ về dự án. Ngoài ra, cần khuyến khích các đoàn thể chính trị và tổ chức xã hội nghề nghiệp có phản biện về hiệu quả của dự án. Hợp đồng BOT và phương án thu phí không phải là tài liệu bí mật, nên cần được công khai.

TRẦN VĂN TƯỜNG

NGUYỄN VĂN HÙNG (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên