06/03/2016 10:24 GMT+7

Xử lý TNGT, tại sao phân biệt cán bộ cấp cao với dân thường?

ÁI NHÂN - TÂM LỤA - TUYẾT MAI (luunhan@tuoitre.com.vn)
ÁI NHÂN - TÂM LỤA - TUYẾT MAI (luunhan@tuoitre.com.vn)

TT - “Cán bộ cấp cao” 
là những ai? Không thể có nhiều ngoại lệ trong một nhà nước pháp quyền. Và một thông tư có quy định mù mờ, thiếu thống nhất thì cần 
phải xem xét lại.

Cảnh sát xử lý taxi vi phạm trên đường 3 Tháng 2, TP.HCM - Ảnh: Duyên Phan
Cảnh sát xử lý taxi vi phạm trên đường 3 Tháng 2, TP.HCM - Ảnh: Duyên Phan

Dự thảo thông tư về quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ của cảnh sát giao thông (CSGT) vừa được Bộ Công an đưa ra lấy ý kiến nhân dân. Trong đó, quy định về TNGT liên quan đến cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước đã thu hút nhiều góp ý của dư luận.

“Nếu thông tư của bộ mà có sự phân biệt giữa cán bộ cấp cao và dân thường sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trong xã hội, làm khó cho những người thi hành công vụ, tạo ra tâm lý chủ quan, coi thường pháp luật ở cán bộ cấp cao và lái xe của họ

Luật sư Phạm Thanh Bình​ (Đoàn luật sư TP Hà Nội)

* Luật sư Bùi Quang Nghiêm (phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM):

“Cán bộ cấp cao” là những ai?

Quy định của dự thảo thông tư như vậy trái với Hiến pháp và pháp luật là mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Trong khi hiện nay chưa có văn bản luật nào quy định cán bộ cấp cao là như thế nào. Cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước là những ai, ở vị trí nào? Như thế khi xử lý TNGT xảy ra thì CSGT dựa vào đâu để xác định là cán bộ cấp cao để ứng xử, giải quyết.

Tiếp theo nữa, nếu cho rằng quy định của dự thảo thông tư chú trọng đến tính chất công vụ của cán bộ cấp cao là hệ trọng, cấp bách thì cũng phải có quy định trường hợp nào được xem là cán bộ cấp cao đang thi hành, đang thực hiện công vụ.

Ví dụ đi vi hành, đi dự cuộc họp của một tỉnh, đi dự tổng kết ngành... có được coi là thi hành công vụ không.

Ngoài ra, nếu cho rằng dấu hiệu để CSGT nhận biết cán bộ sử dụng xe biển số xanh nghĩa là đi thực thi công vụ thì càng không đúng. Trong khi thực tế ở nước ta tình trạng xe công, xe biển số xanh được sử dụng tràn lan cho những mục đích rất cá nhân.

Vụ chiếc xe công do ông Trần Quang Hùng - viện trưởng Viện KSND huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) - điều khiển gây tai nạn liên hoàn vào ngày 4-12-2015 trong khi say xỉn, nồng độ cồn vượt mấy lần mức cho phép vẫn khiến dư luận chưa nguôi.

Như thế thông tư quy định buộc CSGT phải xử lý theo quy trình mà thiếu các quy định pháp luật liên quan sẽ dẫn đến tùy tiện. Trong khi việc ghi nhận hiện trường, xử lý TNGT bước đầu của CSGT là rất quan trọng để tìm ra nguyên nhân TNGT...

Luật sư Nguyễn Văn Hậu (phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM):

Ưu tiên nhưng phải đưa vào luật

Đối với cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước cần có chế độ, ứng xử riêng, ưu tiên vì tính chất công vụ cần kíp, cấp bách của họ. Trường hợp nếu xe của họ gây TNGT cũng phải có xử lý theo quy trình riêng phù hợp bảo đảm tính chất công vụ.

Tuy nhiên, Hiến pháp đã quy định quyền con người, quyền công dân được thừa nhận hoặc hạn chế bằng luật. Vì thế để bảo đảm tính pháp chế, cần có quy định vào luật (có thể là Luật giao thông) làm rõ các khái niệm cán bộ “cao cấp” hoặc “cấp cao”.

Làm rõ vị trí nào trong hệ thống Đảng và Nhà nước được xem là cán bộ cao cấp để được đối xử ưu tiên chứ không thể tràn lan được.

Ngoài ra cần được quy định vào luật là tính chất công vụ, hoạt động nào của cán bộ cao cấp đó là thi hành công vụ, phương tiện khi thi hành công vụ (xe biển số như thế nào, chủng loại, phải có tài xế lái, có tín hiệu ưu tiên hay không...).

Phải quy định cụ thể vào luật như vậy thì khi xảy ra TNGT, CSGT mới biết phải ứng xử ưu tiên chứ không ứng xử tùy tiện.

Tiến sĩ Thái Thị Tuyết Dung (giảng viên Đại học Luật TP.HCM):

Không nên tạo ra sự bất bình đẳng từ các ngoại lệ

Hiện nay, chưa có quy định luật nào về “cán bộ cấp cao, cao cấp của Đảng và Nhà nước” là ai, vị trí nào. Trong khi quy định hiện hành về “cán bộ cấp cao” là rất khác nhau, không thống nhất tại nhiều văn bản, bộ ngành.

Thêm nữa cũng thiếu quy định rõ ràng về hoạt động nào được xem là “thi hành công vụ” và hoạt động nào của cán bộ cấp cao “có tính chất cấp bách, khẩn thiết” để được xem xét ưu tiên.

Nếu vì lý do công vụ có tính cấp bách (họp khẩn, chỉ đạo, giải quyết khẩn...) thì cán bộ cao cấp thường được bố trí CSGT dẫn đường. Hoặc nên quy định vào luật hoạt động nào, của cấp nào thì được bố trí lực lượng dẫn đường, sử dụng xe có tín hiệu ưu tiên... cho thống nhất.

Cần có quy định cụ thể vị trí, chức danh, hoạt động công vụ nào mới được đối xử ưu tiên. Và cũng không nên mở rộng các vị trí, chức danh, hoạt động được ưu tiên để bảo đảm tính pháp chế, bảo đảm tính công bằng.

Không thể có nhiều ngoại lệ trong một nhà nước pháp quyền, nhất là với xu thế hội nhập như ngày nay. Và một thông tư có quy định mù mờ, thiếu thống nhất như vậy thì cần phải xem xét lại.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP Hà Nội):

Tạo sự phân biệt đối xử

Tình trạng ôtô của các cơ quan nhà nước tham gia giao thông vi phạm Luật giao thông đường bộ, gây tai nạn đã xảy ra với chiều hướng gia tăng.

Nếu chúng ta thông qua quy định như vậy sẽ tạo ra sự phân biệt đối xử và gây chia rẽ, mất niềm tin của nhân dân vào pháp luật vì cho rằng đây là một đặc quyền, đặc lợi của những người có chức vụ quyền hạn.

Ở nước ta các bộ có chức vụ quyền hạn lớn thường có tài xế riêng, hiếm khi họ tự lái xe. Khi xảy ra tai nạn, nếu chúng ta áp dụng như cán bộ cao cấp thì là điều không hợp lý.

Dự thảo quy định về TNGT liên quan đến cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước.

Cụ thể, nếu phương tiện giao thông của cán bộ cao cấp đó vẫn hoạt động được, đủ điều kiện tiếp tục lưu thông thì lập biên bản về vụ tai nạn, ghi biển số xe, giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe của người điều khiển phương tiện, đánh dấu vị trí phương tiện, ghi nhận vị trí các dấu vết trên phương tiện, chụp ảnh hiện trường, quay camera (nếu có) và yêu cầu người điều khiển phương tiện ký xác nhận vào biên bản rồi giải quyết cho đi; định thời gian yêu cầu người điều khiển phương tiện đến trụ sở công an để giải quyết.

Nếu phương tiện giao thông của cán bộ cao cấp đó không đủ điều kiện lưu thông thì phải giải quyết cho cán bộ cao cấp đó đến nơi theo yêu cầu của cán bộ đó.

Trường hợp cán bộ đó trực tiếp điều khiển phương tiện thì làm các thủ tục và yêu cầu xác nhận vào biên bản; định thời gian yêu cầu cán bộ đó đến trụ sở cơ quan công an để giải quyết.

ÁI NHÂN - TÂM LỤA - TUYẾT MAI (luunhan@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên