Người nhái lặn xuống đáy biển định vị các khối bêtông tạo rạn nhân tạo - Ảnh B.D.
Một ngày giữa tháng 7, chiếc cần cẩu lớn được đặt trên sà lan cắm giữa vùng nước sâu rìa đảo Cù Lao Chàm quậy tung bọt sóng.
Từng khối bêtông lớn đúc hình vuông đều đặn được nhấc khỏi sà lan rồi dìm xuống lòng biển, dưới đó có những mái nhà nhân tạo dành cho tôm cá đang lớn dần.
Xuống độ sâu 25m "đặt gạch" xây nhà
Chúng tôi lên chiếc sà lan khổng lồ được Công ty Sea Morning Hàn Quốc - nhà thầu thi công dự án thả rạn ở đảo Cù Lao Chàm - bố trí tại rạn Mành.
Những chuyên gia người Hàn Quốc cùng nhân viên ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm chia nhau từng vị trí để phối hợp thả rạn, đặt những cục bêtông xuống lòng biển sâu 20 - 25m.
Choi Sang Hack - anh bạn Hàn Quốc đứng sát mép sà lan - một tay cầm điện thoại màn hình lớn, tay kia liên tục đảo giữa không trung để ra hiệu cho người thợ máy đang ngồi trên cabin.
"Sang trái, qua phải! Gần thêm chút nữa! Thôi, thả xuống, chậm thôi" - Choi mắt không rời màn hình, miệng hét lớn để ra hiệu cho người thợ máy. Thông dịch viên Bửu Lê Kim Hoài đứng bên ông cũng hét lớn để phiên dịch qua tiếng Việt và ra dấu tay phụ họa cho đội ngũ kỹ thuật trên mặt nước.
Gần 11h trưa, khi phân nửa số cục bêtông đã được nhấc khỏi sà lan và dìm xuống mặt nước, Choi Sang Hack mới buông điện thoại xuống.
Ông cầm cỗ máy quay chuyên dùng dưới nước, khoe mớ ảnh vừa ghi lại được. "Đây là thiết bị giám sát việc neo thả bêtông cả trên bờ lẫn dưới nước. Tất cả mọi công việc đều được ghi lại để làm nhật ký", Choi nói.
Qua camera này có thể thấy một thế giới thu nhỏ tuyệt đẹp dưới đáy biển Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Những người nhái đeo bình oxy vừa đạp chân vịt điều hướng, vừa dùng hai tay đu bám vào các khối bêtông dìu từ trên mặt nước xuống đáy biển.
Sà lan chở thiết bị, rạn nhân tạo tại vị trí làm việc
Những người sống dưới đáy đại dương
Phải mất gần 2 giờ đồng hồ chúng tôi mới tiếp cận được những người nhái làm công việc điều hướng, thả rạn dưới đáy biển. Khi những khối bêtông cuối cùng được nhấc bổng khỏi cặp sà lan, Choi Sang Hack dùng thiết bị chuyên dụng liên lạc với đội người nhái đang lặn dưới chân ông ở độ sâu 25m.
Màn hình định vị đội thợ này tiến dần đến vị trí sà lan. Mặt nước sủi bọt trắng xóa một góc. Kim Sang Bom và Kim Ky Young - hai người nhái - thò đầu lên khỏi mặt nước và thở dốc. Quá mệt sau ca làm việc, cả Bom và Young vào cabin nằm nghỉ lấy lại sức.
Kỹ sư Nguyễn Văn Vũ - phó giám đốc ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm - cho biết Bom và Young là hai người nhái chuyên nghiệp trong đội của Công ty Sea Morning - đơn vị đến từ Hàn Quốc chịu trách nhiệm thực hiện dự án thả rạn tạo môi trường sinh sản cho tôm cá ở Cù Lao Chàm.
Ông Kim Sang Bom nói thêm đội của ông đã làm việc ở nhiều nơi tại Việt Nam chuyên về thi công các hạng mục dưới đáy biển, riêng dự án thả rạn nhân tạo ở Cù Lao Chàm thì đội thực hiện vào các mùa sóng biển êm giữa năm và triển khai từ năm 2021.
Chuyên gia Hàn Quốc trên sà lan chỉ đạo người nhái neo thả bêtông bằng thiết bị định vị - Ảnh B.D.
Để có thể làm được dưới biển sâu, những thợ lặn phải mang bình dưỡng khí, quấn chì quanh cơ thể và thả ống cấp oxy bổ sung nối từ máy thở lớn đặt trên mặt nước. Khi bêtông được cần cẩu thả xuống mặt nước, người nhái sẽ đợi sẵn dưới đáy và bám vào bêtông, đồng thời liên lạc với ca trực trên để dịch chuyển qua các vị trí đã định vị.
"Lặn trong thời gian dài và làm việc dưới môi trường áp suất cao nên mỗi lần lặn khỏi mặt nước chúng tôi mất khá nhiều thời gian để trở lại trạng thái cân bằng, đầu bị chứng ù nặng và trong tai rất đau" - Kim Sang Bom, thành viên trong đội người nhái, nói.
Về vị trí đang làm "nhà" cho cá ở Cù Lao Chàm, ông Nguyễn Văn Vũ cho biết dù chỉ là một cụm đảo nhỏ nhưng Cù Lao Chàm được thế giới quan tâm đặc biệt không chỉ bởi hệ sinh thái mà vai trò vô cùng quan trọng đối với nguồn lợi thủy sản đại dương.
Quá trình theo dõi và thám sát đáy biển, các chuyên gia phát hiện quanh đảo Cù Lao Chàm có rất nhiều dãy rạn như những vách núi chìm từ lâu là mái nhà trú ẩn của tôm cá. Vào mùa sinh sản, tôm cá từ đại dương bơi vào đẻ trứng. Tuy nhiên do việc đánh bắt, hoạt động trên mặt nước của con người nên các rạn này bị bào mòn.
Tôm cá đã tự về sống ở rạn nhân tạo là "ngôi nhà" bằng bê tông - Ảnh: B.D.
Tổ chức FIRA - cơ quan tài nguyên thủy sản Hàn Quốc - đã quyết định chọn rạn Mành ở quanh đảo Cù Lao Chàm để thực hiện dự án tạo rạn nhân tạo. Hệ thống rạn này được làm từ các khối bêtông chồng lên nhau.
Trước khi dự án được khởi động, các chuyên gia Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm cùng người nhái Hàn Quốc đã lặn tới hầu hết các vị trí dưới mặt nước quanh đảo. Từng hòn đá, từng cụm san hô được đưa vào hồ sơ để đánh giá.
"Chúng tôi quyết định chọn rạn Mành, nằm cách trung tâm đảo chừng 4km, bởi ở đây tồn tại một hệ thống rạn tự nhiên khổng lồ, nền đáy biển ổn định, dòng chảy êm và các điều kiện tự nhiên hoàn hảo. Việc thả rạn sẽ làm rộng thêm mái nhà cho tôm cá về sinh sản, ấp nở, khoanh vùng bảo vệ để chặn đứng việc khai thác tận diệt", kỹ sư Nguyễn Văn Vũ nói.
Mô hình “nhà” bêtông cho cá ở dưới đáy biển
600 khối bêtông
Dự án thả rạn nhân tạo tại Cù Lao Chàm được FIRA tài trợ với tổng kinh phí gần 8,5 tỉ đồng, khởi động từ 2020 nhưng do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nên mới thi công gần đây.
Rạn nhân tạo gồm 600 khối bêtông lớn được đặt tại 4 điểm bao quanh một rạn tự nhiên lớn. Trên mỗi điểm rạn bêtông này, các chuyên gia cho đặt tổng cộng 150 khối bêtông chồng lên nhau theo hình tháp. Sau khi hoàn tất, dự án sẽ bàn giao lại cho tỉnh Quảng Nam khai thác.
Những mái nhà khang trang
Sau hàng chục phút cõng bình oxy nhảy xuống lòng biển tại các vị trí đã thả rạn từ năm trước, Trần Thị Phương Thảo - chuyên gia lặn biển của ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm - trở lại mặt nước với tiếng hò reo lớn.
Thảo bảo rằng đã nhìn thấy một thế giới như hồi sinh dưới các rạn bêtông. "Tôm, cá giống bơi dày đặc trú ẩn quanh các rạn bêtông. Một thế giới hoàn hảo dưới đáy đại dương", Thảo nói.
Ngoài việc thả rạn, ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm còn đưa san hô xuống cấy ghép trên các khung bêtông để mở rộng vùng san hô, tạo mái nhà ấm cúng cho hệ sinh thái đại dương.
Các khu vực này được đánh dấu khoanh vùng bảo tồn, cấm tàu thuyền vào khai thác đánh bắt. Về lâu dài, ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm sẽ mở tour du lịch lặn biển ngắm san hô, nhìn tôm cá sinh sôi tại các bãi rạn này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận