21/02/2012 01:35 GMT+7

Xuất khẩu thủy sản khó chồng khó

TRẦN MẠNH
TRẦN MẠNH

TT - Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản VN đồng loạt kêu khó khăn về nguồn vốn, sự giảm sút của các thị trường nhập khẩu cũng như phương thức kiểm soát an toàn thực phẩm không phù hợp của cơ quan chức năng với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát trong buổi làm việc ngày 20-2 tại TP.HCM.

Ông Trần Thiện Hải, chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN, cho biết xuất khẩu thủy sản của VN năm 2011 đạt 6,118 tỉ USD. Để đạt mục tiêu xuất khẩu 6,5 tỉ USD năm 2012 là một thách thức rất lớn do doanh nghiệp đang đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu, khó khăn về thị trường cũng như các biện pháp kiểm tra chất lượng của cơ quan chức năng trong nước.

Năm 2012, thị trường EU sẽ khó khăn hơn, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm đắt tiền như tôm và cá ngừ sẽ hạn chế, khả năng thanh toán chậm cũng sẽ tác động đến việc chọn lựa thị trường của các doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ông Nguyễn Tuấn Anh, tổng giám đốc Công ty CP Út Xi (Sóc Trăng), cho biết năm vừa qua đã giảm 50% lượng hàng xuất khẩu sang EU, lượng hàng xuất khẩu sang Nhật Bản cũng giảm mạnh do vấn đề kiểm tra chất lượng.

Không chỉ gặp khó ở các thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp trong nước cũng đau đầu với bài toán tìm nguyên liệu cho chế biến. Năm 2011, VN đã phải nhập hơn 500 triệu USD thủy sản để chế biến xuất khẩu. Năm 2012, chỉ tiêu xuất khẩu cá tra là 2 tỉ USD (tăng 200 triệu USD so với năm 2011) sẽ cần khoảng 1,3 triệu tấn cá tra nguyên liệu. Tuy nhiên, hiện nay sản lượng nuôi giảm mạnh do doanh nghiệp và người dân thiếu vốn đầu tư, khó tiếp cận tín dụng do còn dư nợ của các năm trước, ngân hàng không mạnh dạn cho vay nuôi cá tra. Trong khi đó, một số vùng nuôi tôm đã có dấu hiệu bị bệnh trở lại, đe dọa nghiêm trọng đến nguồn cung vụ mới.

Năm 2012, xuất khẩu thủy sản tiếp tục đối mặt với vấn đề kháng sinh không chỉ trong sản phẩm nuôi trồng mà kể cả sản phẩm từ khai thác, trong khi thực tế khả năng kiểm soát 100% từ khâu mua nguyên liệu là hết sức gian nan, tốn kém và khó khả thi. Trong khi cơ quan quản lý chất lượng giữ quan điểm kiểm soát từng lô hàng trước khi xuất khẩu mà thiếu kiểm soát ở các khâu trước chế biến nên khó giải quyết tận gốc vấn đề dư lượng kháng sinh.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết Bộ NN&PTNT sẽ làm hết mọi khả năng để đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Trước mắt, Bộ NN&PTNT chỉ đạo Cục Kiểm soát chất lượng nông lâm sản và thủy sản xem xét các thủ tục kiểm soát chất lượng các lô hàng thủy sản xuất khẩu theo hướng giảm nhẹ chi phí cho doanh nghiệp nhưng vẫn đáp ứng các yêu cầu kiểm tra quốc tế.

TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên