Tuổi 20 trăn trở và... huyền ảo
13 trong 18 tác phẩm vào chung khảo cuộc thi Văn học tuổi 20 đã ra mắt bạn đọc - Ảnh: Tiến Long |
“Ba đi mười hai năm, mua xirô đá cho con, rồi về tay không vậy sao?”, tôi chẳng biết mình có nhớ chính xác câu hỏi của thằng con trai hỏi người cha vừa đi xa trở về trong một truyện ngắn của D không, nhưng hôm họp chỉ cần nhắc xirô đá bào, mấy anh giám khảo còn lại hào hứng kêu đúng tên tác giả, Ai không trở về đây mà.
Nhẹ nhõm như không, D viết về những tổn thương của một gia đình có người đàn ông mất tích mười hai năm và đột ngột trở về. Nhưng như người ta thường nói, không ai trở về được đúng nơi mà họ đã ra đi.
Không chữ nào D viết rằng họ đau, nhưng nỗi đau cứ sâu trong từng câu nói, trong từng hành động tưởng chừng dửng dưng, ở đứa trẻ con ngồi vẽ xirô đá với đủ hình dạng, trong cái mơ ước “xây dựng tập đoàn chuyên cung cấp xirô đá xuyên quốc gia”.
Tôi nhớ truyện ngắn ấy (trong tập Mất hút bên kia đồi) của D lâu bởi cảm giác tác giả đã chạm tới những tổn thương từ việc tưởng như hết sức tầm phào, những con người với khoảng trống mịt mù không ai với tới được, những vô lý buộc phải chấp nhận, những câu hỏi của cuộc đời không lời giải đáp. Bao nhiêu vấn đề gói trong một truyện ngắn, vậy mà văn D vẫn điềm đạm, trong veo.
Và trong mười tám cuốn sách vào chung khảo, tôi hay gặp cái buồn trong suốt kiểu vậy. Bảng lảng, khó cầm nắm, nhưng thật. Như nhân vật người ngủ thuê (trong tác phẩm Người ngủ thuê) của Nhật Phi cũng không chữ nào kêu buồn, vậy mà tôi cứ tưởng tượng cậu chàng nằm mãi trong chiếc giường đơn trong căn nhà trọ để ngủ cho người khác, lênh đênh trong mơ hết ngày lại ngày, hình dung ấy làm tôi sợ hãi. Nó cô đơn khủng khiếp.
Như thằng con trai miệt rừng của Lê Minh Nhựt (trong tập truyện Gia tộc ăn đất) suốt ngày leo đọt cây để ngó về chân trời, nơi có ánh đèn thành phố và đứa con gái nó yêu đang sống tàn lụi với chiếc xe kẹo kéo hát bên lề quán nhậu. Và thằng nhỏ, như con thiêu thân cũng lao về phía ánh sáng đó, như bao trai làng gái làng bỏ rừng đi.
Như cô bé Mùa Đông chăn bò trong Charao mùa trăng của Nguyễn Thị Khánh Liên bị bỏ rơi lúc mới sinh, và rồi trường học cũng bỏ rơi cô, bạn thân nhất phải rời đi theo cái chữ, cậu con trai cô yêu mất hút nơi cuối dốc, niềm hi vọng bỏ rơi cô bên mép vực sâu.
Như trong Thị trấn của chúng ta, Kihmari của Nguyễn Dương Quỳnh miên man kể chuyện với một cậu bạn có biệt danh là Siêu Nhân Đỏ đã bỏ đi, về cách những đứa trẻ trưởng thành, cách đối đầu với tổn thương, kỳ thị, dối trá và mất mát. Cô gái kể, và người đọc chẳng biết cậu bạn đã biệt mù có nghe được cô không, mà giọng cứ như là tự thầm thì.
Những câu chuyện họ kể “cơ bản là buồn” - như tên cuốn sách của Nguyễn Ngọc Thuần, nhưng văn không u uất, tối tăm, càng không giằng ném, cộc cằn. Có cảm giác họ đã học được cách đối mặt với cuộc đời, nên điềm tĩnh trước vui buồn, không làm quá lên.
Đôi khi chỉ đọc vài trang sách, tôi vội lật tìm tiểu sử, hoặc ảnh tác giả, để tìm kiếm câu trả lời người ra sao mà văn ung dung được vậy, mặc dù biết hành động của mình hết sức buồn cười. Năm sinh, hay gương mặt trẻ măng của tác giả chẳng nói lên điều gì hết, trong văn chương.
Có quá nhiều thứ để trầm trồ ngoài cái sự trẻ, lạ của những người viết tham gia cuộc thi lần này. Thí dụ như hơn một nửa tác giả gửi đến những cuốn đầu tay, và đa số là truyện dài. Thí dụ như bắt đầu thưa thớt những cái tôi gào thét hay rên rỉ. Họ mở lòng viết về nỗi đau đời, của người đời. Và tôi nghĩ họ sẽ đi xa mà không cần phải đào bới bản thân trải lên trang viết. Vì có sống dày dặn đến đâu, nếu cứ viết về mình thì vài ba cuốn cũng hết.
Họ, chỉ là thủ thỉ kể những câu chuyện đâu đó, không vui lắm (thời thế giờ bói đâu ra nhiều niềm vui), nhưng nếu có buồn thì cũng chẳng đến nỗi thắt ngực, nhảy lầu. Buồn trong như hơi thở, chỉ biết là có nó, và sống cùng với nó.
Chưa từng trải mấy ở “nghề giám khảo” này, vừa đọc tôi vừa căn dặn mình phải giữ cái đầu lạnh để xét nét, soi mói. Đôi lúc bới móc ra vài chỗ “có mùi” dùng chữ để thanh toán quan hệ riêng tư, cũng như thu nhặt không ít sự non tay, vụng về. Rồi nghĩ, cái hồi mình hai lăm tuổi, mình viết cũng vụng, dại, ngông cuồng như họ. Chỉ mơ hồ, hồi ấy buồn của mình có trong như D, như Phi, như Quỳnh hay Liên bây giờ không?
Tái bản nhiều tác phẩm Cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần 5 do báo Tuổi Trẻ, NXB Trẻ, Hội Nhà văn TP.HCM phối hợp tổ chức lần lượt giới thiệu đến độc giả 24 tác phẩm mới. Đợt sách đầu tiên ra mắt bạn đọc từ tháng 9-2013 và đợt sách cuối cùng sẽ phát hành vào dịp trao giải, gồm năm tác phẩm: Lý Hàng Khơi (Ðoàn Phương Nam), Mất hút bên kia đồi (D), Cát nổi, khói vẫn bay (Phạm Tử Văn), Charao mùa trăng (Nguyễn Thị Khánh Liên) và Ðuôi trắng (Hồ Thúy An). Đây cũng là năm trong số 18 tác phẩm vào chung khảo cuộc thi lần này (xem bài “Tuổi 20 trăn trở và... huyền ảo”, Tuổi Trẻ ngày 14-8). Theo thông tin từ NXB Trẻ, một tín hiệu vui cho cuộc chơi văn chương từng phát hiện nhiều cây bút khẳng định được tên tuổi trên văn đàn này là có đến 15 trong 19 cuốn sách được in đã được tái bản, trong đó có những cuốn tái bản chỉ sau hai tháng phát hành. L.TH. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận