Cái bắt tay, ký kết giữa nhà trường và doanh nghiệp đem lại nhiều cơ hội trải nghiệm thực tế cho sinh viên - Ảnh: Q.L. |
Thông tin tại buổi đối thoại giữa nhà trường với doanh nghiệp mới đây cho biết cả ngàn sinh viên đã thụ hưởng mô hình này ngay trong giai đoạn thử nghiệm.
Các bạn đã được đến doanh nghiệp không chỉ để xem người ta làm gì ở đó mà chính các bạn được bắt tay làm những công việc sẽ trở thành quen thuộc sau ngày ra trường. Nói cách khác, ngay lúc còn trên ghế nhà trường, sinh viên đã được trải nghiệm thực tế, có cơ hội làm việc thật sự.
Khoa công nghệ thông tin được chọn làm đơn vị thí điểm của trường. Không chỉ đưa sinh viên, chính các giảng viên của khoa cũng phải đến doanh nghiệp tham gia học kỳ này. Thạc sĩ Võ Thành Trung - trưởng khoa - đúc kết: “Đưa giảng viên đi cùng vừa là cơ hội cập nhật kiến thức thực tế bổ sung cho quá trình giảng dạy, vừa để kịp thời hỗ trợ, điều chỉnh khi sinh viên có những biểu hiện chưa đúng về tác phong, giao tiếp với doanh nghiệp”.
Chia sẻ với nhà trường, đại diện Công ty cổ phần thương mại cơ khí Tân Thanh nói đã yên tâm hơn, không còn quá lo lắng chuyện thiếu hụt nhân sự như trước, bởi sinh viên của trường đều đáp ứng được yêu cầu công việc của công ty.
Vì vậy ngay trong năm học tới, đơn vị này “đặt hàng” nhà trường cung cấp 40 sinh viên chuyên ngành cơ khí. Công ty sẵn sàng tài trợ một phần kinh phí, hỗ trợ thêm thiết bị, máy móc xem như cùng nhà trường đào tạo người cho mình vì “chúng tôi tin vào chất lượng nhân lực do trường cung ứng”.
Tuy lời khen nhiều, song các doanh nghiệp cũng thẳng thắn bày tỏ điều chưa hài lòng với sinh viên. Ấy là các bạn chưa tập được tác phong công nghiệp. Ấy là nhiều bạn có kiến thức chuyên môn tốt song kỹ năng mềm, phần phụ trợ nhưng lại rất quan trọng trong mắt nhà tuyển dụng, vẫn còn thiếu khá nhiều. Ấy là vẫn còn những cá nhân chưa thật sự yêu thích và chuyên tâm với ngành nghề đã chọn.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Lý - hiệu trưởng nhà trường - nói nhà trường muốn đối thoại với doanh nghiệp là mong được nghe chê nhiều hơn chứ không chỉ là những lời khen. “Nghe chê để biết trường còn thiếu gì, phải bổ sung gì bởi sinh viên được tiếp cận với công việc ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường là mong mỏi lớn nhất, cũng là mục tiêu của chúng tôi” - bà Lý chia sẻ.
Cái bắt tay đã có, việc ký kết cũng hoàn thành. Vấn đề còn lại chỉ là cửa sẽ mở như thế nào, sinh viên và nhà trường sẽ đi làm sao để đoạn đường từ trường đến doanh nghiệp không còn là khoảng cách xa xôi như lâu nay người ta vẫn kêu ca.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận