Tàu cứu hộ Open Arms xuất hiện gần bờ biển đảo Lampedusa của Ý ngày 16-8 - Ảnh: Reuters
Khi tàu cứu hộ Open Arms (Vòng tay rộng mở) của Tây Ban Nha giải cứu 147 người di cư ngoài khơi bờ biển Libya ở Địa Trung Hải và di chuyển về hướng đảo Lampedusa của Ý để đưa họ tới nơi an toàn, họ nào ngờ nhà chức trách Ý không mở rộng vòng tay chào đón.
Tình trạng lênh đênh trên biển đó đã diễn ra trong hơn 2 tuần qua và nhanh chóng trở thành một vấn đề gây nóng chính trường Ý, với nhiều hồi khẩu chiến giữa các chính trị gia.
Khẩu chiến về nhập cư
Trong một lá thư hôm 15-8, Thủ tướng Ý Giuseppe Conte đã cáo buộc Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Ý Matteo Salvini "ám ảnh với việc chặn đứng người nhập cư", đồng thời không thể giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư chỉ bằng "công thức đóng cảng".
Đáp trả, ông Salvini tuyên bố ông tự hào với sự "ám ảnh" về an ninh nước Ý và nhấn mạnh quyết tâm bảo vệ an toàn cho nước Ý vì "đó là thứ mà dân chúng Ý trả lương để tôi làm".
Trước đó, ông Salvini đã ban một mệnh lệnh khẩn cấp ngăn tàu Open Arms cập cảng đảo Lampedusa.
Tòa án chính quyền Rome đã bác bỏ lệnh cấm của ông Salvini và cho phép con tàu di chuyển vào gần đất liền Ý.
Song ông Salvini đã chỉ trích quyết định của tòa án và chỉ đạo các quan chức của ông tiếp tục cấm tàu này cập cảng.
Tuy nhiên, trong một động thái phần nào gỡ rối cho cuộc khủng hoảng nhập cư ở châu Âu, Thủ tướng Conte tiết lộ ông đã thuyết phục được 6 thành viên Liên minh châu Âu (EU) là Pháp, Đức, Romania, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Luxembourg đồng ý tiếp nhận số dân di cư trên tàu Open Arms.
Rối!
Khi mà số phận của các di dân trên tàu Open Arms chưa biết sẽ đi về đâu và họ rơi vào tuyệt vọng thì bên trong đất liền, chính trường Ý đang "rối như tơ vò".
Hôm 8-8, ông Matteo Salvini, người hiện cũng là lãnh đạo Đảng Liên đoàn phương Bắc (NL), tuyên bố liên minh đa số tại Quốc hội Ý đã chấm dứt vì những bất đồng không thể hàn gắn và yêu cầu tổ chức một cuộc tổng tuyển cử sớm nhất có thể.
Động thái này sẽ đặt dấu chấm hết cho liên minh chính phủ vốn không mấy mặn mà giữa NL và Đảng Phong trào 5 sao (M5S) của ông Luigi Di Maio, đồng thời đẩy Ý tới gần bờ vực của một cuộc khủng hoảng chính phủ.
Ngay trong vụ tàu Open Arms trên, sự bất đồng giữa hai bên cũng dễ thấy khi Bộ trưởng Quốc phòng Ý Elisabetta Trenta thuộc M5S từ chối phê chuẩn sắc lệnh khẩn cấp ngăn tàu cứu hộ Open Arms chở 147 người vào lãnh hải Ý của ông Salvini.
Ông Salvini còn đề xuất bỏ phiếu cải cách hiến pháp về việc cắt giảm số đại biểu tại Quốc hội và lập tức bỏ phiếu bất tín nhiệm Thủ tướng Conte.
Các đại biểu đến từ các đảng phái chính trị Ý cũng đã thống nhất chọn ngày 20-8 để tiến hành cuộc bỏ phiếu này.
Hãng tin Bloomberg nhận định ông Salvini đang dồn sự chú ý vào vấn đề nhập cư khi ông bắt đầu thúc đẩy tổ chức các cuộc bầu cử mới, đưa ông vào vị trí thủ tướng tiếp theo của nước Ý.
Ông Salvini cho rằng nước Ý, nằm gần bờ biển Libya, không nên là cánh cổng chính phục vụ những người di cư từ châu Phi sang châu Âu.
Tuy nhiên, Thủ tướng Conte, người hiện không thuộc về đảng chính trị nào nhưng lại thân với M5S, cho rằng ông Salvini muốn khai thác vấn đề nhập cư để giành được lợi thế trong cuộc bầu cử sắp tới, thay vì cùng ngồi xuống với các đối tác tại Ý để tìm ra giải pháp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận