Ông Bùi Tất Tươm và bộ sách biển đảo Việt Nam - Ảnh: Mỹ Dung |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhà giáo Bùi Tất Tươm - nguyên phó tổng biên tập NXB Giáo Dục, một trong những tác giả biên soạn tủ sách - khẳng định: biển đảo là một nội dung giáo dục quan trọng trong năm học này.
Bắt đầu biên soạn từ năm 2010
* Vì sao NXB Giáo Dục lại gấp rút biên soạn và đưa tủ sách biển đảo vào trường phổ thông, thưa ông?
Ông Bùi Tất Tươm (nguyên phó tổng biên tập NXB Giáo Dục):
Tính khoa học và tính sư phạm Như bất cứ cuốn sách giáo khoa nào, sách về giáo dục biển đảo phải đảm bảo hai yêu cầu: tính khoa học và tính sư phạm. Thông tin phải chính xác, chính thống, hàm súc, đáp ứng được yêu cầu dạy học trong nhà trường. Yếu tố sư phạm là nội dung từng bộ sách phải phù hợp với từng cấp học và cách tiếp cận của giáo viên mỗi bậc học. Bộ sách biên soạn ra để giáo viên trực tiếp giảng dạy nên phải cung cấp đầy đủ cho giáo viên về tư liệu biển đảo để giảng dạy… |
- Từ nhiều năm nay, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo giáo dục biển đảo là một nhiệm vụ quan trọng trong nhà trường.
Ở bậc tiểu học, từ lâu Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo tích hợp, lồng ghép nội dung giáo dục biển đảo vào các môn học.
Ở bậc THPT, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học của bộ ký ngày 5-8-2014 có nêu rõ một trong những nhiệm vụ của giáo dục trong nhà trường là chú trọng giáo dục về biển đảo, bảo vệ tài nguyên môi trường, bảo vệ tài nguyên biển đảo...
Như vậy trong các bậc học, Bộ GD-ĐT đã xác định đây là một nội dung quan trọng cần thiết phải đưa vào giảng dạy cho học sinh.
Thật ra, sách giáo khoa từ trước đến nay vẫn biên soạn những nội dung biển đảo trong các bậc học. Nhưng nay chúng ta có một tủ sách riêng về biển đảo với mục đích tăng cường nhận thức về chủ quyền quốc gia đối với các vùng biển đảo, quần đảo, trong đó có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
* Xin ông nói rõ thêm về tủ sách đặc biệt này?
- Tủ sách biển đảo Việt Nam do NXB Giáo Dục Việt Nam tổ chức biên soạn gồm ba bộ sách: Hoàng Sa - Trường Sa, Kể chuyện biển đảo Việt Nam và Dạy học về biển đảo Việt Nam. Tủ sách đã hoàn thành cuốn cuối cùng vào tháng 3-2014.
Bộ sách thứ nhất Hoàng Sa - Trường Sa có bốn cuốn. Cốt lõi của bốn cuốn này là hệ thống tư liệu của Việt Nam, phương Tây và cả của Trung Quốc liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bộ sách đề cập những sự kiện quan trọng như hải chiến Hoàng Sa năm 1974, vòng tròn bất tử...giới thiệu chân dung những ngư dân biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước thời nay và nghĩa tình cả nước… Bộ sách gồm nhiều nhân chứng từng trải nghiệm ở Hoàng Sa, Trường Sa nên có sức lôi cuốn.
Bộ sách thứ hai Kể chuyện biển đảo Việt Nam giới thiệu đầy đủ về 12 huyện đảo Việt Nam. Điểm khác biệt của bộ sách là cung cấp đầy đủ tư liệu về địa lý, văn hóa, lịch sử các vùng biển đảo của Tổ quốc, một mặt có chất thông tấn của báo chí nhưng mặt khác khai thác các sự kiện theo cách kể chuyện nên đã gợi lại cả quá khứ hào hùng của dân tộc, của ngư dân các vùng miền...
Bộ sách thứ ba Dạy học về biển đảo Việt Nam gồm ba cuốn. Cuốn thứ nhất dành cho giáo viên và học sinh tiểu học, cuốn thứ hai dành cho giáo viên và học sinh THCS và cuốn thứ ba dành cho giáo viên và học sinh THPT. Trong ba cuốn này đều có ba phần: chiến lược, cơ hội, nội dung, nguyên tắc, phương pháp giáo dục biển đảo Việt Nam; giáo dục biển đảo Việt Nam trong giờ chính khóa; giáo dục biển đảo Việt Nam trong các hoạt động ngoài giờ.
Một số nội dung có thể đưa vào giờ chính khóa
* Với vai trò vừa là người biên soạn vừa là người tập huấn về tủ sách biển đảo, xin ông cho biết tủ sách này sẽ được sử dụng như thế nào trong nhà trường phổ thông?
- Tủ sách biển đảo Việt Nam hiện chỉ mới là sách tham khảo. Tuy nhiên, qua quá trình đi tập huấn, lãnh đạo nhiều sở GD-ĐT cho biết sẽ đưa nội dung này vào dạy trong các bậc học, từ tiểu học đến THPT.
Các tác giả bộ sách cũng chỉ ra cụ thể nội dung gì phù hợp đưa vào giờ học chính khóa hoặc hoạt động ngoài giờ lên lớp.
Cụ thể ở tiểu học, đặc biệt với môn địa lý lớp 4, lớp 5 sẽ có những bài có chủ đề độc lập được dạy về biển đảo. Tự nhiên xã hội, Tiếng Việt từ lớp 1-5 có thể lồng ghép. Bên cạnh đó tổ chức dạy nội dung biển đảo thông qua các hoạt động ngoài giờ lên lớp…
Ngoài môn địa lý, lịch sử là đương nhiên, nội dung biển đảo có thể tích hợp cả vào toán, vật lý…
Các cấp học đều có những hướng dẫn này, nên giáo viên thông qua đó sẽ có thể tổ chức dạy và các hoạt động cho học sinh.
Bộ sách hướng đến việc giúp học sinh biết biển đảo là gì, tiềm năng của biển đảo ra sao, vấn đề phát triển kinh tế biển đảo như thế nào là bền vững, bảo vệ môi trường biển đảo gắn với môi trường thiên nhiên…
* Giáo viên và các sở GD-ĐT tiếp nhận tủ sách này như thế nào? NXB có dự định phát triển thêm các tủ sách liên quan đến biển đảo, chủ quyền quốc gia trong thời gian tới hay không, thưa ông?
- Dù chỉ là sách tham khảo, nhưng đi đến đâu tôi cũng thấy lãnh đạo các sở GD-ĐT cho rằng cần thiết phải đưa tủ sách biển đảo vào giảng dạy ở trường học và sẽ làm gấp rút trong năm học này.
Chúng tôi đã phát hành một số bộ sách trong tủ sách này vào năm 2013 và đến nay có những bộ đã tái bản lần thứ hai với tổng số lượng in 8.000 bản. Có những buổi tập huấn về tủ sách biển đảo mà có 600 giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ngồi nghe say mê như tại hội trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Sóc Trăng…
Không chỉ là con số, có một số giáo viên đã tiếp cận bộ sách này và giới thiệu trong hội thi giáo viên thư viện giỏi toàn quốc năm 2014. Có những người đoạt giải nhất như một thầy ở Trường TH Võ Thị Sáu (Biên Hòa).
NXB Giáo Dục cũng đang trong quá trình biên soạn cuốn sách Những cột mốc biên cương (biên giới Việt Nam - Trung Quốc, biên giới Việt Nam - Lào...).
Cũng như giáo viên, những người biên soạn sách giáo dục như tôi thấy rằng vấn đề biên giới, lãnh thổ không phải làm trong một sớm một chiều mà phải thường xuyên, liên tục nên chắc chắn sẽ có thêm những bộ sách mới.
Giảng dạy về Hoàng Sa Ông Nguyễn Minh Hùng - phó giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng - cho biết hiện bản thảo về tài liệu giảng dạy quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam) cho học sinh THCS, THPT trên địa bàn TP Đà Nẵng năm học 2014-2015 đã hoàn thành. Tuy nhiên, bản thảo đang chờ Ban tuyên giáo Thành ủy, HĐND TP Đà Nẵng xem xét cho ý kiến, sau đó mới được áp dụng trong trường học. Việc giảng dạy về quần đảo Hoàng Sa sẽ được áp dụng cho hệ THCS và THPT với 11 tiết học, trong đó bậc THCS có bảy tiết, THPT có bốn tiết. Theo ông Hùng, do quần đảo Hoàng Sa là một đơn vị hành chính cấp huyện thuộc TP Đà Nẵng nên việc giảng dạy lịch sử của Hoàng Sa sẽ gắn liền với lịch sử địa phương của Đà Nẵng. Hiện Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng đang xem xét tặng sách cho học sinh, giáo viên hoặc bán như sách giáo khoa. ĐOÀN CƯỜNG |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận