18/06/2010 07:49 GMT+7

BP nhanh chóng chấp nhận bồi thường

HẢI MINH
HẢI MINH

TT - Tập đoàn dầu khí Anh BP đã đồng ý thành lập một quỹ 20 tỉ USD để bồi thường cho các nạn nhân vụ tràn dầu tại vịnh Mexico. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công bố điều đó sau cuộc gặp với các quan chức BP tại Nhà Trắng ngày 16-6.

bI82RxEU.jpgPhóng to

Người dân Mỹ đến từ vùng vịnh Mexico đứng trước những chai nước biển đầy cặn dầu trong một cuộc họp báo tại thủ đô Washington - Ảnh: AFP

Quỹ này sẽ do luật sư Kenneth Feiberg điều hành. Ông là người từng được chọn quản lý quỹ bồi thường sau vụ tấn công nước Mỹ ngày 11-9-2001 và cho các nạn nhân chất độc da cam ở Mỹ. Để huy động số tiền nói trên, BP sẽ phải ngưng trả cổ tức trong năm nay và bán đi số tài sản trị giá 10 tỉ USD.

“Đây không chỉ là vấn đề về những đồng đôla. Tôi đã nhấn mạnh với ngài chủ tịch (chủ tịch BP Carl-Henric Svanberg) rằng khi ông ta đang nói chuyện với các cổ đông, khi ông ta đang họp hội đồng quản trị, hãy nhớ rằng có những người ngoài kia đang tuyệt vọng, rằng một số người nếu không nhận được hỗ trợ nhanh chóng có thể mất những công ăn việc làm mà họ và gia đình đã làm hai hoặc ba thế hệ. Và ngài chủ tịch hứa với tôi rằng ông ta sẽ lưu tâm điều đó” - báo The New York Times (NYT) dẫn lời Tổng thống Obama.

Ủy ban quản lý quỹ bồi thường của BP sẽ được lập ra trong vòng bốn năm và xử lý mỗi năm 5 tỉ USD. Tiến trình nhận bồi thường từ quỹ này sẽ độc lập hoàn toàn với cả BP và Chính phủ Mỹ. Theo đó, những người đòi bồi thường bị BP từ chối có quyền kiện lên một ủy ban gồm ba người. Với những người đã được ủy ban quản lý quỹ chấp nhận, BP chỉ có thể chống án nếu khoản tiền vượt quá 500.000 USD, báo NYT dẫn lời bà Carol M. Browner - quan chức năng lượng của Nhà Trắng.

Tuy nhiên, ngay cả như vậy vẫn còn rất nhiều rắc rối đang chờ đợi BP phía trước. Giám đốc điều hành Tony Hayward phải ra điều trần trước các nghị sĩ Mỹ vào ngày 17-6 để giải thích về thảm họa tràn dầu tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ cũng như các biện pháp thu dọn đống hỗn loạn hiện giờ. Tính đến nay, vụ tràn dầu đã kéo dài được gần hai tháng, gây tổn hại nghiêm trọng cho BP cả về vật chất lẫn hình ảnh.

Trong khi đó, cuộc điều tra của Chính phủ Mỹ, với sự tham gia của Lực lượng bảo vệ bờ biển và Cục Quản lý khoáng sản thuộc Bộ Nội vụ, cũng sẽ bị quốc hội cật vấn khi bà Mary Kendall - chánh thanh tra của Bộ Nội vụ - ra điều trần trước hạ viện. Hãng tin Reuters đã tìm được những ghi chú chuẩn bị sẵn của bà Kendall cho thấy quá trình điều tra vụ việc là “hoàn toàn chậm trễ” và chỉ tập trung vào việc nghe báo cáo hơn là tìm chứng cứ.

Trong khi đó, cư dân Mỹ sống tại vùng bờ biển vịnh Mexico đang rất lo lắng vụ tràn dầu này sẽ đe dọa tới cả ngành công nghiệp dầu mỏ trong vùng, vốn tạo ra nhiều việc làm ở bang Louisiana còn tương đối nghèo của Mỹ. Đó là chưa kể hàng ngàn ngư dân ở vùng vịnh đã phải ngồi chơi xơi nước suốt hai tháng qua.

Dựa trên những tính toán mới nhất, báo NYT nói chỉ riêng các khoản tiền phạt dân sự với Hãng BP có thể lên tới 280 triệu USD/ngày. Ngày 15-6, Pavel Molchanov, một nhà phân tích của Tổ chức Raymond James, ước tính tổng chi phí pháp lý mà BP phải bỏ ra trong vụ việc này có thể lên tới 62,9 tỉ USD, bởi lẽ thỏa thuận với Chính phủ Mỹ về việc thành lập quỹ bồi thường 20 tỉ USD vẫn không ngăn được những người bị thiệt hại kiện hãng ra tòa.

BP còn có thể mất hàng loạt hợp đồng làm ăn với Chính phủ Mỹ. Theo trang web chính thức của chính phủ theo dõi chi tiêu công usaspending.gov, năm 2009 BP đã bán số nhiên liệu cho quân đội trị giá 1,6 tỉ USD và nếu bị cấm kinh doanh, với thời hạn có thể lên tới ba năm, họ sẽ không được nhận những hợp đồng mới.

Ngư dân gốc Việt khốn đốn

jBzyYxnG.jpgPhóng to

Gia đình ngư dân người Việt ở Mỹ biểu tình đòi hỗ trợ sớm - Ảnh: Sun Herald

Hong Le, một người gốc Việt 58 tuổi làm việc trên tàu đánh cá ở New Orleans, Louisiana, nói với báo NYT rằng lúc này ông chỉ biết ở nhà chờ đợi trong tuyệt vọng. Những ngư dân ở vùng vịnh Mexico gặp nhiều vấn đề về thần kinh, giận dữ hoặc thậm chí nghĩ đến chuyện tự tử vì tình hình công việc ảm đạm.

Nhóm phát triển Mary Queen của cộng đồng Việt Nam, một tổ chức thiện nguyện phi lợi nhuận ở New Orleans, đã nhờ các chuyên gia tư vấn khủng hoảng giúp đỡ những người như ông Le. Ông Le sang Mỹ từ năm 1979, hiện đang sống trong một ngôi nhà thuê với giá 300 USD/tháng và chỉ độ nhật qua ngày nhờ những người hảo tâm và khoản tiền hỗ trợ ban đầu 1.200 USD của BP do tàu không thể ra khơi. Ông Le đã thử xin việc ở hai nhà hàng Việt Nam trong vùng nhưng đều bị từ chối.

“Họ gần như quẫn trí. Với rất nhiều người, đánh cá là tất cả những gì họ biết... Giờ đây họ không biết ngày mai sẽ ra sao” - ông Tuan Nguyen, phó giám đốc Trung tâm cộng đồng người Việt ở New Orleans, nói với NYT. Theo NYT, số liệu không chính thức cho thấy trong số 12.400 ngư dân đánh cá có giấy phép tại Louisiana có 1/3 là người Việt.

Tin bài liên quan:

Cuộc chiến đòi BP bồi thường không đơn giản BP tạm dừng chiến dịch làm sạch dầu loang “Thảm họa 11-9 về môi trường” Mỹ điều tra hình sự vụ tràn dầu BP thất bại trong việc bơm bùn lấp miệng giếng dầu Ông Obama tăng gấp ba nhân lực dọn dầu loang Nỗ lực đặt phễu hút dầu loang trên vịnh Mexico bất thành Vết dầu loang ở vịnh Mexico lớn gấp hơn ba lần dự đoánSự cố tràn dầu trên vịnh Mexico: Thảm họa quốc giaMỹ tuyên bố dầu loang là thảm họa quốc gia Dầu loang trên vịnh Mexico: Hơn 757.000 lít mỗi ngày Thảm họa tràn dầu có thể kéo dài hàng thángMỹ: giàn khoan bị nổ đã chìmMỹ: nổ giàn khoan dầu, 11 người mất tíchNguy cơ “thủy triều đen”Hàng ngàn người Mỹ gốc Việt bị ảnh hưởngBP có thể mất hàng chục tỉ USDBP có thể mất hàng chục tỉ USDSinh vật biển khốn đốn với thảm họa dầu loangDầu loang trên vịnh Mexico “tồi tệ nhất trong lịch sử Mỹ”

HẢI MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên