28/08/2014 01:11 GMT+7

​Sức hấp dẫn của một “luật chơi”

NGUYỄN THÀNH THI
NGUYỄN THÀNH THI

TT - LTS: Lễ trao giải Văn học tuổi 20 lần thứ 5 diễn ra tại báo Tuổi Trẻ sáng nay 28-8.

Một số tác phẩm vào chung khảo cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần 5 đã ra mắt bạn đọc - Ảnh: Tiến Long

​Tuổi Trẻ trích giới thiệu bài tổng kết cuộc thi của PGS.TS Nguyễn Thành Thi - trưởng khoa văn Đại học Sư phạm TP.HCM, thành viên hội đồng chung khảo.

Xét từ một góc độ nào đó, có thể xem mọi cuộc thi sáng tác văn chương như là những cuộc chơi, những sân chơi.

Cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 do NXB Trẻ, Hội Nhà văn TP.HCM, báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức và duy trì hai thập niên qua, cũng là một cuộc chơi, một sân chơi. Đến nay đã là lần thứ 5, sau hàng chục năm ta thấy sân chơi vẫn luôn đông vui, người chơi vẫn rất hào hứng, hết mình.

Một câu hỏi rất đáng đặt ra là: do đâu mà một giải thưởng văn chương ở Việt Nam lại có được một sức sống vượt trội trong khoảng thời gian dài như vậy?

Có thể nói đến nhiều lý do, song không thể không nói đến ý nghĩa xã hội của sân chơi và sức hấp dẫn của “luật chơi”.

Đây là một sân chơi sang trọng bởi giải thưởng của nó chỉ dành cho những người chơi có năng lực, có thành phẩm tốt trong lĩnh vực sáng tạo cái đẹp bằng ngôn từ.

Và, thông qua giải thưởng, nó góp phần phát hiện tài năng, bổ sung lực lượng cho nền văn xuôi đương đại của nước nhà. Nhiều tên tuổi, gương mặt người viết được vinh danh từ cuộc thi đã và đang tỏa sáng trong làng văn, làng báo Việt Nam.

Luật chơi ở đây lại rất thoáng, mang tính khích lệ mà thách thức vẫn cao.

Với yêu cầu “viết về con người, cuộc sống, khát vọng của lứa tuổi đẹp nhất, nhiều ước mơ, nhiều trăn trở và nhiều thử thách nhất, tuổi hai mươi hôm nay”, cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ 5, cũng như những lần trước đó, hướng đến hai thể loại văn xuôi hư cấu (tiểu thuyết, truyện ngắn), phát huy tưởng tượng sáng tạo, đồng thời đặc biệt đề cao tiêu chí “trẻ”: “trẻ” trong nhãn quan, trong lối viết, trong thể nghiệm, tìm tòi.

Chính điều này đã làm nên cái đặc sắc, thú vị và sức thu hút, vẫy gọi riêng của giải.

Nét mới của cuộc thi lần này là sự hiển danh tác giả, tác phẩm. Thêm vào đó, việc in công bố trước tác phẩm - những tác phẩm được cho là có chất lượng của giải - để đồng thời giới thiệu rộng rãi với công chúng trong khi ban giám khảo làm việc, đã làm cuộc thi tăng cường được tính công khai, xã hội hóa.

Cung cách tổ chức hiện đại như thế không phải cuộc thi văn chương nào cũng có được.

Thực tế, phổ tuổi của những người tham gia cuộc thi lần này khá rộng. Người lớn tuổi nhất: 63, nhỏ nhất: 12.

Ngoại trừ một số người trong danh sách dự thi đã trưởng thành, đạt độ chín, khá quen thuộc trên văn đàn hôm nay; còn đa số là những người viết mới, tác phẩm dự thi của họ thậm chí có thể là những trang viết đầu tay. Như vậy, Văn học tuổi 20 chú trọng tính phát hiện và không chỉ dành cho “tuổi hai mươi”.

Văn học tuổi 20 giữ bí mật kết quả đến phút cuối

18 tác giả vào chung khảo sẽ có mặt tại lễ trao giải Văn học tuổi 20 lần thứ 5 do danh sách tác giả đoạt giải được ban tổ chức giữ kín đến phút cuối.

Chín quyển sách của chín tác giả đoạt giải được in đặc biệt (bìa cứng có bọc áo, có dấu chứng nhận đoạt giải, in giấy đẹp, có hình ký họa chân dung tác giả, in 1.000 cuốn/tựa, chỉ in một lần duy nhất không tái bản; sẽ tái bản loại bìa mềm) được phát hành trong dịp này.

Ngoài chín tác giả có giải (một giải nhất, một giải nhì, hai giải ba, năm giải khuyến khích), lễ tổng kết sẽ trân trọng tuyên dương chung cả 18 tác giả vào chung khảo với kỷ niệm chương, giấy chứng nhận, và được tặng một bìa sách đóng khung tranh.

Văn học tuổi 20 lần 5 có giải nhất trị giá 70 triệu đồng.

L.ĐIỀN

NGUYỄN THÀNH THI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên