12/02/2014 17:01 GMT+7

Xử nghiêm tiêu cực trong thi hành án dân sự

C.MAI
C.MAI

TTO - Để giảm tiêu cực trong thi hành án dân sự, nhiều biện pháp được Bộ Tư pháp đề ra: nghiêm cấm cơ quan thi hành án thanh toán tiền mặt cho đương sự, cấm tiếp đương sự tại nhà riêng, công khai thủ tục, đường dây nóng...

izqjQiHp.jpg
Ông Phạm Ngọc Chương, đương sự trong một vụ thi hành án dân sự tại Đồng Nai khổ sở vì việc thi hành án bị kéo dài hơn 7 năm qua vẫn chưa xong
Khổ vì thi hành ánUBND TP Mỹ Tho không thi hành án!Thiệt hại 1,3 tỉ đồng vì thi hành án

Ngày 11-2, Bộ Tư pháp đã ban hành chỉ thị tăng cường phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong công tác thi hành án dân sự.

Theo Bộ Tư pháp, thời gian vừa qua dù đã có những chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả bước đầu nhưng công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong thi hành án dân sự vẫn chưa đạt yêu cầu. Tiêu cực trong thi hành án dân sự vẫn còn, với những biểu hiện phức tạp, xảy ra ở nhiều khâu, nhiều nội dung công việc.

Tình trạng cán bộ, công chức thi hành án dân sự vi phạm phẩm chất đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ, vi phạm pháp luật bị phát hiện, xử lý có xu hướng tăng, trong đó có một số trường hợp bị xử lý hình sự, gây bức xúc trong xã hội. Vì vậy, để tạo chuyển biến cơ bản công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp đã đề ra nhiều biện pháp, nội dung cụ thể đề nghị các cơ quan có trách nhiệm triển khai thực hiện.

Theo đó, yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sự niêm yết công khai thủ tục thi hành án, kết quả thi hành án để các bên có liên quan theo dõi, giám sát. Cơ quan thi hành án cần thụ lý, ra quyết định thi hành án đúng thời hạn, thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục, bảo đảm quyền, nghĩa vụ của các bên trong thi hành án dân sự. Nghiêm cấm cơ quan thi hành án thanh toán tiền mặt cho đương sự (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác).

Cơ quan thi hành án cũng phải công bố công khai số đường dây nóng, địa chỉ hộp thư điện tử của cơ quan để tiếp nhận, xử lý thông tin về tiêu cực, tham nhũng liên quan đến thi hành án.

Việc tiếp đương sự chỉ được tiếp tại phòng tiếp công dân, phòng khách, các địa điểm do pháp luật quy định, nghiêm cấm tiếp đương sự tại nhà riêng, phòng làm việc, những nơi khác không đúng quy định;

Cơ quan thi hành án dân sự cần tập trung giải quyết những vụ án lớn, phức tạp và tồn đọng, nghiêm cấm lợi dụng việc hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ để trì hoãn, kéo dài thi hành án dân sự.

Cũng theo chỉ thị của Bộ Tư pháp, sẽ xử lý nghiêm những trường hợp tiêu cực, tham nhũng trong thi hành án dân sự (kể cả những trường hợp bao che hoặc phát hiện có tiêu cực, tham nhũng nhưng không báo cáo, không có biện pháp ngăn chặn, không xử lý hoặc xử lý không triệt để), bất kể người đó là ai và ở cương vị nào. Chú trọng thu hồi tài sản do tiêu cực, tham nhũng mà có. Áp dụng chính sách khoan hồng đối với những công chức tiêu cực, tham nhũng nhưng có thái độ thành khẩn, đã khắc phục hậu quả kinh tế, hợp tác tốt với cơ quan chức năng.

Chỉ thị cũng đề nghị người đứng đầu các cơ quan thi hành án dân sự (Tổng Cục trưởng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục, Cục trưởng, Trưởng các Phòng chuyên môn thuộc Cục và Chi Cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự) chịu trách nhiệm khi để xảy ra tiêu cực, tham nhũng tại các đơn vị, bộ phận, lĩnh vực do mình phụ trách, liên đới trách nhiệm đối với lĩnh vực do cấp phó của mình phụ trách.

C.MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên