Dùng nước đá khô để hỗ trợ vận chuyển hải sản ở New Zealand. Ảnh: nzfishingworld.co.nz
Trong một báo cáo công bố ngày 16/1, Liên đoàn Hải quan và giao nhận hàng hóa New Zealand (CBAFF) cho biết xuất khẩu hàng hóa vận tải theo đường hàng không của nước này đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thiếu hụt CO2 lỏng và đá khô.
CO2 lỏng được sử dụng để tạo đá khô - sản phẩm được sử dụng tới hàng nghìn kg mỗi tuần để hỗ trợ vận chuyển hàng hóa cần bảo quản lạnh, như thịt, cá, sữa và dược phẩm..., trên thị trường quốc tế.
Theo Giám đốc điều hành CBAFF Rosemarie Dawson, nhiều thành viên của liên đoàn này đã phản ánh về những khó khăn trong việc vận chuyển sản phẩm của khách hàng ra khỏi New Zealand do khan hiếm đá khô.
Qua đó, CBAFF kêu gọi chính phủ tìm giải pháp để tăng cường sản xuất CO2 trong nước phục vụ cho bảo quản thực phẩm, trong đó bao gồm khả năng mở lại nhà máy lọc dầu Marsden Point, nơi CO2 như một sản phẩm phụ trong quá trình hoạt động.
Ông Dawson nêu rõ: "Đá khô là một công cụ bảo quản vô cùng cần thiết đối với rất nhiều sản phẩm xuất khẩu. Một số thành viên của chúng tôi đã than phiền rằng họ đơn giản là không thể vận chuyển sản phẩm bằng đường hàng không tới các khách hàng.
Ví dụ, một công ty thường sử dụng từ 7 đến 10 tấn đá khô mỗi tuần để vận chuyển các loại hàng hóa dễ bị hư hỏng bằng đường hàng không, nhưng hiện họ chỉ có khoảng 200kg và thậm chí vào tuần trước họ không thể tìm thấy bất kỳ nguồn đá khô nào ở Đảo Bắc.
Đá khô là sản phẩm không thể dự trữ vì chỉ có hạn sử dụng từ 4-7 ngày. Giá đá khô cũng đã tăng từ 4 dollar New Zealand/kg lên 18 dollar New Zealand/kg kể từ tháng 10 vừa qua. Có hai nhà phân phối đá khô ở New Zealand và họ có thể nhập một số CO2 lỏng nhưng không đủ để đáp ứng nhu cầu".
Kể từ khi nhà máy Marsden Point đóng cửa vào năm ngoái, New Zealand chỉ có một nhà sản xuất CO2 lỏng để bảo quản thực phẩm, đó là nhà máy Kapuni của tập đoàn Todd Energy ở Taranaki. Tuy nhiên, nhà máy này cũng đã tạm thời đóng cửa vì lý do an toàn hồi tháng trước mà chưa có kế hoạch mở cửa trở lại.
Ông Dawson cảnh báo về lâu dài, việc chậm trễ trong công tác giao hàng và chi phí gia tăng có thể khiến các nhà xuất khẩu New Zealand mất vị thế trên thị trường. Không chỉ ảnh hưởng đến việc xuất khẩu thực phẩm, việc thiếu hụt đá khô cũng có thể ảnh hưởng đến việc vận chuyển vaccine và các vật tư y tế cần được kiểm soát về nhiệt độ bảo quản.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), xuất khẩu đóng góp khoảng 1/4 Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của New Zealand, trong đó lĩnh vực thực phẩm chiếm 46% tổng số hàng hóa xuất khẩu của nước này./.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận