02/09/2014 06:35 GMT+7

​Người lính Nhật ở chiến lũy Ô Cầu Dền

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Xe tăng, trọng pháo không phá được, Pháp phải viện cả máy bay oanh tạc Ô Cầu Dền, một chiến lũy bé nhỏ giữa phố. Nhưng quân Pháp vẫn không thể vượt lên nổi...

Một góc chiến lũy Ô Cầu Dền những ngày rực lửa - Ảnh tư liệu

Mặt trận Hà Nội mùa đông năm 1946, Ô Cầu Dền là cứ điểm chiến sự vô cùng ác liệt. Xe tăng, trọng pháo không cản phá được, Pháp phải viện cả máy bay oanh tạc một chiến lũy bé nhỏ giữa phố. Rất nhiều thương vong đã xảy ra cho cả hai bên nhưng quân Pháp vẫn không thể vượt lên nổi...

Phòng tuyến khốc liệt

Hồi tưởng những ngày không thể quên trong mùa đông Hà Nội năm 1946, ông Hoàng Giáp - từng là đội trưởng đội tự vệ Duy Tân - kể: “Nếu Pháp chọc thủng được Ô Cầu Dền có thể đe dọa cả phòng tuyến nam thủ đô. Cửa ô này nằm ở đầu đường Bạch Mai. Nó chặn ngả vào toàn bộ căn cứ chỉ huy mặt trận phía nam. Các kho gạo, trạm y tế, kho thuốc, khu cấp dưỡng đều đặt quanh đường Bạch Mai.

Pháp biết điều này nên từ đầu đã tập trung hỏa lực hạng nặng để đánh phá. Dân quân bảo vệ thủ đô cũng thề quyết tử tại đây”. Ngay từ đầu chiến sự đã diễn ra ác liệt. Dân quân bảo vệ Ô Cầu Dền có các đại đội của tiểu đoàn 77, 212 và các đội tự vệ Duy Tân, VN học xá... Trong đó, đặc biệt có nhiều lính thợ mới tham chiến chống phát xít Đức ở chiến trường châu Âu về... 

“Anh em lên đường. Súng trút khỏi vai, hàng một, chúng tôi men theo các hiên nhà đến cửa ô. Đêm cuối năm trời lạnh căm căm. Phần đông chiến sĩ trong đại đội tôi là những người bị Pháp bắt lính đưa sang “mẫu quốc” trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai. Biết tin nước nhà độc lập, họ đấu tranh đòi hồi hương.

Về đến Tổ quốc, các anh xung phong vào bộ đội. Sau nhiều năm đằng đẵng xa quê hương, các anh vẫn không mất đi dáng vẻ cùng lời ăn tiếng nói của nông dân. Lúc này, các anh lại mong được bắn nhau với những kẻ từng động viên họ cùng chống phát xít” - đại đội trưởng Nguyễn Văn Mẫn nhắc lại những chiến sĩ đặc biệt của mình trong cuốn kỷ yếu liên khu 2.

Trong số lính thợ này có nhiều người cùng một hành trình trên chiếc tàu Pasteur cùng thanh niên tiền phong ra đất Bắc. Đặc biệt, một số hàng binh Nhật (lúc ấy được gọi là “người VN mới”) cũng tham gia cứ điểm phòng thủ này. Họ có thế mạnh đã được huấn luyện vũ khí và kinh nghiệm tác chiến.

Quy mô Ô Cầu Dền không lớn nhưng được bố phòng rất kiên cố. Dân quân Hà Nội đã dựng ở đây ụ chướng ngại vật dài gần 20m, rộng 8m và cao khoảng 3m bằng các thân cây gỗ lớn, tà vẹt đường sắt, đất đá và cả một số vật dụng tủ, bàn ghế của người dân Hà Nội đóng góp.

Khi cuộc chiến nổ ra, cứ điểm này lại tiếp tục được xây dựng lớn thêm. Pháo binh, xe tăng Pháp bắn phá, dân quân lại nhanh chóng đắp như cũ. Nó sừng sững thách đố hỏa lực đối phương...

Ông Hoàng Giáp kể từ đầu cuộc chiến Pháp đã tăng cường tấn công quy mô lớn với xe tăng, thiết giáp và bộ binh. Họ vừa dọn các chướng ngại vật như nồi đất úp nghi có gài mìn vừa tổ chức nhiều đợt tấn công liên tiếp. Hàng loạt đạn cối, pháo 37 li và các loại hạng nặng hơn được nã thẳng vào cứ điểm kháng cự Ô Cầu Dền. Phải tiết kiệm đạn, dân quân nhắm chính xác mới bắn lại. Quân chính quy Vệ quốc đoàn trả đòn trực diện.

Và các đội tự vệ phòng thủ hai bên mạn làng Quỳnh Lôi và Đại Cồ Việt cũng bắn tạt sườn ghìm chân quân Pháp. Lực lượng viễn chinh áp đảo hẳn về hỏa lực. Nhưng dân quân kháng chiến lại hơn hẳn về tinh thần quyết tử khi phải cầm súng bảo vệ Tổ quốc mình. Ngay cả những người lính thợ vừa chiến đấu chống phát xít ở Pháp về và hàng binh Nhật cũng chiến đấu rất dũng cảm. Họ luôn xung phong ở tuyến đầu và nã những loạt đạn tiêu diệt đối phương rất chính xác...

Bắn dồn dập các loại trọng pháo từ xe tăng, đại liên trên thiết giáp, súng bộ binh, nhưng quân Pháp vẫn không thể lại gần được chiến lũy phòng thủ. Mục tiêu xóa nát các ổ kháng cự như Ô Cầu Dền và đè bẹp toàn bộ dân quân thủ đô, để hoàn thành tái chiếm Hà Nội chỉ trong vài ngày như lời các tướng lĩnh Pháp huênh hoang đã bị thất bại. Pháp gọi cả máy bay oanh tạc vào nội thành Hà Nội.

Ô Cầu Dền cũng bị máy bay tấn công nhưng vẫn trụ vững vàng. Tướng Ngô Huy Phát, Bộ Tổng tham mưu, người từng tham chiến trận đánh 60 ngày đêm bảo vệ thủ đô, kể: “Phòng tuyến này thể hiện rõ lối đánh kết hợp dân quân tuyệt vời của người Việt.

Trong khi chiến sĩ cầm súng đánh ở tuyến đầu thì người dân gồm cả người già, phụ nữ, trẻ em luôn sẵn sàng ở tuyến sau. Họ tiếp viện từng miếng ăn, giọt nước, chăn màn mùa đông, cấp cứu chiến sĩ bị thương. Đặc biệt, đồng bào cũng sẵn sàng xông pha lên tầm đạn nguy hiểm để đắp lại những phần chiến lũy bị pháo binh Pháp phá hỏng. Người phía trước chết, bị thương. Người phía sau lại ào ngay lên thay thế”.

Một cựu sĩ quan Nhật (đeo kính) và quân kháng chiến tại Việt Nam học xá - Ảnh tư liệu

 

Người lính Nhật Hồ Chí Tâm

Đánh trực diện không thắng, đánh vòng hai bên sườn cũng không tiến lên được, Pháp lại huy động xe tăng, thiết giáp ồ ạt tấn công. Sức mạnh áp đảo của quân viễn chinh Pháp chính là các hỏa lực cơ giới này, bởi quân kháng chiến rất thiếu vũ khí chống tăng, kể cả các loại tự chế như bom ba càng, mìn gài mặt đường cũng không đủ.

Tướng Phát kể trước tình hình phòng tuyến Ô Cầu Dền ngày càng căng thẳng, chỉ huy mặt trận mới cho chuyển về đây một khẩu bazooka chống tăng mà chỉ có vỏn vẹn năm quả đạn. Đây là khẩu súng của Mỹ cực kỳ hiếm hoi ở thời điểm này. Nó được kích nổ bằng điện pin, bắn đạn lõm, độ xuyên phá xe tăng hiệu quả hơn hẳn bom ba càng.

Lệnh truyền xuống là phải bắn hiệu quả từng phát đạn và bằng giá nào cũng không được mất súng. Ông Hoàng Giáp nhớ đã nghe lệnh: “Dù có mất người cũng không để mất súng. Nếu ai làm mất nó sẽ phải ra tòa án binh”. Đích thân đại đội trưởng đại đội 3 Nguyễn Văn Mẫn lên ban chỉ huy tiểu đoàn nhận súng về.

Nhiều người xung phong sử dụng nhưng không được chọn vì thiếu kinh nghiệm. Cuối cùng, một “người VN mới” là lính Nhật Yasuda có tên Việt là Hồ Chí Tâm được quyết định cầm súng chống tăng. Anh dáng gầy gò nhưng rắn rỏi, đượm màu chinh chiến.

Để bảo vệ khẩu súng hiếm, Tâm được đồng đội buộc dây vào người và cả khẩu súng. Có chuyện gì, họ còn có thể kéo người với súng về. Tâm gan dạ leo lên mặt chiến lũy, đợi xe tăng và thiết giáp Pháp tới gần mới bắn để tiết kiệm đạn.

Trong lúc ấy, các đồng đội người Việt bắn rẻ quạt yểm trợ cho anh. Và chỉ hai phát đạn, Tâm đã bắn cháy hai xe đối phương. Thế trận bất ngờ thay đổi. Lính Pháp rúng động. Quân kháng chiến ào lên khỏi phòng tuyến xung phong, đánh đẩy lùi đối phương ra xa. Tuy nhiên, sau trận đánh này người lính Nhật cũng bị hi sinh vì trúng đạn.

“Ngoài Tâm, Hà Nội lúc ấy còn nhiều lính Nhật dũng cảm cùng Việt Minh chống Pháp. Ở Bộ Tổng tham mưu trên phố Nguyễn Du, trung đội trưởng Trần Thành hi sinh sau khi ôm bom ba càng đánh xe tăng. Matsui, một trung đội phó người Nhật, thay thế chỉ huy, giữ vững trụ sở và đặc biệt là bảo vệ được gần 30 thương binh đang ở đây.

Anh cầm khẩu trung liên, kiên cường đẩy lùi nhiều đợt tấn công của đối phương. Chỉ đến đêm khi thương binh cuối cùng được chuyển đi, người lính Nhật này mới cùng đơn vị tạm rút lui theo lệnh”, tướng Phát hồi tưởng những ngày tháng không thể quên.

__________

Cả ngàn người dân trên đường sơ tán bị kẹt lại VN học xá. Một trận đánh sinh tử đã diễn ra để bảo vệ sinh mạng đồng bào...

Kỳ tới: Trận đánh sinh tử ở Việt Nam học xá

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên