16/06/2014 08:54 GMT+7

Mãng cầu trị ung thư?

PGS.TS NGUYỄN HỮU ĐỨC
PGS.TS NGUYỄN HỮU ĐỨC

TT - Nhiều bạn đọc gửi thư hỏi: trên mạng hiện nay có nhiều thông tin nói về trái mãng cầu trị được các bệnh ung thư, thực hư như thế nào? Sau đây là trả lời hai thắc mắc điển hình mà bạn đọc hỏi.

Ăn gì phòng bệnh ung thư?8 loại trái cây tốt từ vỏ đến ruột Phải ăn rau nhiều hơn nữa

RrxMAlvR.jpgPhóng to
Mãng cầu xiêm - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

* Những thành phần hóa học của trái mãng cầu là gì và cách mà các chất này tiêu diệt tế bào ung thư được thể hiện như thế nào?

"Với sự bùng nổ thông tin, chúng ta cần cảnh giác và thận trọng trong việc thu thập những thông tin về sức khỏe, về y dược trên Internet"

- Trái mãng cầu được đề cập ở đây là mãng cầu xiêm, tên khoa học là Annona muricata, họ Annonaceae, khác với mãng cầu ta còn gọi là quả na, tên khoa học Annona squamosa. Cả hai loại mãng cầu đều ăn được. Trái chứa các chất dinh dưỡng rất tốt cho sức khỏe. Cho tới nay vẫn chưa có tài liệu khoa học nào cho rằng trái mãng cầu dùng ăn trị được ung thư. Các thông tin quảng bá ăn mãng cầu trị được ung thư chỉ là lời đồn đại, thậm chí làm cho người tỉnh táo nghĩ rằng đây là “chiêu” tiếp thị để có sự tiêu thụ loại trái cây này.

Còn tính chất đặc biệt như diệt siêu vi, hay tính chất diệt ung thư đang được đồn đại của cây mãng cầu xiêm thật ra tập trung ở các hạt nâu đen của quả cây này. Từ xưa, kinh nghiệm dân gian đã xác định hạt mãng cầu chứa chất độc và người dân Ấn Độ chỉ dùng để làm thuốc sát trùng ngoài da. Còn ở ta, dân gian dùng hạt đem giã nhỏ lấy nước gội đầu trị chấy, rận (giết chấy rận có nghĩa có chất độc diệt ký sinh trùng).

Hiện nay, người ta đã xác định trong hạt mãng cầu chứa chủ yếu chất béo (khoảng 40%), 0,05% alcaloid trong đó có muricin và muricinin. Mới đây người ta phát hiện có những chất gọi chung là annonaceous acetogenins có thể gây độc tế bào, đặc biệt gây độc một dòng tế bào gây ung thư gan ở người. Rải rác trên mạng, ta có thể gặp một số tài liệu cho rằng hạt mãng cầu xiêm có thể diệt tế bào gây ung thư nhiều loại, thậm chí có tài liệu ghi hạt này diệt 12 loại tế bào ung thư như tế bào ung thư tuyến tiền liệt, ung thư tuyến tụy, ung thư phổi... Nhưng đây chỉ là thử nghiệm sơ khởi trên ống nghiệm (in vitro) và được đăng rải rác trên các tạp chí không nổi tiếng.

Theo kinh nghiệm người xưa, hạt mãng cầu độc, vì vậy nó độc với tế bào ung thư là có thể, nhưng quan trọng hơn là nó có gây độc cho cả tế bào lành hay không thì chưa được chứng minh. Đặc biệt, hạt mãng cầu vẫn chưa thử trên sinh vật sống để thấy sự an toàn của nó. Như vậy, chỉ mới có hướng nghiên cứu tác dụng của hạt mãng cầu trị ung thư chứ tác dụng thật sự này khi áp dụng vào trị liệu trên con người là con đường dài thăm thẳm và có nhiều chông gai, thậm chí cuối cùng tác dụng đó là không có thật.

* Có thể đánh giá thế nào về những công trình nghiên cứu của các tờ báo, tạp chí khoa học trên thế giới về hạt mãng cầu trị ung thư?

- Với sự bùng nổ thông tin, chúng ta cần cảnh giác và thận trọng trong việc thu thập những thông tin về sức khỏe, về y dược trên Internet. Đối với người hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn y dược phải luôn luôn cẩn thận tìm cách sàng lọc, chọn lựa và xếp hạng thông tin xem đáng tin cậy đến mức độ nào đó để sử dụng. Nhất là trên Internet, mức độ quảng cáo rất rộng nên thông tin về dược phẩm hay các chế phẩm đang trong vòng nghiên cứu càng rất dễ bị nhiễu.

Đối với các nhà chuyên môn y dược, họ phải có “chiến lược tìm tin y dược” trên Internet và luôn dựa trên quan điểm “y học phải có chứng cứ”. Tức phải biết chọn tìm đọc các bài báo cáo thử nghiệm lâm sàng thực hiện theo quy trình khoa học (thử nghiệm mù đôi, ngẫu nhiên, có kiểm chứng với số người thử nghiệm rất lớn) đăng trong các tạp chí khoa học nổi tiếng và có uy tín để tìm đúng thông tin về trị liệu bằng thuốc thật đáng tin cậy.

Về nghiên cứu hạt mãng cầu xiêm trị ung thư chỉ mới bước đầu thí nghiệm trong ống nghiệm (thử in vitro), còn rất nhiều giai đoạn nhiêu khê nữa như thử trên súc vật thí nghiệm (thử in vivo), đặc biệt là phải thử độ an toàn rồi phải xin phép thử trên người. Sau đó phải chứng minh bằng các thử nghiệm lâm sàng đúng quy cách như đã kể để có một núi hồ sơ hầu được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) chấp thuận cho phép ra đời để chữa bệnh.

Nghiên cứu về hạt mãng cầu xiêm chỉ là sơ khởi cho thấy có tác dụng diệt một số dòng tế bào ung thư, thế thôi, việc chứng minh trị được ung thư thật sự và độ an toàn với cơ thể người của hạt này còn rất xa vời. Ta đừng quá tin vào các lời đồn đại mà dùng hạt mãng cầu sẽ bị ngộ độc. Còn ăn quả mãng cầu xiêm thì chỉ có được các chất dinh dưỡng, nếu dùng để trị các bệnh ác tính thì cũng là điều không nên.

Nhiều bệnh ác tính vẫn có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm và được điều trị bằng các liệu pháp đã được chứng thực khoa học. Áp dụng một phương cách trị liệu chỉ dựa vào lời đồn đại sẽ làm mất thời gian vàng cho trị liệu đúng cách.

PGS.TS NGUYỄN HỮU ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên