27/07/2022 13:56 GMT+7

Sốt xuất huyết ở TP.HCM: Các ổ dịch tập trung những quận huyện nào?

CẨM NƯƠNG
CẨM NƯƠNG

TTO - Sáng 27-7, Ban Văn hóa - xã hội HĐND TP.HCM tổ chức buổi khảo sát công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn TP cùng với Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, các đơn vị liên quan.

Sốt xuất huyết ở TP.HCM: Các ổ dịch tập trung những quận huyện nào? - Ảnh 1.

Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng báo cáo tại phiên khảo sát - Ảnh: CẨM NƯƠNG

Theo báo cáo của Sở Y tế, số mắc sốt xuất huyết cộng dồn của TP đến nay khoảng 32.000 ca, hơn 500 ca nặng và tỉ lệ người lớn mắc bệnh nhiều hơn trẻ em. Số ổ dịch tập trung chủ yếu tại các quận huyện như: quận 12, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Tân, Tân Phú.

Cần có biện pháp tiếp cận mới

Thông tin về tình hình dịch hiện nay, phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho biết đến tuần 30, TP ghi nhận tổng cộng 16 ca tử vong, trong số đó phân bổ nhiều nhất là 4 ca ở Củ Chi.

Kết quả giám sát huyết thanh, sốt xuất huyết có 4 type gồm D1, D2, D3, D4. Trước đây các tỉnh phía Nam thường lưu hành type D1 nhiều nhưng theo giám sát gần đây số ca mắc type D2 xu hướng tăng hơn.

Ông Hưng cho rằng bệnh dịch lưu hành, năm nào TP cũng triển khai biện pháp phòng chống. Tuy nhiên, với đặc thù hiện nay, TP phải có biện pháp tiếp cận mới, qua đó rút kinh nghiệm đánh giá tính hiệu quả.

"Qua các kỳ giám sát thì Sở Y tế nhận thấy công tác phòng dịch ngày càng tốt hơn. Ngành y tế cũng đã kiện toàn lại ban chỉ đạo phù hợp, phân tuyến điều trị, các bệnh viện phụ trách các khu vực mức độ bệnh thế nào để đáp ứng tình huống số ca mắc tăng lên.

Ngành y tế cũng xây dựng 3 tình huống dịch bệnh gồm 1, 2, 3. Chúng ta đang ở ranh giới giữa 1 và 2, phải phân biệt tình huống dựa vào số ca mắc, số ca nhập viện để đáp ứng hậu cần kịp thời", phó giám đốc sở chia sẻ.

Đối với công tác giám sát xử lý ca bệnh, lãnh đạo ngành y tế TP cho biết hơn 10 năm nay sở đã xây dựng phần mềm hệ thống thông tin địa lý. Khi có ca bệnh sốt xuất huyết, hệ thống y tế sẽ nhập vào phần mềm, từ đây đưa ra phương án xử lý ổ dịch rất hiệu quả.

Ngành y tế kiến nghị, các đơn vị ban ngành cùng chung sức tham gia vào việc diệt muỗi và lăng quăng ngay tại cơ sở, nơi làm việc. Bên cạnh đó, TP cần có các chính sách, cơ chế vận hành, duy trì hiệu quả mạng lưới cộng tác viên. "Sở Y tế đang xây dựng kế hoạch để kiện toàn, xây dựng đội ngũ cộng tác viên, là một cánh tay nối dài giữa y tế cơ sở với người dân" - ông Hưng cho hay.

Huy động sự chung tay tổng thể

Sốt xuất huyết ở TP.HCM: Các ổ dịch tập trung những quận huyện nào? - Ảnh 2.

Ông Cao Thanh Bình - trưởng Ban Văn hóa - xã hội HĐND TP - chia sẻ kết luận buổi khảo sát - Ảnh: CẨM NƯƠNG

Trao đổi tại buổi làm việc, ông Nguyễn Minh Nhựt, phó trưởng Ban Văn hóa - xã hội, cho rằng hiện nay có 2 chủ thể quan trọng TP cần quan tâm. Thứ nhất là góc độ quản lý nhà nước, về chuyên môn ngành y tế đã làm rất tốt, trong hướng dẫn phòng ngừa, các giải pháp, chiến dịch...

Tuy nhiên, về góc độ người dân, ông Nhựt đánh giá công tác tuyên truyền chưa ổn định bởi câu chuyện huy động người dân cùng tham gia phòng chống dịch hiệu quả thấp nếu so sánh với tổng thể chung.

"Qua khảo sát có một vấn đề hết sức nguy cơ là việc người dân trông chờ vào nhân viên y tế đến xử lý ổ dịch. Cần thay đổi nhận thức của người dân và hình thành các dự án nhỏ, lập các nhóm tham gia vào câu chuyện chung xử lý dịch bệnh", ông Nhựt nói.

Vấn đề cuối cùng, phó trưởng Ban Văn hóa - xã hội cho rằng, các dự án treo đang tồn tại rất nhiều ở các huyện vùng ven, một đại công trường hoặc các dự án cũng có thể là ổ dịch. Ông đề nghị cần có chỉ đạo vào cuộc, phun xịt thuốc mới giải quyết được căn cơ vấn đề.

Kết luận buổi khảo sát, ông Cao Thanh Bình - trưởng Ban Văn hóa - xã hội, đánh giá cao ngành y tế đã kịp thời xây dựng các kịch bản, phương án từ công tác phòng chống đến dập dịch, thu dung, điều trị.

"Sau buổi khảo sát chúng tôi sẽ làm báo cáo và công văn trình Thường trực HĐND TP để đẩy nhanh những vấn đề chúng ta đang thực hiện nhưng tiến độ còn chậm, chưa có sự quyết liệt vào cuộc đồng bộ, để công tác phòng chống dịch của TP đạt kết quả tốt nhất", ông Bình cho hay.

Đồng thời, ông nhắc nhở những địa phương có nguy cơ cao nhưng quyết định xử phạt hạn chế, cần tăng cường xử lý vi phạm. Tiếp tục phát huy vai trò của ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp phường xã như đã từng thực hiện hiệu quả đối với đại dịch COVID-19 vừa qua.

Phun hóa chất diệt muỗi, liệu có kháng thuốc?

photo-1-16570938733821367864699

Khuyến cáo lớn nhất trong phòng chống sốt xuất huyết vẫn là diệt lăng quăng chứ không phải chỉ phun hóa chất

Trước vấn đề trên được đưa ra từ các đại biểu, bà Lê Hồng Nga - phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP - cho hay bất cứ hóa chất nào sử dụng thì đề kháng tự nhiên là có, nhưng hiện nay chưa có con số thống kê chính xác.

"Chính vì vậy, khuyến cáo lớn nhất trong phòng chống sốt xuất huyết vẫn là diệt lăng quăng chứ không phải chỉ phun hóa chất", bà Nga nói.

Theo bà Nga, hiện nay trong phòng chống sốt xuất huyết phải sử dụng kỹ thuật phun không gian, bởi đặc điểm của muỗi sốt xuất huyết thì không đậu trên tường. Khi phun như vậy các hoạt hóa chất sẽ lơ lửng trong không khí và khi muỗi bay qua trong khoảng thời gian đó sẽ chết.

Do đó việc phun hóa chất phải thực hiện khi mát trời, không có mưa gió, đòi hỏi có sự thông báo đầy đủ đến nhà dân để mở cửa ra cho hóa chất bay vào nhà. Hoạt động này cần có sự phối hợp của UBND phường, xã.

Bị chẩn đoán sai, nhiều trẻ sơ sinh mắc sốt xuất huyết nguy kịch Bị chẩn đoán sai, nhiều trẻ sơ sinh mắc sốt xuất huyết nguy kịch

TTO - Vừa qua, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi bị sốt xuất huyết nặng, nguyên nhân là do phòng khám tư, cơ sở y tế chẩn đoán sai bệnh.


CẨM NƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên