Một đoạn trích trong đêm tôn vinh 100 năm cải lương - Video: DUYÊN PHAN
Đến dự có khoảng 1.000 khán giả và đại diện các cấp lãnh đạo từ trung ương đến thành phố, đại diện các sở Văn hóa Thể thao, các nhà hát từ một số tỉnh thành phía Nam và nhà hát cải lương Việt Nam.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng ông Võ Văn Thưởng - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - tặng hoa tôn vinh các nghệ sĩ - Ảnh: DUYÊN PHAN
Đặc biệt, chương trình có sự góp mặt của hơn 400 nghệ sĩ, nhạc công nhiều thế hệ, như các nghệ sĩ: Lệ Thủy, Ngọc Giàu,Thanh Tuấn, Minh Vương, Thanh Điền, Thanh Kim Huệ, Trọng Hữu, Hồng Nga, Thoại Miêu, Tuấn Thanh, Thanh Sơn, Công Minh, Kim Tử Long, Thoại Mỹ, Phượng Loan, Vũ Luân, Trinh Trinh, Tấn Giao, Lê Hồng Thắm…
Ban tổ chức cũng đã mời các nghệ sĩ lão thành, NSND, NSƯT, các soạn giả gạo cội đến xem chương trình như nghệ sĩ Kim Cương, Phi Điểu, Thanh Nguyệt, Quốc Nhĩ, Kiều Mai Lý, Phú Quý, Nam Hùng, Tô Kim Hồng, soạn giả Đăng Minh, Ngô Hồng Khanh, nhạc sĩ Khải Hoàn...
Một đêm diễn ngập tràn cảm xúc
Đêm diễn mở màn bằng tổ khúc ca múa nhạc Vọng trăng xưa với phần phối nhạc cung đình Huế, chuyển qua Tứ đại oán, Dạ cổ hoài lang và vọng cổ với sự thể hiện của các nghệ sĩ Ngọc Giàu, Lệ Thủy, Minh Vương, Thanh Tuấn, Thanh Kim Huệ, Thanh Điền, Hồng Nga, Thoại Miêu, Trọng Hữu, Tuấn Thanh, Lê Thiện.
Để từ đó MC Hồng Phượng cùng các nghệ sĩ Trọng Hữu, Lê Thiện, Tuấn Thanh, Nguyên Đạt, Hữu Quốc, Lê Trung Thảo… dẫn dắt người xem đi từ khởi đầu hình thành sân khấu cải lương với những gánh hát, nghệ sĩ tiên phong. Rồi những giai đoạn thăng trầm, khi đất nước chia cắt, đỉnh điểm là vở Lấp sông Gianh nói lên khát khao hòa bình, đất nước, non sông nối liền một dải đã bị đánh bom ngay ngày khai trương vở (19-12-1955) tại rạp Nguyễn Văn Hảo, khiến nhiều người chết và bị thương.
Trong thời kỳ đất nước khó khăn, mỗi nghệ sĩ cũng là chiến sĩ cùng nêu cao tinh thần yêu nước. Tinh thần ấy thể hiện với sự ra đời của nhiều đoàn cải lương giải phóng ở Bến Tre, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, Văn công giải phóng, T4, đoàn Văn công QK9…
Cho đến năm 1978, sau đêm diễn Thái hậu Dương Vân Nga, NSƯT Thanh Nga đã ra đi. Một Dương Vân Nga ngã xuống có nhiều Dương Vân Nga khác đứng lên. Chương trình đã có lớp diễn khá xúc động khi NSND Ngọc Giàu, NSƯT Thoại Mỹ và NSƯT Phượng Loan cùng thể hiện khí phách của Dương Vân Nga cương quyết không trao long bào cho giặc.
Trước đó là những giây phút rùng rùng cảm xúc khi người xem được nghe lại đoạn thu âm những lời đanh thép của NSƯT Thanh Nga trong vở Thái hậu Dương Vân Nga. Đáng tiếc, lớp diễn này không có sự góp mặt của NSND Bạch Tuyết khi vai diễn Thái hậu Dương Vân Nga của bà được xem là mẫu mực, được các thế hệ nghệ sĩ sau này học tập và coi như là khuôn mẫu.
Những giải thưởng danh giá của làng cải lương cũng được ghi nhận như giải Thanh Tâm, Trần Hữu Trang đánh dấu sự nối tiếp, truyền lửa cải lương từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Tiết mục song ca cổ Bánh bông lan của NSND Lệ Thủy và NSƯT Minh Vương khiến nhiều khán giả thích thú - Ảnh: DUYÊN PHAN
Trong đêm diễn, tiết mục song ca cổ Bánh bông lan của NSND Lệ Thủy và NSƯT Minh Vương khiến nhiều khán giả thích thú. Ở tuổi ngoài 70, nhưng hai nghệ sĩ gạo cội đã có màn trình diễn sinh động, dí dỏm bài ca đã đi vào lòng triệu triệu khán giả mê mệt cải lương với lối hát chơn chất, dung dị và cách thể hiện hết sức hài hước.
Các nghệ sĩ, gia đình nghệ sĩ, các soạn giả, họa sĩ, đạo diễn, nhạc sĩ cải lương tiêu biểu, cả nhân viên hậu đài, phục trang đã được mời lên sân khấu để vinh danh - Ảnh: DUYÊN PHAN
Những người tiếp lửa
8 đơn vị xã hội hóa đã luân phiên diễn các trích đoạn cải lương lịch sử. Đoàn Chí Linh - Vân Hà với trích đoạn Bạch Đằng giang dậy sóng, sân khấu Lê Hoàng với Thái hậu Dương Vân Nga, đoàn Vũ Luân với Cờ nghĩa Tây Sơn, đoàn Minh Tơ với trích đoạn Câu thơ yên ngựa, đoàn Kim Tử Long với Rạng ngọc Côn Sơn, đoàn Huỳnh Long với Liên khúc tuồng cổ, nhóm Thắp sáng niềm tin với Dấu ấn giao thời và sân khấu Sen Việt với Thuận lòng trời.
Tiếc là các đoàn chọn đa số trích đoạn lịch sử nên người xem chưa thấy rõ được sự đa dạng của mỗi đoàn với phong cách khác nhau.
Nghệ sĩ trẻ ở các đoàn tỉnh như Đồng Nai, Bến Tre, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Tây Ninh, Cà Mau và nhà hát cải lương Việt Nam cùng các bé ở nhóm Bầu trời xanh cũng có dịp hòa chung trong một tiết mục để trình diện với khán giả một lớp nghệ sĩ kế thừa, người sẽ giữ tiếp ngọn lửa của sân khấu cải lương sau 100 năm.
Các nghệ sĩ, gia đình nghệ sĩ, các soạn giả, họa sĩ, đạo diễn, nhạc sĩ cải lương tiêu biểu, cả nhân viên hậu đài, phục trang đã được mời lên sân khấu để vinh danh.
Những hình ảnh trong chương trình đêm 13-1:
Nghệ sĩ Hồng Nga cùng các nghệ sĩ gạo cội trong chương trình tôn vinh 100 năm cải lương - Ảnh: DUYÊN PHAN
Nghệ sĩ Lệ Thủy cùng các nghệ sĩ cải lương gạo cội biểu diễn tôn vinh 100 năm nghệ thuật sân khấu cải lương tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) tối 13-1 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Nghệ sĩ Thoại Miêu cùng các nghệ sĩ cải lương gạo cội biểu diễn tôn vinh 100 năm nghệ thuật sân khấu cải lương tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) tối 13-1 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Đêm giao lưu, tôn vinh được truyền hình trực tiếp trên kênh HTV1 và truyền tiếp trên kênh HTV9. Tổng đạo diễn chương trình: NSƯT Hoa Hạ, kịch bản: soạn giả Hoàng Song Việt. Chương trình sẽ được giản lược và diễn thêm đêm 14-1 để phục vụ rộng rãi công chúng tại phố đi bộ.
Các nghệ sĩ tái hiện lại nhiều vở diễn trên sân khấu - Ảnh: DUYÊN PHAN
Những nghệ sĩ gạo cội cùng nhau xuất hiện trong đêm tôn vinh 100 năm nghệ thuật sân khấu cải lương
Những vở diễn được tái hiện rất ấn tượng - Ảnh: DUYÊN PHAN
Vở Thái hậu Dương Vân Nga - Ảnh: DUYÊN PHAN
Mọi thứ từ trang phục, âm thanh, ánh sáng đều rất hoàn hảo - Ảnh: DUYÊN PHAN
Những tiết mục được đầu tư kỹ lưỡng - Ảnh: DUYÊN PHAN
Nghệ sĩ Kim Tử Long trên sân khấu - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận