22/08/2013 10:51 GMT+7

Thiệt hại 1,3 tỉ đồng vì thi hành án

THANH TÚ
THANH TÚ

TT - Mặc dù đã ký văn bản giải quyết việc thi hành án nêu rõ để cho đương sự tự bán tài sản để trả nợ, thế nhưng Thi hành án TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) lại tự ý làm thủ tục thanh toán nợ với ngân hàng để bán tài sản thế chấp khiến gia đình bà Nguyễn Thị Chen, ngụ xã Tịnh Thới, TP Cao Lãnh, thiệt hại hơn 1,3 tỉ đồng.

7U2jTuXl.jpgPhóng to
Bà Chen vất vả kiếm sống sau khi vỡ nợ - Ảnh: Thanh Tú

Bà Chen kể do nuôi cá tra thua lỗ liên tục nhiều năm, tới năm 2010, khi không còn khả năng trả nợ, gia đình bà bị các chủ nợ kiện ra tòa. Ngày 24-5-2010, Tòa án nhân dân TP Cao Lãnh ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Theo đó, bà Chen đã đồng ý bán hết tài sản của mình gồm căn nhà ở khu 500 căn phường Mỹ Phú, TP Cao Lãnh và phần đất có diện tích hơn 15.000m2 (ước khoảng 3,1 tỉ đồng) ở xã Tịnh Thới để trả nợ.

Ngày 6-12-2010, chấp hành viên Phạm Thanh Tùng, Chi cục Thi hành án dân sự TP Cao Lãnh, ký văn bản giải quyết việc thi hành án trong đó nêu rõ các chủ nợ của bà Chen đồng ý để bà bán tài sản và ưu tiên trả nợ trước cho Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương, chi nhánh Đồng Tháp (Ngân hàng Công thương). Tổng số tiền nợ lẫn lãi ở ngân hàng này là 1,7 tỉ đồng, còn lại bao nhiêu sẽ chia đều cho các chủ nợ còn lại. Thời gian bán tài sản trả nợ chậm nhất là hết tháng 2-2011.

Tự tiện bán tài sản

Tuy nhiên, ngày 21-12-2010, đích thân ông Võ Thanh Vân, chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự TP Cao Lãnh, đã cùng với bà Võ Thị Tuyết Nga vào Ngân hàng Công thương trả phần nợ của bà Chen và cầm sổ đỏ về làm thủ tục sang tên cho bà Nga.

Khi làm thủ tục sang tên, bà Chen mới biết sổ đỏ của mình đã bị ông Vân và bà Nga tự ý lấy sau khi trả nợ ở ngân hàng. Không đồng tình, bà Chen đã khiếu nại với Ngân hàng Công thương thì được nơi này cho biết ngân hàng đã nhận đủ số tiền nợ gốc lẫn lãi và đã trả lại sổ đỏ theo yêu cầu của Thi hành án TP Cao Lãnh, nếu bà Chen có khiếu nại gì thì liên hệ với Thi hành án TP Cao Lãnh.

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Võ Ngọc Diệp, giám đốc Ngân hàng Công thương, cho biết về nguyên tắc chỉ có người thế chấp tài sản mới được vào ngân hàng trả nợ để lấy tài sản thế chấp (ở đây là sổ đỏ). Tuy nhiên, do đây là trường hợp đặc biệt, tức cơ quan thi hành án yêu cầu nên ngân hàng đã giải quyết cho lấy sổ đỏ mà không cần có ý kiến của bà Chen - người chủ sở hữu. Còn ông Võ Thanh Vân thì cho rằng vụ việc đã lâu, bản thân ông đã chuyển công tác về Cục Thi hành án tỉnh, hồ sơ đã bàn giao nên ông không thể trả lời đúng sai được.

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Thiện, chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự TP Cao Lãnh, cho rằng ông vừa về tiếp nhận chức vụ nên không nắm rõ. Tuy nhiên, theo ông Thiện, vụ việc này có lùm xùm khi ông Vân vào Ngân hàng Công thương lấy sổ đỏ thôi, còn sau đó trình tự thủ tục đã thực hiện đúng theo quy định (?!).

Do không đồng tình với cách làm này nên bà Chen đã không đồng ý làm thủ tục sang tên cho bà Nga mà tiếp tục đi khiếu nại. Khi không sang tên được cho bà Nga, ngày 2-7-2012, Thi hành án TP Cao Lãnh quay sang bán đấu giá phần đất của bà Chen để thi hành án và bà Nguyễn Thị Duy Thanh, con ruột của bà Nga, đã trúng đấu giá với giá 2,5 tỉ đồng.

Thiệt đơn thiệt kép

Điều đáng nói là trong bảng kê phân phối tài sản để thi hành án, Thi hành án TP Cao Lãnh đã tính luôn tiền lãi mà bà Chen đã vay của Ngân hàng Công thương từ ngày 21-12-2010 (ngày thi hành án tự ý vào lấy sổ đỏ) đến ngày bán đấu giá thành. Bà Chen phải trả tổng cộng số tiền lên đến 2,4 tỉ đồng chứ không phải chỉ 1,7 tỉ đồng mà Ngân hàng Công thương đã thực thu. Cộng với các khoản khác như chi phí thẩm định, chi phí cưỡng chế, thuế thu nhập cá nhân... thì số tiền còn lại của bà Chen là 0 đồng?!

Như vậy, nếu tính từ lúc biên bản của các đương sự đồng ý để cho bà Chen tự bán tài sản để trả nợ vào ngày 6-12-2010 đến ngày bán đấu giá tài sản thành, bà Chen đã bị mất khoảng 500 triệu đồng.

Mười ngày sau khi nhận thông báo tài sản của mình đã được bán đấu giá thành, bà Chen choáng váng khi nhận được thông báo của Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Tháp cho biết theo Hội đồng đền bù giải tỏa dự án cầu Cao Lãnh, một phần diện tích đất của bà Chen sẽ bị giải tỏa để thực hiện dự án cầu Cao Lãnh, số tiền đền bù là 3,1 tỉ đồng.

Ngày 24-9-2012, Thi hành án TP Cao Lãnh ra quyết định cưỡng chế yêu cầu bà Chen giao tài sản cho bà Thanh.

Trong khi đó, ngày 10-2-2012 UBND TP Cao Lãnh ra thông báo về chủ trương thu hồi đất để thực hiện dự án cầu Cao Lãnh, một phần diện tích đất của bà Chen bị giải tỏa. Thông báo này nêu rõ nghiêm cấm mọi hành vi mua bán, sang nhượng... Nhưng ngày 24-1-2013, UBND TP Cao Lãnh vẫn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Nguyễn Thị Duy Thanh thay cho chủ sở hữu cũ là bà Chen.

Mới đây, Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Tháp đã hoàn tất thủ tục để chuyển số tiền đền bù từ bà Chen sang bà Thanh. Do là hộ mới phát sinh nên bà Thanh không được nhận các chi phí hỗ trợ như di dời nhà cửa, hỗ trợ thuê nhà, trợ cấp gạo và nền tái định cư... Riêng hộ bà Chen coi như mất trắng.

Nếu tính chênh lệch giữa khoản tiền được bồi thường so với tiền bán đấu giá, bà Chen đã bị mất thêm không dưới 800 triệu đồng. Đó là chưa kể phần diện tích còn lại sau khi thực hiện dự án cầu Cao Lãnh hoàn thành, giá trị sẽ nhân lên rất cao. Như vậy, không tính giá trị phần đất còn lại sau khi giải tỏa, bà Chen đã bị thiệt hại hơn 1,3 tỉ đồng.

THANH TÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên