TTO - Theo chân kỹ sư tư vấn giám sát liên danh NJPT (Nhật Bản và Việt Nam), phóng viên Tuổi Trẻ Online đã đi vào lòng đất, khám phá công trình thi công metro từ ga trung tâm Bến Thành (phía trước chợ Bến Thành) đến ga Nhà hát Thành phố.

Xuống lòng đất Sài Gòn, khám phá trái tim công trình metro ngầm - Ảnh 1.

Từ 4 năm nay không gian phía trước chợ Bến Thành và dọc tuyến đường Lê Lợi, quận 1, TP.HCM được rào kín để xây dựng tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Hàng vạn lượt người qua lại mỗi ngày không biết bên trong đại công trường này có gì ngoài các cần cẩu vươn cao trên bầu trời.

"Nhưng rồi cũng quen cháu! Ông cũng gần 70 rồi, vài năm nữa chắc gì còn sức đi đâu đó xa, thôi cũng mừng vì con cháu, bà con mình rồi sẽ được đi tàu điện ngầm", một cụ già đang ngồi thư giãn sau khi tập ở công viên 23-9 bảo.

Xuống lòng đất Sài Gòn, khám phá trái tim công trình metro ngầm - Ảnh 2.
Xuống lòng đất Sài Gòn, khám phá trái tim công trình metro ngầm - Ảnh 3.
Xuống lòng đất Sài Gòn, khám phá trái tim công trình metro ngầm - Ảnh 4.

7h sáng chủ nhật, vừa dừng chân trước chợ Bến Thành đã nghe tiếng cần cẩu, sắt thép chạm nhau rộn rã trong công trường.

Mặc xong đồ bảo hộ, chúng tôi được các kỹ sư dẫn theo các lối đi an toàn đã được thiết kế để đến khu vực trung tâm nhà ga. Từ đây nhìn xuống, đại công trường hiện ra rõ mồn một, đâu đâu cũng có các nhóm công nhân, kỹ sư đang làm việc.

Trò chuyện một lúc với anh em kỹ sư để nắm rõ về quy định an toàn, mọi người bắt đầu đi sâu xuống tầng B3, nơi có nhiều công nhân thi công nhất.

Kỹ sư hiện trường Nguyễn Kim Hoa cho biết mấy ngày tới sẽ tiếp tục đổ bêtông một số hạng mục còn lại để kịp triển khai lắp ván khuôn cầu thang máy, trong đó có tấm sàn cuối cùng của tầng hầm B3.

Cách đó vài chục mét, hướng về ga Nhà hát Thành phố, một số hạng mục của tầng B2 (sàn B2R-B2Q-B2T) cũng được thi công ngày đêm.

Theo anh Phan Cảnh Hoàng, kỹ sư hiện trường khu vực đào hở đường Lê Lợi, kết cấu vỏ hầm đoạn Lê Lợi kết nối nhà ga trung tâm Bến Thành có cao độ -14m, đỉnh sàn -8m, với 2 khoang song song để đoàn tàu đi về ga Nhà hát Thành phố.

Nếu đoạn metro từ nhà ga Ba Son về ga Nhà hát Thành phố (dài khoảng 1.800m) thi công bằng thiết bị robot TBM (đào 781m), thì từ ga trung tâm Bến Thành (gói thầu CP1a) đến ga Nhà hát Thành phố (gói thầu CP1b) dài 747m, trong đó đoạn đào hở (đường Lê Lợi) dài khoảng 511m đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật rất cao.

Xuống lòng đất Sài Gòn, khám phá trái tim công trình metro ngầm - Ảnh 6.

Tại điểm cuối gói thầu CP1a tiếp giáp với gói thầu CP1b, hàng chục công nhân đang tất bật thi công cốt thép sàn đáy vỏ hầm. Từng thanh sắt phi 32 dài lắp giữa tường vây bên này với tường vây bên kia để tạo lưới thép sàn.

Chúng được kết nối với nhau bằng coupler, một loại keo đặc biệt sẽ được bơm vào coupler sau khi kết nối lưới thép vào tường vây để tạo sự liên kết tốt nhất trước khi đổ bêtông cho vỏ đáy hầm dày 1,5m.

"Sau khi được nghiệm thu, chúng tôi sẽ đổ bêtông rồi tiến hành các công việc tiếp theo. Đây là hạng mục rất quan trọng vì là nơi kết nối hai gói thầu trọng điểm của toàn tuyến. Anh em công nhân, kỹ sư phải chú trọng từng chi tiết" - anh Lê Hoàng Long, kỹ sư giám sát khu vực zone 3 (gói thầu CP1a), cho biết.

Xuống lòng đất Sài Gòn, khám phá trái tim công trình metro ngầm - Ảnh 7.
Xuống lòng đất Sài Gòn, khám phá trái tim công trình metro ngầm - Ảnh 8.

Ở hướng ngược lại, từ công trường trên đường Lê Lợi ngổn ngang sắt thép, chúng tôi theo chân anh Phan Công Thành - kỹ sư tư vấn giám sát liên danh NJPT - xuống chiếc cầu thang hẹp rộng khoảng 40cm. Từng người một len lỏi qua những thanh sắt giằng chống để xuống sàn đáy ở độ sâu 28m.

Mất khoảng 8 phút đi xuống, ai nấy đã mồi hôi ướt đẫm quần áo vì chưa quen với không khí trong lòng đất.

Tại đây, hàng chục công nhân đang thi công cốt thép sàn đáy vỏ hầm. Cách đó vài chục mét, về hướng nhà ga trung tâm Bến Thành, một nhóm công nhân, kỹ sư cũng tất bật lắp giàn giáo để thi công hạng mục vỏ hầm và tường ngăn giữa hai làn tàu chạy.

Xuống lòng đất Sài Gòn, khám phá trái tim công trình metro ngầm - Ảnh 10.
Xuống lòng đất Sài Gòn, khám phá trái tim công trình metro ngầm - Ảnh 11.

Các kỹ sư cho biết điều quan trọng nhất của vỏ hầm metro là chống thấm nước. Vì vậy, bên dưới lớp bê tông dày 1,5m còn đổ một lớp bêtông tạo phẳng dày 20cm, lót tấm chống thấm PVC dày 2cm ở giữa, cuối cùng mới phủ lớp bêtông dày 3cm. Lớp bêtông ở đáy vỏ hầm theo đó dày đến 1,75m, chắc chắn bảo đảm nước không thể ngấm vào.

Tương tự hai bên, sau lớp tường vây dày 1,5m, công nhân tiếp tục thi công lớp vỏ hầm dày 1m với hệ chống thấm bên ngoài bằng vật liệu tấm HPDE, một trong những vật liệu chống thấm tốt nhất hiện nay trên thế giới.

Kỹ sư Long nói những ngày gần đây trời mưa suốt nên việc thi công thêm phần vất vả, nhưng "ý thức được tầm quan trọng của hạng mục phải đảm bảo chống thấm nước tốt nhất nên cả đội ngũ đều cố gắng khắc phục các sai sót dù nhỏ nhất".

Theo thiết kế, kết cấu vỏ hầm ngầm đoạn đường Lê Lợi rộng 12,3m, gồm 2 làn tàu chạy, chiều cao khoảng 6m mỗi làn, ở giữa là vách ngăn đổ bê tông dày 1m. Đến nay đơn vị thi công đã hoàn thành được 236,5m kết cấu vỏ hầm, đạt tiến độ hơn 70%.

Len lỏi qua các đường hầm còn ngổn ngang vật tư đến hết đoạn Lê Lợi, trước mặt chúng tôi hiện ra một không gian rộng lớn. Đó là công trình nhà ga trung tâm Bến Thành với hàng ngàn thanh thép H350x350 giằng chống.

Một kỹ sư cho biết trọng lượng của toàn bộ sắt thép giằng chống ở gói thầu số 1a khoảng 18.000 tấn sẽ được tháo dỡ khi công trình hoàn thành.

Xuống lòng đất Sài Gòn, khám phá trái tim công trình metro ngầm - Ảnh 12.
Xuống lòng đất Sài Gòn, khám phá trái tim công trình metro ngầm - Ảnh 13.
Xuống lòng đất Sài Gòn, khám phá trái tim công trình metro ngầm - Ảnh 14.


Gần 20h tối, cơn mưa rào vừa tạnh. Tại cổng phía đường Phạm Ngũ Lão có 5 xe đổ bêtông xếp hàng. Các xe đã di chuyển khoảng 70 phút từ nhà máy trộn bêtông (khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè) đến đây và tiếp tục được kiểm soát đầu vào lần nữa.

Lúc này, đội ngũ kiểm soát chất lượng của tư vấn, nhà thầu và phòng thí nghiệm hiện trường cùng thiết bị thí nghiệm sẽ đến lấy mẫu, kiểm tra.

"Làm từng bước và cho kỹ vào", tư vấn hiện trường Nguyễn Văn Tĩnh đôn đốc anh em.

Theo kỹ sư Phan Công Thành, hỗn hợp bêtông tươi khi đến công trường sẽ được kiểm tra. Bêtông phải có tính dễ thi công cần thiết để đạt được độ lèn chặt tốt nhất bằng việc xác định độ sụt hoặc độ chảy. Thứ hai là kiểm soát nhiệt độ, phải nằm trong giới hạn cho phép, nhằm ngăn bêtông hình thành cường độ sớm từ lúc trộn xong đến lúc đổ.

Công đoạn tiếp theo cũng rất quan trọng là lấy mẫu ngẫu nhiên mỗi 30m3 hỗn hợp bêtông. Việc kiểm tra cường độ sẽ được thực hiện trên 3 mẫu bêtông ở ngày thứ 28 hoặc theo yêu cầu của kỹ sư.

"Nếu cường độ các mẫu kiểm tra thấp hơn các giá trị được quy định, kỹ sư sẽ cho phép kiểm tra cường độ của các lõi bêtông được khoan trực tiếp từ kết cấu. Nếu cường độ các lõi bêtông vẫn không đạt yêu cầu, kỹ sư có thể yêu cầu thực hiện kiểm tra thử tải tại bất kỳ bộ phận nào của kết cấu hoặc dỡ bỏ, cắt phần kết cấu bêtông tương ứng với mẫu không đạt cường độ nêu trên" - kỹ sư Thành cho biết.

Xuống lòng đất Sài Gòn, khám phá trái tim công trình metro ngầm - Ảnh 15.

Trong thực tế, tính đến thời điểm này, hơn 200.000m3 bêtông đã được đổ tại nhà ga trung tâm Bến Thành nhưng vẫn chưa xảy ra trường hợp nào phải xử lý như trên.

Hơn 21h, chúng tôi vào sâu bên trong công trường nhà ga trung tâm Bến Thành, lúc này nhiều mẻ bêtông đã được bơm trực tiếp xuống sàn đổ cách mặt đất khoảng 10m bằng cần bơm bêtông của các xe chuyên dụng bên trên.

Cạnh đó, một nhóm kỹ thuật vận hành xe bơm, trong khi kỹ sư không rời mắt theo dõi sát sao quá trình đổ bêtông từ trên cao xuống phía dưới. Đi tiếp 6 vòng cầu thang rộng vừa đủ 1 người lên xuống mới đến được khu vực tầng B2 đang được đổ bêtông.

Xuống lòng đất Sài Gòn, khám phá trái tim công trình metro ngầm - Ảnh 16.

Không dưới 50 công nhân và kỹ sư đang miệt mài làm việc. Tiếng xe, tiếng động cơ máy móc vang lên không ngừng nghỉ, giám sát phải chạy lại gần hô thật to để anh em công nhân, kỹ sư nghe rõ hướng dẫn của mình.

Việc đổ bêtông diễn ra dưới hệ khung chống chằng chịt nên việc di chuyển cần bơm không hề dễ dàng, các công nhân phải vất vả điều khiển vòi bơm đến các vị trí mong muốn. Người kéo, người hô để đảm bảo bêtông được đổ liên tục và đều khắp mặt sàn.

"Công nhân, kỹ sư được chia ra thành nhiều nhóm nhỏ. Nhóm điều khiển vòi bơm vào đúng vị trí yêu cầu, nhóm khác tiến hành đầm, dùi những vị trí bê tông được bơm xuống để đảm bảo bêtông không còn sót lại những bọt khí, tất cả đều phải phối hợp nhịp nhàng", kỹ sư Nguyễn Minh Dũng của nhà thầu chính thông tin thêm.

Quá khuya, chúng tôi mới lên "mặt đất" để ra về. Đi được một đoạn xa vẫn còn nghe rõ những âm thanh rộn rã của công trường thi công dưới lòng đất...

Xuống lòng đất Sài Gòn, khám phá trái tim công trình metro ngầm - Ảnh 17.
Xuống lòng đất Sài Gòn, khám phá trái tim công trình metro ngầm - Ảnh 18.
Xuống lòng đất Sài Gòn, khám phá trái tim công trình metro ngầm - Ảnh 19.
Xuống lòng đất Sài Gòn, khám phá trái tim công trình metro ngầm - Ảnh 20.

NGỌC ẨN - VĂN BÌNH
VĂN BÌNH - TƯ LIỆU
THẾ KIỆT - VĂN BÌNH
HẢI PHI
BẢO SUZU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên