Phóng to |
Phương Thảo và Andreas Wagner đã tìm được hạnh phúc sau những nỗ lực rút ngắn khoảng cách giữa hai gia đình - Ảnh nhân vật cung cấp |
Họ là những chàng trai, cô gái Việt mạnh dạn đi tìm hạnh phúc dù hạnh phúc đó cách họ nửa vòng trái đất.
"Dung hòa với gia đình của vợ không phải dễ, nhất là khi cả hai khác xa về văn hóa, ngôn ngữ, thói quen... Bí quyết của tôi là đừng cố biến mình thành một người nước khác mà phải biết chọn những sở thích, thói quen có thể dung hòa làm điểm chung. Như vậy, mọi việc sẽ trở nên “dễ thở” hơn" ANDREAS WAGNER |
Quen nhau trong dịp tình cờ, Phương Thảo (22 tuổi, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) không ngờ anh chàng người Đức nhút nhát, hay đỏ mặt cô gặp cách đây năm năm chính là “người trong mộng” bấy lâu cô tìm kiếm. Sau thời gian tìm hiểu, cả Thảo lẫn Andreas Wagner - tên chàng trai người Đức - đều biết họ cần có nhau. Nhưng cả hai cũng nhận ra hàng tá rào cản mà họ phải vượt qua. “Phản ứng đầu tiên của gia đình đương nhiên là phản đối. Tôi rất hiểu và lường trước được sự phản đối này nhưng không biết làm sao thuyết phục gia đình” - Phương Thảo chia sẻ.
Trong khi đó, không nản chí trước thái độ của gia đình Thảo, Andreas Wagner ra sức thuyết phục và tìm mọi cách chứng tỏ sự chân thành của mình. Nhờ sự hiền lành, chân thật, Andreas dần lấy được niềm tin của gia đình Phương Thảo. “Tôi thường hỏi Thảo về sở thích, thói quen của những người trong gia đình để cư xử cho phù hợp. Biết ba Thảo thích chơi cờ tướng, tôi liền lên mạng nghiên cứu cách chơi và tự luyện tập. Ba của Thảo nghe tôi nói biết chơi đánh cờ thì vui lắm” - Andreas kể.
Về phía gia đình Andreas, Thảo đã mạnh dạn sang Đức để “ra mắt” và tỏ rõ tình cảm của mình. Kiên trì gần ba tháng thì gia đình hai bên dần xuôi lòng. Thảo và Andreas đã chính thức kết hôn vào tháng 12-2010 và vừa lên máy bay sang Đức vào tháng 6 vừa qua.
Trường hợp chị Khánh L. (25 tuổi, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) lại không được may mắn như vậy. Chị L. đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của gia đình khi bày tỏ ý định kết hôn và sang Na Uy định cư cùng người yêu. Dù đã cố gắng thuyết phục, thậm chí từng ra tận sân bay với ý định lén trốn gia đình sang Na Uy, nhưng rồi chính chị cũng không vượt qua được rào cản của chính mình. “Khi đó tôi rất sợ. Sợ mình không chịu nổi sự quay lưng của gia đình. Sợ phải làm lại từ đầu. Sợ phải thay đổi những thói quen” - chị L. chia sẻ.
2. Sống chung: chinh phục nhau
Để đi đến hôn nhân đã khó, hòa hợp nhau trong cuộc sống hằng ngày càng khó hơn. Chị N.T.Trinh (30 tuổi, chồng quốc tịch Pháp) cho biết dù có hơn nửa năm tìm hiểu về đất nước và con người Pháp, nhưng khi chung sống với nhau chị vẫn mất nhiều thời gian để hòa hợp với chồng trong ăn uống, sinh hoạt...
“Ngay trong việc chuẩn bị bữa ăn đã khiến tôi vất vả rất nhiều. Không phải món ăn nào của VN chồng cũng ăn được. Trong khi nấu món Tây thì mình chẳng thể nuốt trôi” - chị Trinh nói. Vậy nên giải pháp của chị là nấu món ăn xen kẽ cho đến khi cả hai quen dần những món ăn truyền thống của nhau.
Anh Paul, chồng chị, cũng khá vất vả trong việc làm quen với những món ăn VN. Anh cho biết: “Thấy vợ vất vả nên ban đầu tôi cố ăn để cô ấy vui, nhưng sau này bắt đầu thấy thích một số món của VN như bánh xèo, phở...”.
Chuyện bất đồng ngôn ngữ cũng khiến nhiều cặp đôi dở khóc dở cười. Chị Hà Anh (28 tuổi) lấy chồng là người Trung Quốc nhưng lớn lên ở Pháp nên sử dụng nào tiếng Trung Quốc, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Việt để giao tiếp nhau. Kết quả đôi lúc cả hai đành sử dụng ngôn ngữ “tay chân” là chính.
Trong khi đó, cặp đôi Wagner - Phương Thảo chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ chung. Ấy thế mà họ vẫn thường hiểu lầm nhau do... tiếng Anh cũng không rành. Vậy nên Andreas chịu khó học tiếng Việt. Anh tự mua sách, mua phim VN về xem và nhờ vợ kèm thêm. Andreas bộc bạch: “Học tiếng Việt để hiểu thêm về vợ cũng như hiểu thêm về đất nước của vợ là điều rất thú vị”.
Một khó khăn nữa là dù vợ chồng cố nhường nhịn nhau thì không phải lúc nào cũng cơm lành canh ngọt. Chị Trinh cho biết: “Mâu thuẫn lớn nhất giữa hai vợ chồng là cách dạy con. Anh ấy thì muốn “thoáng như phương Tây”, mình lại muốn giáo dục nghiêm ngặt kiểu phương Đông. Vậy là cãi nhau”.
3. Nhập gia tùy tục
Theo Th.S xã hội học Phạm Thị Thúy - chuyên viên tham vấn tâm lý, giảng viên Học viện Hành chính cơ sở TP.HCM, để dung hòa tốt những sự khác biệt, các cô dâu hay chú rể Việt kết hôn với người nước ngoài cần trau dồi ngôn ngữ, bởi đó sẽ là cầu nối giúp bạn tìm hiểu cũng như hòa nhập cuộc sống nơi nhà chồng, vợ tốt hơn.
Điều quan trọng không kém là nhập gia thì tùy tục khi mỗi đất nước đều có nền văn hóa, lối sống khác nhau. Chưa kể, để không lạc hậu và hòa nhập nhanh cuộc sống mới, bạn cần có công việc. Khi đi làm bạn sẽ có thêm niềm vui và những người bạn mới. Đây cũng là điều kiện để bạn cọ xát hơn với văn hóa và ngôn ngữ đất nước của người bạn đời.
Ngoài ra, việc tìm hiểu trước khi kết hôn rất quan trọng, quyết định sau hôn nhân hạnh phúc có bền vững hay không. Bạn cần tìm hiểu về văn hóa, lối sống, cách sinh hoạt, hay ngay cả vấn đề tài chính của người bạn đời tương lai. Càng nhiều thông tin về nhau cũng như có thời gian để hai bên tìm hiểu càng tốt.
Để hạn chế những... thất vọng khi về với nhau * Nhờ người tìm hiểu giúp. Nếu vì điều kiện mà hai người chưa thể thăm nhà nhau trước khi kết hôn, có thể nhờ người thân, bạn bè tìm hiểu giúp. Hoặc thông qua máy quay phim chụp hình cảnh sinh hoạt hằng ngày, để bạn hình dung và biết rõ hơn về gia đình mới mà mình sắp đến. * Đừng kỳ vọng vào một cuộc sống như trong mơ. Điều này giúp bạn dễ dàng chấp nhận những khó khăn và thích ứng với cuộc sống khó khăn nhanh hơn. * Lấy tình yêu chân thành làm nền tảng. Th.S PHẠM THỊ THÚY |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận