Ngày 8-7, đoàn chuyên gia của Bộ Y tế gồm bà Dương Thị Hồng, phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, ông Lê Thanh Hải, giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư và ông Viên Quang Mai, viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang, đã cùng trực tiếp thăm khám, đo lượng kháng thể sau tiêm, tình hình sức khỏe... cho bé V.N.U.N., 3 tháng tuổi ở TP Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận), bị tiêm nhầm hai văcxin DPT và sởi - rubella hôm đầu tháng 7.
Về nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe của bé về sau này hay không, bà Hồng cho rằng văcxin DPT đã được sử dụng trong chương trình tiêm chủng từ lâu, nhưng hiện nay chương trình đang sử dụng văcxin Quinvaxem có năm thành phần trong một mũi tiêm, vì tiêm DPT chỉ có ba thành phần bạch hầu, ho gà, uốn ván nên bé N. sót hai thành phần ngừa viêm gan B và Hib. Thời điểm bé 4 và 5 tháng tuổi, bé sẽ được tiêm Quinvaxem trở lại.
Với văcxin sởi - rubella thông thường sử dụng cho trẻ từ 1 tuổi, bà Hồng cho biết ở Mỹ lịch tiêm chủng cho phép sử dụng văcxin sởi cho bé từ 6 tháng tuổi ở vùng dịch, tuy nhiên hiệu quả miễn dịch không cao bằng giai đoạn 9 tháng tuổi tiêm mũi sởi đầu tiên như lịch tiêm hiện nay. Do thời gian qua, có một lượng trẻ khá lớn chưa đến lứa tuổi tiêm sởi đã mắc sởi nên Bộ Y tế đang có một đề tài nghiên cứu cấp bộ về hiệu quả tiêm sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi.
Về việc bé N. bị tiêm nhầm văcxin, bà Hồng cho biết hiện bảng nhắc 5 đúng về việc cha mẹ trẻ và cán bộ tiêm chủng cần làm gì khi đưa trẻ đến tiêm chủng và tiêm chủng cho trẻ đã được phát đến trạm y tế xã phường, tuy nhiên sau nhầm lẫn này, Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia sẽ đề nghị có giám sát sau tiêm với từng trẻ được tiêm chủng. Tức là một cán bộ y tế thực hiện tiêm chủng, một thực hiện giám sát sau tiêm. Cha mẹ trẻ cũng cần hỏi rõ loại văcxin mà con mình được tiêm trong lần tiêm này, đối chiếu với lứa tuổi của trẻ... để phối hợp đảm bảo an toàn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận