03/09/2014 14:35 GMT+7

​Trận chiến sinh tử ở Việt Nam học xá

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Đồng bào chết gục bên nồi cơm đang nấu cho bộ đội, nhiều người bị trúng thương bê bết máu vẫn cố cứu thương cho chiến sĩ mình...

>> Người lính Nhật ở chiến lũy Ô Cầu Dền

Một điểm chiến đấu của quân kháng chiến - Ảnh: Nguyễn Bá Khoản

Đó là lời tâm sự của thiếu tướng Ngô Huy Phát về trận chiến sinh tử này.

Bước qua giữa tháng 1-1947, chiến sự mặt trận Hà Nội càng ngày càng căng thẳng. Lực lượng kháng chiến bảo vệ thủ đô bị thương vong nhiều, đạn dược, lương thực cạn kiệt trong tình thế quân Pháp tăng cường siết chặt vòng vây do được chi viện mạnh.

Để bảo toàn lực lượng cho kháng chiến và chiến thắng cuối cùng, một số đơn vị được lệnh rút dần khỏi thủ đô. Nhưng nhiều đơn vị vẫn trụ lại để tiếp tục tiêu diệt quân Pháp, bảo đảm cho việc rút lui đúng kế hoạch an toàn, đặc biệt là bảo vệ sinh mạng đồng bào bị kẹt lại.

Tử thủ vì đồng bào

Cùng thời điểm ấy, một số sinh viên ở Việt Nam học xá được lệnh rút ra ngoài để bảo toàn đội ngũ trí thức chuyên môn. Trang nhật ký ngày 13-1-1946 của chiến sĩ Trần Văn Dõi từ Tây Ninh ra tham chiến bảo vệ Hà Nội ghi:

“Lệnh của Bộ Quốc phòng điều đội tự vệ Việt Nam học xá đi công tác vì hầu hết đều là sinh viên có chuyên môn. Một số về quân giới, một số về Nha Nghiên cứu kỹ thuật, công binh, quân y... Mình, anh Nho, Lâm Chánh Bình về quân huấn để huấn luyện dân quân”.

Tuy nhiên, lúc ấy một số đơn vị chiến đấu vẫn trụ lại Việt Nam học xá vì chưa có lệnh rút hết. Ngoài ra, cả ngàn người dân vẫn đang ở trong bốn khu nhà xây kiên cố dành cho sinh viên. Các đơn vị của tiểu đoàn 77, tiểu đoàn 64 và một số đội tự vệ tiếp tục chiến đấu. Họ phải bảo vệ sinh mạng đồng bào mình.

“Tảng sáng 16-1-1947, tôi cùng một số đội viên của trung đội tự vệ Bạch Mai sau trận Quỳnh Lôi, Mai Động lẻ tẻ rút về đây. Chúng tôi mất liên lạc với cấp trên, nhưng không hoang mang bởi tin chắc trong bốn ngôi nhà của Việt Nam học xá còn quân ta vì nhiều lý do đã kẹt lại. Chắc chắn có thể dựa vào những ngôi nhà kiên cố để chống cự” - chiến sĩ Nguyễn Ngọc Phong ghi lại trong cuốn kỷ yếu liên khu 2.

Ông Phong kể lúc ấy giữa bốn khu nhà cũng khó liên lạc được với nhau. Nhưng với địa thế liên hoàn như vậy, quân viễn chinh bao vây quân kháng chiến trong tòa nhà này sẽ bị quân trong tòa nhà kia phát hiện, bắn yểm trợ và ngược lại.

Chiến thuật này có thể cầm chân được đối phương. Khu nhà mà trung đội ông Phong đóng quay mặt ra rạp hát Lạc Thành Đài từ lâu đã vắng khách, và trở thành một điểm tiền tiêu đội tự vệ Việt Nam học xá xuất kích vào phố đánh Pháp. Từ hướng này có thể quan sát rõ hướng đối phương tấn công.

Một lát sau, quân Pháp đã ồ ạt xuất hiện. Tiếng xe tăng, thiết giáp rền ầm ĩ từ bốn phía. Quân viễn chinh quyết tâm phá tan phòng tuyến Việt Nam học xá, nên cùng lúc triển khai cả mấy hướng quân bao vây kín khu vực này.

Trong đó có mũi chủ lực xuất phát từ hướng nhà thương Bạch Mai, băng qua ngã tư Vọng, tấn công vào khu học xá.

Mũi thứ hai từ Kim Liên, Vân Hồ kéo xuống. Mỗi cánh đều có xe tăng, thiết giáp mở đường với mấy trăm quân theo sau.

Trận đánh khốc liệt bắt đầu bùng lên. Đã từng nếm mùi bazooka, bom ba càng, chai xăng và lựu đạn của quân kháng chiến, các thiết xa Pháp đậu ở xa bên ngoài nã pháo vào. Các khẩu đại liên bộ binh cũng bắn dữ dội vào các ô cửa có thể là lỗ châu mai của quân kháng chiến.

Đúng như dự định của ông Phong, bốn mặt khu học xá đều vang rền tiếng súng bắn trả chứng tỏ các đội quân kháng chiến còn trụ chặt ở học xá. Trong đó có cả tiếng súng đại liên từ khu nhà C bắn ra. Đó là khẩu Hotchkiss của đội tự vệ sinh viên. Họ vẫn còn người bám trụ lại đây.

Vòng vây của quân Pháp thít chặt Việt Nam học xá với quân tăng viện kéo đến, nhưng nhiều đợt tấn công đều bị bẻ gãy.

Tuy nhiên, quân kháng chiến cũng có nỗi lo về đạn dược. Nếu cuộc bao vây kéo dài, họ sẽ không đủ đạn để chiến đấu. Và nếu không bảo vệ được học xá này, tức cả ngàn sinh mạng người dân sẽ bị đe dọa. Tướng Ngô Huy Phát kể:

“Từ đầu cuộc chiến, các chiến sĩ đã lo trọng pháo đối phương sẽ làm đồng bào trong học xá hoảng loạn, mất trật tự. Và nếu tình hình này xảy ra thì phòng tuyến tử thủ sẽ dễ dàng bị chọc thủng. Tuy nhiên, đồng bào bình tĩnh đến kỳ lạ. Họ không cầm súng mà vẫn có tinh thần người lính, sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy. Và chính chí khí đồng bào càng làm chiến sĩ phía trước vững tinh thần chiến đấu”.

Đánh xe tăng, bộ binh không thắng nổi, Pháp lại huy động máy bay ném bom. Một số phần nhà bị hư hỏng. Các cửa kính vỡ tung tóe. Trẻ em trú ở tầng dưới hoảng sợ khóc thét. Bộ binh đối phương lại hò hét ào lên sau trận bom.

Nhưng quân kháng chiến vẫn bình tĩnh vì họ đã từng trải gần hai tháng chiến sự liên miên. Chờ cho quân Pháp lại gần đúng tầm đạn, họ mới bắn trả những loạt chính xác để tiết kiệm đạn. Có những lúc quân Pháp tưởng đã tràn vào được tầng dưới Việt Nam học xá, lại bị lựu đạn quét bật ra.

Lặp lại chính chiến thuật của quân kháng chiến đốt quang một số khu nhà phía trước để dọn trống tầm nhìn chiến đấu, Pháp cũng thiêu hủy hàng loạt khu nhà quanh học xá này để các chiến sĩ ta khó tìm đường ẩn nấp, rút lui.

Hội ý trước tấm bản đồ Hà Nội - Ảnh tư liệu

 

Cuộc vượt vây trong đêm

Trận đánh diễn ra căng thẳng suốt từ lúc mặt trời mọc đến chiều tối vẫn chưa dứt. Pháp muốn dọn sạch ổ Việt Minh lớn này.

Đánh mãi không chiếm được, cuối cùng đối phương lại phải tạm nghỉ trước, rút khỏi nhà Lạc Thành Đài và các vị trí trong tầm đạn quân kháng chiến. Tuy nhiên, vòng vây vẫn không hề buông lỏng...

Đến lúc này, sự liên lạc giữa bốn tòa nhà mới được thông. Pháp chưa hề chiếm được bất kỳ một góc nhỏ nào. Một kế hoạch lợi dụng bóng đêm giải thoát cho đồng bào ra ngoài được bàn bạc.

Bởi nếu chiến sự cứ tiếp diễn trong vòng vây này, chắc chắn sẽ đến lúc chiến sĩ không còn đạn để đánh trả và đồng bào cũng cạn lương thực cầm cự. Một em nhỏ liên lạc cũng được phái vào mang lệnh của khu trưởng Vũ Văn Quý yêu cầu phải rút để tránh tổn thất xương máu.

“Đường rút lui được vạch ra theo hai ngả Giáp Bát và Yên Duyên. Chúng tôi yêu cầu đồng bào bỏ lại những vật dụng cồng kềnh, đặc biệt là những thứ có thể va chạm gây tiếng động. Chúng tôi biết địch sẽ tổ chức nhiều tổ phục kích...

Lo giữ bí mật để cuộc rút lui được trót lọt chính là để bảo vệ đồng bào không bị thiệt hại. Nếu chỉ chúng tôi, dù có bị địch cản đường thì trong đêm tối chúng tôi vẫn dư sức đánh giáp lá cà với chúng để mở đường vượt vây” - ông Chung kể lại ngày ấy Hà Nội sương đêm đông mù mịt.

Từng người, từng người bám sát nhau để không bị lạc. Đèn pha từ các xe tăng, thiết giáp thi thoảng lại lóe sáng. Điều này chứng tỏ quân Pháp cũng không đủ gan dạ. Họ sợ bị quân kháng chiến áp sát đánh bất ngờ. Bởi nếu cố tình phục kích xe tăng sẽ không mở đèn như vậy.

Quá nửa đêm, toàn bộ đồng bào trong Việt Nam học xá an toàn thoát vòng vây. Các chiến sĩ dìu dắt người dân ra đi mà ánh mắt nhìn lại thành phố đang dần lùi xa. Họ bắt đầu bước vào cuộc kháng chiến chín năm nữa để đến ngày mang ngọn cờ chiến thắng trở về thủ đô của mình...

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên