15/05/2020 13:28 GMT+7

Xuất khẩu gỗ: hàng ngàn container hàng bị tồn tại các cảng biển

CHÍ TUỆ
CHÍ TUỆ

TTO - Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang phối hợp tập trung giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho 4.600 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gỗ và lâm sản nhanh chóng khôi phục chế biến và xuất khẩu.

Xuất khẩu gỗ: hàng ngàn container hàng bị tồn tại các cảng biển - Ảnh 1.

Các hiệp hội, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần rà soát lại chiến lược kinh doanh để có nguồn lực tốt nhất sau khi hết dịch - Ảnh: N. QUỲNH

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường nói như vậy tại hội nghị bàn giải pháp khôi phục chế biến và xuất khẩu gỗ và lâm sản sau dịch bệnh COVID-19 diễn ra sáng 15-5.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Trị - tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp - cho biết 4 tháng đầu năm 2020, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 3,5 tỉ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong tháng 4-2020 các thị trường chính như Hoa Kỳ, các quốc gia châu Âu, Úc, Canada hạn chế, hoặc ngừng nhập hàng hóa... nên giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm mạnh, giảm 19,2% so với cùng kỳ 2019 và giảm trên 20% so với tháng 3-2020.

Ông Trị cho biết ước tính khoảng 80% các đơn hàng đã ký bị thông báo hủy hoặc chậm giao. Hàng ngàn container hàng bị tồn tại các cảng biển ở châu Âu, Hoa Kỳ, Hàn Quốc…

"Qua khảo sát hơn 200 doanh nghiệp cho thấy 80% người mua dừng hoặc hủy đơn hàng, hầu hết các doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất, chỉ có 7% doanh nghiệp hoạt động bình thường, 86% doanh nghiệp bị ngừng sản xuất một phần và khoảng 7% đã ngừng hoạt động toàn bộ do thiếu đơn hàng hoặc thiếu nguyên vật liệu và vốn đầu tư sản xuất" - ông Trị nói.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn nhận định sang quý 3-2020 cơ bản khống chế được dịch bệnh, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ được ổn định trở lại bình thường, các doanh nghiệp cần hành động quyết liệt hơn, thực hiện đồng bộ các giải pháp sáng tạo, phấn đấu tăng trưởng 10% so với năm 2019, tăng trưởng quý III phải cao hơn quý II 43%. Quý IV ngành gỗ phải đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 15%.

"Tôi nghĩ với năng lực sản xuất của chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được mục tiêu trên, vấn đề là đánh giá, tiếp cận giữ bằng được đơn hàng. Nếu vậy, cả năm nay xuất khẩu có khả năng đạt được khoảng 12 tỉ USD", ông Tuấn nói.

Ông Đỗ Xuân Lập - chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam - cho biết đang xuất hiện những cơ hội để ngành gỗ tăng trưởng hai con số trong năm nay, thị trường xuất khẩu khởi sắc trở lại, đầu tư nước ngoài vào ngành gỗ có triển vọng tích cực và đặc biệt doanh nghiệp đang tích cực chuyển đổi sản phẩm cốt lõi. Nhiều doanh nghiệp làm không hết đơn hàng.

Trong điều kiện chuỗi cung ứng bị đứt gãy, ông Lập kiến nghị doanh nghiệp cần nghiên cứu tích cực, chủ động mạnh dạn tái cấu trúc, tìm mọi giải pháp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, xây dựng chuỗi cung ứng trong nước phục vụ nguyên liệu, thiết bị, vật tư, phụ liệu cho chế biến gỗ.

"Cần xây dựng lại chiến lược phát triển sản phẩm, phát triển sản phẩm đồ gỗ dành cho gia đình là ưu tiên số 1. Thực tế, những nhà máy làm không kịp đơn hàng chính là đi theo cách này, đây là cơ hội mở ra đường hướng cho ngành gỗ. Cùng với đó, ngành gỗ cần phải đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, đa dạng hóa giải pháp bán hàng" - ông Lập thông tin.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết trước những khó khăn do dịch COVID-19, bộ đang cùng các bộ, ngành tập trung giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho 4.600 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đồ gỗ như về tín dụng, vay vốn ngân hàng, giãn, nợ thuế, chính sách về an sinh xã hội... để phục hồi sản xuất và xuất khẩu nhanh nhất.

Xuất khẩu gỗ: hàng ngàn container hàng bị tồn tại các cảng biển - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các hiệp hội, doanh nghiệp tập trung khai thác thật tốt các khe mở thị trường trong thời gian tới - Ảnh: CHÍ TUỆ

Ông Cường yêu cầu các hiệp hội, doanh nghiệp tập trung khai thác thật tốt các khe mở thị trường trong thời gian tới. Thị trường nào, quốc gia nào khống chế dịch thì chúng ta phải tập trung khai thác.

"Các hiệp hội, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần rà soát lại chiến lược kinh doanh để có nguồn lực tốt nhất khi thời điểm quý 3, quý 4 bùng nổ, làm sao để khai thác mục tiêu cao nhất đặt ra xuất khẩu gỗ năm 2020 đạt 12 tỉ USD" - Bộ trưởng Cường nói.

Cuối cùng, bộ trưởng yêu cầu tiếp tái cơ cấu ngành hàng sâu rộng hơn theo hướng hiện đại, bền vững và có chương trình phát triển nguyên liệu quốc gia đáp ứng đủ căn bản nhu cầu, đa dạng hóa nguồn nguyên liệu để phục vụ sản xuất và chế biến gỗ.

Bộ Nông nghiệp họp trực tuyến với Nhật để thúc đẩy xuất khẩu vải thiều Bộ Nông nghiệp họp trực tuyến với Nhật để thúc đẩy xuất khẩu vải thiều

TTO - Bộ NN&PTNT và Bộ Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản Nhật Bản, đại sứ quán hai nước đã và đang có sự phối hợp rất chặt chẽ để chuẩn bị mọi điều kiện và sớm hoàn thiện thủ tục để đưa quả vải thiều sang thị trường Nhật Bản.

CHÍ TUỆ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên