04/03/2022 08:35 GMT+7

Xung đột ảnh hưởng đến Việt Nam nhưng không quá lớn

ĐỖ DƯƠNG
ĐỖ DƯƠNG

TTO - Đó là nhận định của Tổ chức tài chính Dragon Capital ngày 28-2 trong chia sẻ với các nhà đầu tư về nhận định tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine với tình hình kinh tế Việt Nam.

Xung đột ảnh hưởng đến Việt Nam nhưng không quá lớn - Ảnh 1.

Giá xăng dầu tăng tạo áp lực lên giá cước vận tải hành khách và hàng hóa. Trong ảnh: hành khách đi xe khách và gửi hàng hóa tại bến xe Miền Đông, quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo đó, báo cáo khẳng định xung đột sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam, nhất là khi vai trò của Việt Nam trong hoạt động thương mại quốc tế đang tăng dần, hiện chiếm khoảng 1,8% trong tổng lượng xuất khẩu toàn cầu.

Dù cho rằng tác động thương mại trực tiếp có vẻ nhỏ, song Dragon Capital lưu ý vẫn có những nguy cơ ảnh hưởng từ việc đứt gãy chuỗi sản xuất. "Cùng với đó, giá năng lượng tăng có thể gây thêm một số áp lực, nhưng chúng tôi tin điều này có thể kiểm soát", báo cáo viết.

Báo cáo cho biết thương mại trực tiếp giữa Việt Nam với Nga và Ukraine chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong tổng giá trị thương mại của Việt Nam, lần lượt là 1% và 0,1%. "Vì lẽ đó, ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc xung đột với hoạt động thương mại giữa Việt Nam với Nga và Ukraine là rất hạn chế", theo Dragon Capital.

Dù vậy, Dragon Capital cho rằng Việt Nam có thể không hoàn toàn tránh được những tác động rủi ro từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu điện thoại di động và hàng điện tử. Đó là vì Nga và Ukraine là các nhà cung cấp lớn của thế giới về những vật liệu thiết yếu để sản xuất chip bán dẫn như nickel, neon, krypton, aluminium và palladium. Tuy nhiên Việt Nam lại không nhập trực tiếp những vật liệu này từ Nga và Ukraine, mà nhập khẩu chip từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan - 3 trong số 4 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.

Tác động dễ thấy nhất của cuộc xung đột Nga - Ukraine với nền kinh tế Việt Nam chắc chắn là việc tăng giá dầu, theo Dragon Capital. Giá dầu thế giới những ngày qua vẫn liên tục tăng, đã có lúc giá dầu Brent lên tới 120 USD/thùng. Những gì xảy ra tiếp theo với giá dầu sẽ còn phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó bao gồm chuyện xung đột tại Ukraine sẽ diễn biến thế nào và thỏa thuận hạt nhân Iran đàm phán đến đâu.

Theo Ngân hàng JP Morgan, có 3 kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất và ảnh hưởng của chúng lên giá dầu được dự báo là: (1) Nga có thể tung các biện pháp đáp trả trừng phạt + thỏa thuận hạt nhân Iran không đạt được: giá dầu khoảng 105 USD/thùng; (2) Nga leo thang căng thẳng + đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran: giá dầu khoảng 100 USD/thùng; và (3) Giảm bớt các nguy cơ địa chính trị + đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran: giá dầu khoảng 88 USD/thùng.

Giá dầu lên hơn 110 USD/thùng, OPEC chỉ tăng sản lượng nhỏ giọt Giá dầu lên hơn 110 USD/thùng, OPEC chỉ tăng sản lượng nhỏ giọt

TTO - Giá dầu thế giới tiếp tục tăng cao trong phiên giao dịch ngày 2-3 khi các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn, trong đó có Saudi Arabia và Nga, từ chối tăng thêm sản lượng mỗi ngày.

ĐỖ DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên