03/09/2014 10:55 GMT+7

​IS đe dọa hình ảnh Hồi giáo ôn hòa của Indonesia

CHIÊU VĂN  ​(tổng hợp)
CHIÊU VĂN ​(tổng hợp)

TTO - Nhà chức trách Indonesia, quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới, có nhiều lý do để lo ngại về tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).

Giáo sĩ Hồi giáo cực đoan Indonesia Abu Bakar Bashir - Ảnh: abc.net.au

Trong bối cảnh IS đang tiến hành một cuộc chiến tranh “lập quốc” tàn bạo ở Syria và Iraq, thu hút nhiều tay súng cực đoan từ nước ngoài, nhà chức trách Indonesia cũng buộc phải có những điều chỉnh mới.

Indonesia vừa ra tuyên bố cấm tổ chức IS cũng như sẽ truy tố hình sự những ai tham gia, kêu gọi tham gia hoặc ủng hộ vật chất cho IS, theo báo Mỹ The Wall Street Journal.

Tuy nhiên, không ít nhóm Hồi giáo cực đoan ở Indonesia vẫn tuyên bố ủng hộ IS, như tại Jakarta, Surakarta và các thành phố khác. Indonesia cũng không phải là quốc gia duy nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương lo ngại vì IS.

Tại Malaysia, cảnh sát nói đã bắt giữ 19 phần tử vũ trang lấy IS làm cảm hứng dự tính tấn công các hộp đêm, vũ trường và một nhà máy sản xuất bia Carlsberg ở Kuala Lumpur.

Úc ước tính 150 công dân của nước này đang chiến đấu cho IS ở Trung Đông và 15 người Úc đã thiệt mạng, bao gồm hai kẻ đánh bom liều chết.

Jakarta ước tính khoảng 60 công dân của nước này đang chiến đấu cho IS, nhưng con số thực tế có thể cao hơn nhiều.

Một trang Facebook có liên hệ với IS tuần trước đã đe dọa sẽ “qua bàn tay của nhà nước Hồi giáo thần thánh nghiền nát” ngôi đền thờ Phật giáo Borobudur ở Java, như cách các tay súng Taliban đã phá hủy những tượng Phật quý giá tại Bamiyan, Afghanistan hồi tháng 3-2001.

Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono gần đây nói IS là “nỗi hổ thẹn” của người Hồi giáo và đã ra lệnh cho cảnh sát tăng cường các hoạt động kiểm tra với những nhóm Hồi giáo cực đoan trên mạng.

Thủ tướng Malaysia Najib Razak thì nói IS là “những tên tội phạm chỉ nhân danh đạo Hồi”. Chính quyền của ông cũng đã tăng cường kiểm tra lý lịch với các công dân Malaysia ra nước ngoài.

Trong hơn một thập kỷ qua, nhà chức trách Indonesia đã chiến đấu không ngừng nghỉ với các mạng lưới khủng bố và nỗ lực xây dựng hình ảnh một nhà nước Hồi giáo ôn hòa và dung hợp tại quốc gia Đông Nam Á này.

Hàng trăm kẻ khủng bố đã bị bắt giữ và các nhóm có liên hệ với Al Qaeda, như Jemaah Islamiyah, thủ phạm vụ đánh bom ở Bali năm 2002 khiến 202 người thiệt mạng, đã yếu đi nhiều.

Nhưng bóng đen của chủ nghĩa khủng bố vẫn phủ lên quốc gia Hồi giáo 240 triệu dân này, và IS sẽ là một mối đe dọa mới.

Tuần trước, Abu Bakar Bashir, thủ lĩnh tinh thần của Jemaah Islamiyah, đang thụ án 15 năm tù giam vì các tội liên quan tới khủng bố, công bố một đoạn video bày tỏ sự ủng hộ với IS.

IS tung video chiêu mộ

Các đoạn video cũng đã xuất hiện trên YouTube nhắm vào việc chiêu mộ người Indonesia cho IS, với một đoạn băng vào tháng 7 chiếu cảnh các tay súng người Indonesia quấn quanh mình lá cờ của IS kêu gọi các đồng bào “đứng vào hàng ngũ” nhóm Hồi giáo cực đoan này.

“Chúng tôi không chấp nhận điều đó, chúng tôi đã cấm IS ở Indonesia - ông Yudhoyono nói trong một cuộc phỏng vấn vào ngày sau vụ IS hành quyết nhà báo Mỹ James Foley được công bố trên mạng - Indonesia không chỉ là một nhà nước Hồi giáo. Chúng tôi tôn trọng mọi tôn giáo”.

“Chính phủ đã cấm việc giảng dạy các giáo lý của IS ở Indonesia. Nó không phù hợp với ý thức hệ của đất nước chúng tôi, hay triết lý về sự đa dạng và hòa hợp của nhà nước Cộng hòa Indonesia đoàn kết" - Djoko Suyanto, bộ trưởng phụ trách các vấn đề hợp tác chính trị, pháp lý và an ninh, nói với The Jakarta Globe.

Tuy nhiên, rủi ro lớn có thể không phải là ngay lúc này.

“Nguy hiểm thật sự với Indonesia có thể là ba hoặc bốn năm nữa, khi những kẻ trở về từ Syria mang theo kinh nghiệm chiến đấu dày dạn, một hồ sơ quốc tế và một ý thức hệ cực đoan sâu sắc” - Global Post dẫn lời Sidney Jones, giám đốc Viện phân tích chính sách xung đột có trụ sở tại Jakarta.

CHIÊU VĂN ​(tổng hợp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên