
Một bài đăng trên X dẫn thông cáo cho rằng Chính phủ Ấn Độ cho phép sử dụng phân và nước tiểu bò làm thực phẩm - Ảnh: Newschecker
Cụ thể, bài đăng lan truyền trên WhatsApp và X khẳng định Chính phủ Ấn Độ đã chính thức công nhận phân và nước tiểu bò là thực phẩm cho người, được phép đưa vào các món ăn thiết yếu mà không cần ghi nhãn.
Bài viết cho biết thông cáo được ban hành ngày 4-7-2025, nêu tên hai cơ quan mới: "Cục Hòa hợp bò và Hội nhập ẩm thực" (Bureau of Bovine Harmony & Culinary Integration - BBHCI) và "Cơ quan An toàn và Sức khỏe Ấn Độ" (Indian Food and Wellness Authority - IFWA).
Thông tin này nhanh chóng gây xôn xao dư luận, đặc biệt trong bối cảnh chính quyền bang Uttar Pradesh vừa công bố một sáng kiến gây tranh cãi về sản xuất đại trà thuốc Ayurvedic từ Panchgavya - hỗn hợp gồm sữa, sữa chua, bơ sữa (ghee), nước tiểu và phân bò.

Phần lớn người theo đạo Hindu ở Ấn Độ coi bò là loài vật linh thiêng, do đó nhiều người dùng mạng tin rằng thông cáo về việc hợp thức hóa phân và nước tiểu bò làm thực phẩm ở Ấn Độ là có thật - Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, trang xác minh thông tin Newschecker khẳng định nội dung thông cáo trên không có cơ sở và có khả năng là sản phẩm do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra.
Thứ nhất, không có bất kỳ thông báo hay văn bản chính thức nào từ chính phủ xác nhận thông tin này. Newschecker đã tra cứu các kênh truyền thông chính thống và trang web chính phủ nhưng không tìm thấy kết quả xác thực.
Thứ hai, các cơ quan được nêu trong thông cáo là hư cấu. Cả "Cục Hòa hợp bò và Hội nhập ẩm thực" (BBHCI) lẫn "Cơ quan An toàn và Sức khỏe Ấn Độ" (IFWA) đều không tồn tại trong hệ thống tổ chức nhà nước.
Theo Newschecker, các cơ quan thực sự có thẩm quyền quản lý thực phẩm ở Ấn Độ gồm: Cơ quan Tiêu chuẩn và An toàn thực phẩm Ấn Độ (FSSAI) và Tổ chức Kiểm soát tiêu chuẩn dược phẩm Trung ương (CDSCO) - cơ quan tương đương với Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA).
Thứ ba, nội dung thông cáo mang tính châm biếm, khi lồng ghép tên sản phẩm hư cấu như "GauPatties" và "AmritCola". Những cái tên này ám chỉ chính phủ do Đảng Bharatiya Janata (BJP) lãnh đạo - vốn nhiều lần gây tranh cãi từ năm 2014 với các tuyên bố về công dụng y học của sản phẩm từ bò.
Ngoài ra, tài liệu còn đề cập các "hội đồng chuyên môn" không có thật và đề xuất ý tưởng giao dịch bằng phân, nước tiểu bò - những chi tiết cho thấy rõ tính chất phi lý, bịa đặt.
Đáng chú ý, thông cáo còn xuất hiện nhiều mâu thuẫn logic, như mô tả Thủ tướng Narendra Modi vừa tham dự họp báo lại lập tức xuất hiện phát biểu trước Quốc hội.
Dựa vào công cụ phát hiện nội dung do AI tạo ra, Newschecker khẳng định thông cáo nói trên có khả năng được viết bằng trí tuệ nhân tạo.

Công cụ Copyleaks đánh giá 100% văn bản có khả năng do AI tạo ra - Ảnh: Newscheck
Chẳng hạn, công cụ Copyleaks đánh giá 100% văn bản có khả năng do AI tạo ra. Trong khi đó, Grammarly AI Detector và UndetectableAI lần lượt xác định 40% và 54% nội dung là do AI viết.
Thêm vào đó, công cụ Winston AI Detector kết luận văn bản có 18% yếu tố "con người", và chứa "dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy do AI tạo ra".

Công cụ Winston AI Detector kết luận văn bản chỉ có 18% yếu tố "con người" - Ảnh: Newschecker
Do đó, Newschecker xác nhận việc thông cáo báo chí lan truyền nói rằng Chính phủ Ấn Độ công nhận phân và nước tiểu bò là thực phẩm phù hợp cho con người là thông tin sai sự thật, không có cơ sở, và khả năng cao do AI tạo ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận