17/06/2010 07:09 GMT+7

Cuộc chiến đòi BP bồi thường không đơn giản

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Trong bài phát biểu đầu tiên tại phòng Bầu dục tối 15-6 (sáng 16-6 giờ VN), Tổng thống Mỹ Barack Obama cam kết chính quyền Washington sẽ buộc Hãng dầu khí BP trả tiền bồi thường hậu quả thảm họa tràn dầu trên vịnh Mexico.

5pkKa4TI.jpgPhóng to
Người biểu tình giương khẩu hiệu “Ông dầu nói dối, nhân dân chết đói” trong buổi điều trần của lãnh đạo BP trước Ủy ban Năng lượng và thương mại Quốc hội Mỹ ngày 15-6 - Ảnh: Reuters

Hãng tin AFP cho biết ông Obama khẳng định sẽ yêu cầu chủ tịch BP Carl-Henric Svanberg chấp nhận việc thành lập một tài khoản để bồi thường các nạn nhân dầu loang. “Tôi sẽ thông báo với chủ tịch BP rằng ông ấy sẽ phải tập trung nguồn lực để bồi thường cho các công nhân và chủ lao động bị ảnh hưởng bởi sự khinh suất của BP” - ông Obama tuyên bố.

Theo ông Obama, BP sẽ không có quyền kiểm soát tài khoản, mà bên thứ ba độc lập sẽ quản lý tài khoản này để đảm bảo mọi khoản bồi thường được trả một cách công bằng và nhanh chóng.

Nguy cơ phá sản

Theo báo Globe and Mail, nhiều chuyên gia tài chính và dầu khí dự báo có khả năng BP sẽ phá sản hoặc bị một đối thủ khác mua lại sau khi bồi thường và giải quyết các vụ kiện tụng. “BP sẽ phải đối mặt với án tử hình ở Mỹ”, Globe and Mail dẫn lời ví von của nhà phân tích năng lượng John Kilduff của Quỹ đầu tư My Round Earth Capital.

Kịch bản có thể xảy ra là Hãng dầu khí Hà Lan Royal Dutch Shell hoặc các công ty Trung Quốc sẽ mua lại BP. Nhưng những người lạc quan cho rằng với BP, tình hình không đến mức tồi tệ như vậy.

Như vụ tràn dầu của Hãng Exxon Valdez ở eo biển Prince William tại Alaska năm 1989 đã không ảnh hưởng nghiêm trọng đến hãng này. Exxon đã trả 2 tỉ USD chi phí làm sạch dầu loang và 1 tỉ USD để giải quyết các vụ kiện tụng. Hiện tại Exxon đang là tập đoàn dầu lớn nhất thế giới.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia khẳng định BP khó có khả năng sống sót như Exxon. Bởi vịnh Mexico không phải là eo biển Prince William - một vùng hoang vắng, mà là trung tâm công nghiệp, du lịch, sinh thái của Mỹ. Cuộc sống của hàng triệu công nhân, ngư dân, chủ doanh nghiệp đang bị hủy diệt, trong khi hoạt động làm sạch dầu loang có thể kéo dài hàng năm, thậm chí hàng chục năm.

Nguồn tin AFP cho biết mới đây ủy ban chính phủ gồm các nhà khoa học Mỹ ước tính lượng dầu loang tràn ra biển hiện lên đến 5,56 triệu - 9,5 triệu lít dầu mỗi ngày, cao hơn 50% so với những ước tính trước đó.

Kiện tụng kéo dài

“BP sẽ phải đối mặt với nhiều năm kiện tụng và sẽ mất thêm hàng chục năm để phục hồi”, Globe and Mail dẫn lời ông Robert Bryce, chuyên gia Viện Manhattan.

Đến nay BP đã chi 1 tỉ USD cho hoạt động làm sạch dầu loang. Ngân hàng Hà Lan ING ước tính tổng số tiền bồi thường và làm sạch BP phải trả khoảng 5,3 tỉ USD, nhưng với điều kiện các nỗ lực lấp miệng giếng dầu thành công.

Trong khi đó, Hãng Credit Suisse cho rằng tổng chi phí BP gánh sẽ lên tới 37 tỉ USD. Con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều nếu giếng dầu vỡ tiếp tục xả dầu ra biển trong nhiều tháng nữa. Chuyên gia John Kilduff cho biết Luật nước sạch Mỹ áp một mức phạt tối thiểu với mỗi lượng dầu tràn trị giá 1.000 USD, và với lượng dầu tràn hiện tại, riêng số tiền phạt có thể lên đến hàng tỉ USD.

Tuy nhiên, một số luật sư và chuyên gia dầu khí dự báo BP sẽ tìm mọi biện pháp để trì hoãn các vụ xử, kéo dài thời hạn phải bồi thường, trong khi vẫn kiếm hàng chục tỉ USD từ các hoạt động kinh doanh toàn cầu. “Cuộc chiến pháp lý sẽ dài và chậm”, Globe and Mail dẫn lời ông Jim Buckee, cựu giám đốc Hãng năng lượng Talisman Energy.

Một luật sư đề nghị không nêu tên đồng ý với nhận định trên và cho biết kể cả khi dầu ngừng tràn trong hôm nay, chính quyền Mỹ sẽ phải mất ít nhất một năm để xác định mức độ thiệt hại, rồi nhiều năm để xác minh trách nhiệm pháp lý của BP.

Như các vụ kiện tụng Exxon kéo dài tới 20 năm qua nhiều phiên xử, kháng án... Ban đầu, tòa án xác định mức tiền bồi thường thiệt hại có tính trừng phạt Exxon phải trả là 2,5 tỉ USD, nhưng sau nhiều phiên kháng án đã được giảm xuống còn 500 triệu USD.

Theo Globe and Mail, BP hiện là nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới tính theo sản lượng. Trong quý 1-2010, BP thu lãi ròng khoảng 3,9 tỉ USD. Các nghị sĩ Mỹ đã yêu cầu BP ngừng chi 3 tỉ USD tiền thưởng quý cho đến khi ngăn chặn thành công dầu loang, nhưng các lãnh đạo BP bác bỏ yêu cầu này và khẳng định BP có đủ năng lực tài chính để làm sạch dầu loang và trả số tiền thưởng khổng lồ.

Ngư dân gốc Việt biểu tình

Hãng tin AFP cho biết ngày 15-6 (giờ địa phương, 16-6 giờ VN), hàng chục người Mỹ gốc Việt đã biểu tình tại thành phố Biloxi thuộc bang Mississippi để phản đối Hãng dầu khí BP và tác động của vụ tràn dầu trên vịnh Mexico đối với cuộc sống của cộng đồng địa phương.

“Chúng ta muốn gì?” - Minh Than Nguyen, 25 tuổi, con trai một người nuôi tôm hiện đã mất việc sau vụ tràn dầu, kêu lớn trước đám đông ngư dân gốc Việt đang tụ tập biểu tình. “Công lý”, đám đông hô vang.

AFP cho biết các thuyền đánh cá của cộng đồng người Việt ở Biloxi với những cái tên Việt Nam như “Than Tam” hay “Thuyền trưởng Sen” đã ngừng hoạt động từ nhiều ngày qua. Tổng cộng hơn 80% gia đình gốc Việt sống ở vịnh Mexico làm việc trong ngành thủy sản.

Theo ước tính của Chính phủ Mỹ, trong số 40.000 người gốc Việt đang sống ở các bang quanh vịnh Mexico như Louisiana, Mississippi và Alabama, cứ ba người thì có một làm việc trong ngành thủy sản. Và hiện hàng ngàn ngư dân gốc Việt đang lâm vào cảnh ngồi chơi xơi nước, trong khi vẫn phải è cổ đóng tiền học phí cho con cái, tiền bảo hiểm y tế hay bảo hiểm tài sản cho các chiếc thuyền không thể ra khơi.

Nhiều người, trong đó có cha của Than, đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc trả nợ đã vay để khôi phục hoạt động kinh doanh sau cơn bão Katrina năm 2005. AFP dẫn lời Van Lam, một nhân viên Trung tâm Y tế West Jefferson ở Marrero, bang Louisiana, cho biết nhiều gia đình người Việt đang tính đến chuyện bỏ bảo hiểm y tế để tiết kiệm tiền.

AFP cho biết đến nay BP đã thuê ngư dân gốc Việt tham gia hoạt động làm sạch dầu loang, và trả 5.000 USD mỗi người tiền bồi thường ban đầu. BP cũng đã gặp một nhóm người Việt hôm 1-6 để thảo luận các vấn đề, và có một thông dịch viên của BP giúp trả lời các câu hỏi.

Tuy nhiên ngư dân gốc Việt khẳng định Chính phủ Mỹ và BP cần phải thuê thêm nhiều phiên dịch để giúp người cao tuổi khai các giấy tờ liên quan đến công việc, bảo hiểm y tế và bồi thường thiệt hại. “Trong thời điểm như thế này, việc phiên dịch sai có thể dẫn đến nhiều hậu quả xấu” - An Dinh, một ngư dân ở New Orleans, cho biết.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

BP tạm dừng chiến dịch làm sạch dầu loang “Thảm họa 11-9 về môi trường” Mỹ điều tra hình sự vụ tràn dầu BP thất bại trong việc bơm bùn lấp miệng giếng dầu Ông Obama tăng gấp ba nhân lực dọn dầu loang Nỗ lực đặt phễu hút dầu loang trên vịnh Mexico bất thành Vết dầu loang ở vịnh Mexico lớn gấp hơn ba lần dự đoánSự cố tràn dầu trên vịnh Mexico: Thảm họa quốc giaMỹ tuyên bố dầu loang là thảm họa quốc gia Dầu loang trên vịnh Mexico: Hơn 757.000 lít mỗi ngày Thảm họa tràn dầu có thể kéo dài hàng thángMỹ: giàn khoan bị nổ đã chìmMỹ: nổ giàn khoan dầu, 11 người mất tíchNguy cơ “thủy triều đen”Hàng ngàn người Mỹ gốc Việt bị ảnh hưởngBP có thể mất hàng chục tỉ USDBP có thể mất hàng chục tỉ USDSinh vật biển khốn đốn với thảm họa dầu loangDầu loang trên vịnh Mexico “tồi tệ nhất trong lịch sử Mỹ”

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên