Đoàn xe quá tải bị thanh tra Cục quản lý đường bộ I xử lý ở Đại lộ Thăng Long, Hà Nội - Ảnh: TUẤN PHÙNG |
Cụ thể, từ ngày 21-12-2016 đến 20-6-2017, các trạm cân xe lưu động, cố định và thanh tra các Sở Giao thông vận tải sử dụng cân xách tay đã tiến hành kiểm tra 147.578 xe. Qua đó, phát hiện 16.861 xe vi phạm, chiếm tỉ lệ 11,4%; tước 5.201 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 139 tỉ đồng.
Còn lực lượng công chức thanh tra của các Cục quản lý đường bộ, trong sáu tháng đầu năm 2017, đã kiểm tra 408 xe, phát hiện 399 xe vi phạm, chiếm tỉ lệ 97,8%; tước 307 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 13,1 tỉ đồng.
Theo Tổng cục Đường bộ, trong sáu tháng đầu năm 2017, lực lượng Thanh tra giao thông đã khắc phục các khó khăn về biên chế, kinh phí hoạt động tiếp tục duy trì công tác kiểm soát xe quá tải, góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, an toàn giao thông. Đa số các địa phương đã củng cố lại lực lượng, tiếp tục duy trì hoạt động của trạm cân xe góp phần ngăn chặn tình trạng xe quá tải tái diễn trở lại.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, do lực lượng thanh tra giao thông còn mỏng, các trạm cân lưu động của các địa phương chỉ hoạt động trên đường địa phương và quốc lộ ủy thác, một số địa phương vào cuộc chưa mạnh mẽ nên tình trạng xe chở hàng quá tải có hiện tượng tái diễn, lưu thông trên các quốc lộ.
Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng xe chở hàng quá tải đường dài lưu thông trên quốc lộ 1, tình trạng xe sang tải, dồn tải xung quanh khu vực các cảng, chở hàng siêu trường, siêu trọng không có giấy phép lưu hành xe.
Một số nhà máy xi măng xuất, xếp hàng lên xe quá tải (không căn cứ vào khối lượng hàng hóa được phép chuyên chở của xe) như Công ty Cổ phần xi măng Cẩm Phả - Chi nhánh phía Nam tại Khu Công nghiệp Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Nhà máy xi măng Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Ngoài ra, còn tình trạng các xe sau khi lấy hàng tại cảng tiến hành sang tải, dồn tải tại các kho bãi container khu vực Cảng Cát Lái, đường Nguyễn Văn Linh, TP. Hồ Chí Minh, một số cảng khu vực Hải Phòng, Hải Dương.
Một số chủ xe, chủ doanh nghiệp sử dụng sà lan để đưa hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn ra khỏi các cảng, sau đó vận chuyển trên đường bộ, không có giấy phép lưu hành xe, dẫn đến biến động giá cước vận tải, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, chủ yếu là các cảng tại Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh.
Cũng theo Tổng cục Đường bộ, từ khi kết thúc kế hoạch phối hợp liên ngành giữa Bộ Công an và Giao thông Vận tải về kiểm soát xử lý xe quá tải đã có hàng loạt trạm cân xe lưu động tạm dừng hoạt động.
Hiện nay, cả nước vẫn còn 13 trạm cân xe lưu động chưa đưa vào hoạt động gồm các tỉnh: Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Đắk Nông, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Cần Thơ, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau.
Tổng cục Đường bộ kiến nghị các địa phương chưa đưa trạm cân xe lưu động vào hoạt động, đặc biệt là các địa phương có các quốc lộ huyết mạch đi qua như Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Đắk Nông, Tiền Giang, Cần Thơ khẩn trương sắp xếp, bố trí lại lực lượng, đưa trạm cân xe lưu động vào hoạt động trở lại.
Kiến nghị thanh tra các Sở Giao thông vận tải, Công chức Thanh tra các Cục Quản lý đường bộ tăng cường kiểm tra tại các cơ sở đầu nguồn hàng như các cảng, nhà máy, xí nghiệp lớn trong các khu công nghiệp, các mỏ đá, vật liệu xây dựng, đồng thời tăng cường tuần tra, kiểm tra tại những tuyến đường có nhiều xe quá tải lưu thông như đã nêu trên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận