20/12/2018 09:33 GMT+7

Sau 100 năm, sân khấu cải lương trông chờ nghệ sĩ trẻ

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TTO - Soạn giả Hoàng Song Việt khẳng định: 'Tương lai của sân khấu cải lương phải là của các bạn diễn viên trẻ chứ không phải ai khác!'. Vậy lực lượng trẻ hiện như thế nào, họ sẽ cáng đáng sứ mệnh nối tiếp ngọn lửa nghề của cha ông truyền lại ra sao.

Sau 100 năm, sân khấu cải lương trông chờ nghệ sĩ trẻ - Ảnh 1.

Thu Vân (Chuông vàng vọng cổ năm 2009) và Bùi Trung Đẳng (Chuông vàng vọng cổ năm 2010), hai giọng ca trẻ được đánh giá cao hiện nay, tuy nhiên họ cần có thêm sàn diễn, những vở diễn dài hơi để rèn luyện, trưởng thành hơn trong nghề - Ảnh: LINH ĐOAN

Nói thì có vẻ to tát nhưng thực sự yêu nghề phải chịu hi sinh. Cải lương là một bộ môn khó nên đã chọn theo con đường này phải chấp nhận không thể một sớm một chiều mà gặt hái thành quả nhanh chóng

Đạo diễn LÊ TRUNG THẢO

Ông Hoàng Song Việt phân tích từ các cuộc thi như Chuông vàng vọng cổ, Bông lúa vàng, từ các khoa kịch hát dân tộc, giải Trần Hữu Trang... chúng ta đang có một lực lượng diễn viên trẻ rất phong phú chứ không hề thiếu. Tuy nhiên, các bạn trẻ nếu không có điều kiện trui rèn, không có môi trường hoạt động nghề tốt thì mãi mãi chỉ là những viên đá không thể tỏa sáng thành ngọc.

NSƯT Minh Vương, NSƯT Thanh Kim Huệ... cũng từng chia sẻ rằng thời của họ, một nhân vật họ có thể diễn từ mấy trăm đến cả ngàn suất, muốn không thấm cũng phải thấm, và qua mỗi ngày vai diễn sẽ ngày càng nhuyễn, sâu sắc hơn, nghề nghiệp của họ ngày càng tiến bộ, trưởng thành.

Không chỉ tiến bộ về khả năng ca diễn, họ còn được đảm bảo về mặt đời sống, không phải lo chuyện cơm áo gạo tiền.

Bởi ngày ấy, cứ 8h-9h sáng vé đã bán sạch, còn bây giờ tối diễn mà 5h, 6h chiều người ta vẫn còn thắc thỏm không biết được bao nhiêu ghế, có phải trả vé, hủy suất diễn không...

Các hoạt động kỷ niệm 100 năm nghệ thuật sân khấu cải lương - Video: DUYÊN PHAN

Đừng vin vào khó khăn mà chểnh mảng

Thương "tụi nhỏ" nhưng ông Hoàng Song Việt nghiêm khắc: "Biết khó khăn nhưng tôi nghĩ các bạn trẻ cũng không nên vin vào đó để cho mình cái quyền chểnh mảng. Phải cố gắng hết sức để người ta bỏ tiền ra mua vé xem mình diễn không thấy lãng phí! Con đường nghề còn dài lắm, không bỏ công tôi luyện thì không thể gặt hái được thành quả".

Đạo diễn Lê Trung Thảo năm ngoái có tới mấy học trò đoạt giải cao trong cuộc thi tài năng trẻ sân khấu nghệ thuật truyền thống. Thế nhưng bản thân anh cũng lắm tâm tư. Bởi cứ tới mùa thi, các bạn trẻ lại hỏi: Thi gì bây giờ thầy ơi? Anh ngạc nhiên vì có những bạn không chịu khó xem nhiều để học hỏi, rút tỉa kinh nghiệm.

Ngay cả trong các mùa hội diễn, rất ít diễn viên trẻ chịu khó đi xem đồng nghiệp diễn. Trung Thảo kể: "Hồi đó, tôi học thầy Xuân Hiểu, thầy có nói một câu tôi thấy rất hay: Làm nghề này, để đạt được chữ "vừa" khó lắm! Diễn thiếu thì tuột, diễn dư thì có khi lố. Mà để có được chữ "vừa" trong cải lương đâu phải dễ, phải học hỏi phối hợp nhịp nhàng từ giọng ca, diễn xuất, vũ đạo, phục trang, hóa trang...

Bước ra sân khấu là phải chỉn chu, phải sống với nhân vật cho trọn vẹn chứ không phải lúc người khác diễn mình tự cho mình cái quyền xả vai, xụi lơ... Điều đó ảnh hưởng đến tổng thể, tập thể".

Theo nghề mười mấy năm trời nhưng mãi những năm sau này, Trung Thảo mới gây chú ý khi rất đắt sô dàn dựng những chương trình game show như Gương mặt thân quen, Sao nối ngôi, Kịch cùng bolero...

Liên hoan cải lương toàn quốc vừa qua tại Long An, anh cũng gây chú ý với vở cải lương Ngày đó họ đều còn trẻ. Anh tâm sự đã có thời gian dài học và ngấm nghề, từ những ngày đầu được tác giả Hoàng Song Việt tạo điều kiện dựng vở cho nhóm Thắp sáng niềm tin. Rồi đi múa, làm biên đạo múa để kiếm sống nuôi nghề.

Cố gắng chú ý, học hỏi những cái hay của đạo diễn lớn, như học ở đạo diễn Hoa Hạ tính tổng thể, học đạo diễn Trần Ngọc Giàu ở những xử lý chi tiết. Trung Thảo không tiếc mười mấy năm âm thầm để đến hôm nay anh bắt đầu được công nhận.

Một trích đoạn vở cải lương Thầy Ba Đợi

Bài toán làm nghề và chạy sô

Nói về lớp diễn viên trẻ cùng thế hệ với mình, nghệ sĩ Võ Minh Lâm chia sẻ: "Chúng tôi hiện tại làm nghề trong điều kiện sân khấu cải lương khó khăn nên không tránh khỏi những lúc hoang mang. Nhiều lúc hết sức đau đầu vì bài toán làm nghề và chạy sô để đảm bảo cuộc sống.

Để tập một vở diễn trọn vẹn, nhiều ngày liên tiếp phải đến sàn tập miệt mài từ sáng tới tối, đến khi diễn chỉ được 1, 2 suất. Tiền catsê nội mua trang phục, mua cặp vé cho người thân đi xem cũng đã bị thâm. Trong khi đó, chỉ cần bỏ một ngày chạy sô hát 1, 2 bài cũng có thể nhiều hơn tiền lương một suất diễn".

Gần đây, Võ Minh Lâm vào một vai phụ trong vở Mưa rừng, một vai bị câm và điên nên không được hát, chỉ có la hét khiến anh bị khan giọng.

Anh nhận vai này vì "tôi nghĩ không có vai nhỏ vai phụ, vai nào miễn mình cố gắng hết sức cũng đều tốt cho nghề. Ngoài ra, tôi còn muốn tham gia như một sự hỗ trợ cho các bạn trẻ hơn tôi".

Võ Minh Lâm chia sẻ thêm một thực tế: "Tôi biết có những bạn đoạt giải cao ở các cuộc thi cũng có tâm trạng. Bởi các ông bà bầu, nhà tổ chức đôi khi không dám mạo hiểm chọn họ vì phải mất nhiều thời gian tập, bởi xuất phát điểm họ chỉ có giọng ca. Mà giao vai phụ thì có khi họ không muốn nhận vì nghĩ ở vị trí của mình phải là vai chính. Cải lương đã khó khăn nên để giữ nghề, tôi nghĩ mỗi người trẻ cố gắng ý thức hơn, càng phải gắn kết mới tạo được hiệu ứng tốt".

Ở góc độ đào tạo diễn viên, ông Nguyên Đạt, trưởng khoa kịch hát dân tộc Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh TP.HCM, thẳng thắn thừa nhận hiện nay khâu tuyển sinh ở các trường ĐH, cao đẳng nghệ thuật cũng đang mắc lỗi, đặc biệt đối với lĩnh vực nghệ thuật truyền thống.

Ông nói: "Có nhiều nước, khi đào tạo những tài năng cho nghệ thuật truyền thống, họ xác định hạt ngọc ngay từ khi các em còn rất nhỏ, có khi 7, 8 tuổi họ đã lựa chọn. Trên thế giới, tuổi đẹp rực rỡ, tuổi thanh xuân của nghề khoảng từ 16-20 tuổi. Còn ở mình, 18 tuổi mới tuyển vào. Ra trường, khoảng 22 tuổi, lúc đó các em khá cứng, rồi còn phải lao đao với cuộc sống cho đến 25, 26 tuổi thì thanh xuân đã bớt đi ít nhiều!".

Đào tạo khán giả cho cải lương

Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên từng nhiều lần nhắc về tầm quan trọng của việc đưa sân khấu cải lương vào học đường. Bà nói: "Nên chú ý đến việc giáo dục âm nhạc và sân khấu dân tộc. Học nhạc cụ, bài bản của nhạc tài tử - cải lương ở các bậc phổ thông theo hướng từ thấp lên cao".

Đồng cảm với suy nghĩ của bà Mai Mỹ Duyên, ông Lê Nguyên Đạt chia sẻ khoa ông đang làm kế hoạch trình TP đề xuất mỗi năm khoảng 40-50 sinh viên của khoa (từ năm 2 trở đi) có thể đến các trường học ở 24 quận huyện trong TP hướng dẫn tập hát những bài lý, bài bản nhỏ, mỗi tuần chỉ cần khoảng 1 giờ.

Học sinh được nghe sẽ từ từ thấm và yêu mến âm nhạc dân tộc. "Nếu dự án này được thực hiện dài hơi, khoảng 10 năm sau tôi tin sân khấu cải lương sẽ có ít nhất thêm 2.000-3.000 khán giả trẻ" - ông Nguyên Đạt bày tỏ.

Sau trăm năm, sân khấu cải lương như đèn từ từ hết dầu... Sau trăm năm, sân khấu cải lương như đèn từ từ hết dầu...

TTO - Cả nước đang có những hoạt động kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương. Giữa niềm vui vẫn có những mối lo, như NSƯT Lê Tứ thì: 'Sân khấu cải lương đang khó khăn trăm bề, mỗi ngày thấy yếu dần như đèn đang từ từ hết dầu...'

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên