Người đàn ông tự xưng là nhà báo tự do Jumpei Yasuda trong đoạn video Ảnh: Mainichi |
Trong đoạn clip, người đàn ông thông báo rằng ông đã bị bắt giữ bởi một chi nhánh al Qaeda tại Syria hay còn gọi là tổ chức Nusra Front .
"Xin chào, tôi là Jumpei Yasuda. Hôm nay là sinh nhật của tôi, 16-3 (theo giờ địa phương)" - người dường như là nhà báo tự do Nhật thông tin.
Reuters cho biết trong đoạn video, người đàn ông này đang ngồi tại một chiếc bàn đằng trước một bức tường trắng, cho biết ông rất nhớ gia đình của mình nhưng không thể ở cùng họ.
Người đàn ông mặc một chiếc áo tông màu đen chủ đạo cùng một chiếc khăn quàng cổ trông có vẻ bình tĩnh khi truyền tải thông điệp bằng tiếng Anh trong đoạn video kéo dài 1 phút nhưng thỉnh thoảng có sự ngắt quãng vì xúc động.
Truyền thông Nhật đưa tin ông Yasuda bị phiến quân Nusra Front bắt giữ sau khi đến Syria thông qua ngỏ Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 6-2015. Đài NHK cho biết đã nói chuyện điện thoại với người đàn ông đăng tải đoạn video.
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Fumio Kishida nói với cánh báo giới rằng chính phủ Nhật đã biết về đoạn video và đang thu thập cũng như phân tích thông tin tình báo để đưa ra biện pháp phản ứng thích hợp.
"Sự an toàn của công dân Nhật là nhiệm vụ quan trọng của chính phủ, do đó chúng tôi đang vận dụng toàn bộ các mạng lưới thông tin khác nhau để phản ứng với tình hình" - ông Kishida cho biết.
Reuters cho biết hãng tin này không thể xác định tính xác thực của đoạn video cũng như chưa thể tiếp cận với gia đình của nhà báo Yasuda.
Người đàn ông trong đoạn video đã không cung cấp thông tin về kẻ đang giam giữ ông cũng như không có bất kỳ yêu cầu kèm theo nào. Người này cho biết "họ" cho phép ông nói những gì ông muốn.
Hồi tháng 12-2015 tổ chức Nhà báo Không Biên giới đã lên tiếng xin lỗi vì đã phát hành một báo cáo về việc ông Yasuda bị đe dọa hành hình tại Syria. Lúc đó chính phủ Nhật cũng vào cuộc tìm kiếm thông tin về số phận của ông Yasuda.
Đầu năm 2015, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã chặt đầu hai công dân Nhật. Vụ hành hình tàn bạo này đã gây rúng động nước Nhật nhưng chính phủ Tokyo lúc đó đã khước từ đàm phán với các chiến binh thánh chiến để đổi lấy sự tự do cho 2 công dân này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận