17/08/2014 05:35 GMT+7

​Chuyện ông Quều

THÙY TRANG
THÙY TRANG

TT - Mỗi dịp thu hoạch trái cây, người dân xã Tân Phú, huyện Châu Thành, Bến Tre lại thấy ông Quều lân la đến nhà xin gạo.

Ông Cường luôn vui vẻ tràn đầy lạc quan bên cạnh mẹ con người yêu mù - Ảnh: T.Trang
Ông Cường luôn vui vẻ tràn đầy lạc quan bên cạnh mẹ con người yêu mù - Ảnh: T.Trang

Không những không tránh né than phiền mà họ còn tự nguyện “nộp” tiền để ông mua gạo vì ông xin không phải để dành cho mình mà để mua gạo cho người nghèo.

Ông Quều tên thật là Trần Quốc Cường (55 tuổi), năm lên 10 tuổi tự dưng ông bị nổi nốt nhọt trên đầu phải làm phẫu thuật, nhưng không may ảnh hưởng dây thần kinh nên tay chân ông bị co rút, đi lại quều quào, mọi người trong xóm vẫn quen gọi ông là ông Quều từ đó.

17 năm đi xin gạo

Trong xóm có người cảm mến hành động của ông Quều nhưng cũng không ít người nói ông tào lao “thân mình lo chưa xong bày đặt làm chuyện thiên hạ”.

Ông tâm sự nhiều lúc cũng buồn lắm nhưng phải để trong lòng.

“Ai lói (nói) gì thì tui cũng cười hề hề, vì tui có tật mà, cái mặt lúc nào cũng cười hết chơn (trơn) đó, nhiều người còn lói tui hùng (khùng) nữa mà” - ông khó nhọc nói.

Câu chuyện của ông đứt quãng từng hồi vì miệng ông méo xệch nên mỗi câu mỗi chữ ông nói như rặn, cố uốn miệng để nói tròn chữ cho người đối diện dễ nghe.

Ông kể cơ duyên để ông gắn bó với công việc xin - cho này là do cảm thấy e ngại vì không làm mà lại có ăn, ông sống tới ngày nay cũng nhờ tình thương của chòm xóm, anh em cho cơm ăn từng bữa. Cách đây gần 17 năm, ông Quều có người anh hàng xóm làm ăn khá giả ngỏ ý muốn đi phát gạo cho bà con nghèo mà chưa có ai phụ, sẵn ngồi không nên ông xung phong đi giúp. 

Hằng năm ông Cường quyên góp được khoảng 5, 6 tấn gạo chia cho bà con nghèo. Ngoài ra, ông còn vận động được các mạnh thường quân ở TP.HCM xuống tận xã để tặng tập sách, đồ dùng học tập cho học sinh khó khăn dịp đầu năm học

Rồi ông Quều tự nghĩ nếu có thêm nhiều gạo thì sẽ có thêm nhiều người nghèo được nhận. Ông lân la đi tới mấy nhà giàu hỏi có muốn góp gạo cho người nghèo không, có người lúc đầu nghi ngại tưởng ông khùng nên cũng cho vài ký để ông đi. Rồi tiếng lành đồn xa, những người xưa kia nghĩ ông khùng nay lại đi kiếm ông, đưa ông gạo rồi nhờ ông đi phát cho người nghèo trong vùng.

Gạo ông xin được ngày một nhiều, không khiêng về nổi, mấy người xe ôm thấy tội nghiệp chở về giùm mà không lấy tiền công. Dần dà họ cũng trở thành bạn đồng hành mà ông vẫn thường gọi vui “đồng bọn”.

Mỗi lần ông gọi là “đồng bọn” lại giúp ông nhiệt tình từ khâu chở gạo về nhà, lập danh sách người nghèo, phát thư mời và tặng gạo tại nhà tình thương (rộng chừng 30m²) của ông.

Bà Trần Thị Hai (87 tuổi), hàng xóm của ông, nói: “Thằng Quều tốt bụng lắm, nhà ai nghèo mà bệnh tật không nhận gạo được nó đem cho đến tận nhà, có khi nó còn đi xin tiền để đem cho người bệnh nữa”.

Mấy năm gần đây, bà con thấy ông mỗi lần mang vác gạo cực quá nên thay vì góp gạo thì họ góp tiền để công việc dễ dàng hơn. “Mỗi ngày gom được bao nhiêu tui đều đem đến cửa hàng gạo gửi ở đó rồi cuối tháng quy ra gạo mang về, chứ giữ tiền trong mình tui không yên bụng” - ông Quều nói.

Thấy việc làm của ông có ý nghĩa, hằng năm UBND xã Tân Phú đã cấp giấy xác nhận mở “Hũ gạo tình thương” cho ông để công việc của ông thuận lợi hơn.

Chuyện tình kỳ lạ

Dạo gần đây, người dân xứ này lại có dịp bàn ra bàn vô về chuyện ông Quều thương người đàn bà mù. Số là trong những lần đi phơi thuốc nam từ thiện ở chùa, ông gặp người phụ nữ tên Trịnh Thị Hồng Kha (44 tuổi) bị mù, hằng ngày đến quét dọn ở sân chùa.

Nhiều lần thăm hỏi, ông biết cô Kha đã từng có chồng, có hai con nhưng 10 năm về trước mắt cô tự dưng mờ rồi mù hẳn, người chồng từ đó cũng bỏ ba mẹ con mà đi. Cuộc sống chật vật lại mù lòa nên cô Kha thường đến chùa dọn dẹp để được ăn cơm ở chùa. Ông Quều thấy tội nghiệp nên xin được gạo ông vẫn thường chia cho ba mẹ con.

Từ thương hoàn cảnh khốn khó của cô, ông Quều thường xuyên thăm nom chăm sóc rồi tỏ lòng thương mến. Bất chấp sự phản đối của người thân, chòm xóm, mấy tháng trước ông Quều đã liều đưa cô lên Bệnh viện Hòa Hảo (TP.HCM) để chữa trị đôi mắt bằng cách tặng một bên giác mạc của mắt ông, nhưng bác sĩ lắc đầu nói do mắt cô đã nhiễm trùng quá lâu nên không có khả năng chữa trị. Hai người tật nguyền dắt díu nhau về trước những ánh mắt ngưỡng mộ, ngỡ ngàng lẫn tiếc nuối của đội ngũ y bác sĩ.

Rồi ông Quều lại càng quyết tâm bảo bọc mẹ con cô Kha hơn. “Lúc đầu tui thấy thương vì cô ấy mù lòa. Tui sáng mắt còn làm việc được, chứ như cổ thì khổ lắm. Tui chỉ muốn cho cô ấy con mắt để cổ thấy đường nuôi con nhưng giờ như vậy thì tui muốn thương cho trót” - ông Quều giãi bày.

Cô Kha cũng tâm sự: “Tụi tui đến với nhau là tự nguyện, thấy anh Quều tốt bụng, thương giúp mẹ con tui nên tui cũng cảm mến ảnh. Giờ tụi tui chỉ mong sớm tối thăm hỏi, động viên nhau về tinh thần. Mẹ con tui cả đời này mang ơn ảnh nhiều lắm”.

Ông Trần Hoàng Liêm, chủ tịch xã Tân Phú cho biết năm vừa rồi, ông Cường cũng đã làm đơn xin xã cắt sổ hộ nghèo của mình để nhường lại cho nhà khó khăn hơn.

Ông Cường ghi rõ trong đơn mỗi tháng đã nhận trợ cấp cho người khuyết tật là 216.000 đồng đủ cho ông chi xài, còn ăn uống thì đi tới đâu đều có người cho ăn cơm, ông khư khư giữ sổ này thì phí, nên nhờ xã cấp cho hộ nghèo khác cần thiết hơn.

“Chúng tôi cảm mến ông Cường vì tuy tật nguyền nhưng tấm lòng ông rất đôn hậu, luôn nghĩ cho người khác, nhờ ông mà bà con trong xã cũng gắn bó, chung tay trong việc giúp người nghèo”, ông Liêm nói.

THÙY TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên