24/11/2020 12:24 GMT+7

Xóm phiêu bạt nghĩa tình

CHÍ CÔNG
CHÍ CÔNG

TTO - Là dân tứ xứ, họ không đất, không nhà, phiêu bạt về rừng đước ven biển để sống đời săn bắt mưu sinh. Cuộc sống của họ nghèo khó nhưng cũng đầy hào sảng, nghĩa tình.

Xóm phiêu bạt nghĩa tình - Ảnh 1.

Nhiều trẻ trong xóm bị thất học, đi mò ốc, bắt cá phụ giúp gia đình - Ảnh: CHÍ CÔNG

Đi bắt ốc bị cây đâm có, muỗi chích cũng có. Nhưng riết quen rồi, tụi con hổng sợ. Mỗi ngày tụi con kiếm cũng được bốn năm chục ngàn phụ ba má.

Cậu bé VÕ VĂN PHONG

12 giờ trưa, mặt trời đứng bóng, cảnh vật trong rừng đước xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình, Bạc Liêu) yên ắng hẳn.

Chia nhau lon gạo, chén mắm

Con đê dẫn vào xóm phiêu bạt óng vàng lớp phèn khô vì nắng. Chạy sâu hút vào bên trong, nơi có hàng chục hộ dân sinh sống như ốc đảo tách biệt với bên ngoài bằng nghề bắt ốc, mò cua... Chúng tôi lội bộ gần 1km, gặp nhà bà Huỳnh Kim Hoàng (ở Mương Hai, ấp Vĩnh Mới, xã Vĩnh Thịnh) ngay đầu xóm.

Năm nay gần 60 tuổi, quê bà Hoàng trước kia ở Giồng Me (Bạc Liêu). Năm 1990, bà với chồng dắt díu con về cánh rừng đước xã Vĩnh Thịnh để nương tựa theo thiên nhiên sinh sống. 

Ở rừng ven biển, gia đình bà Hoàng mưu sinh phụ thuộc vào con nước ròng để mò ốc, bắt cua, ba khía. Nước lớn, chồng bà lại ra biển giăng lưới, đặt nò (dụng cụ bắt cá, tôm)... 

"Chồng tui đi chừng vài tiếng, ổng đem dìa mớ cá ngát, cá kèo, cá nâu để tui đem ra chợ bán đổi lấy gạo mắm qua ngày" - bà Hoàng kể.

Tâm sự chuyện nhà cửa, bà Hoàng bảo đó giờ ở cái xứ "khỉ ho cò gáy" này bà chỉ cất tạm căn nhà lá để ở cho mát. Hiện căn nhà lá tuềnh toàng của bà cũng đã ngả nghiêng. Mấy ngày qua, bà cùng chồng hì hục vào rừng tìm lá về lợp mới lại.

Nói lợp mới cho sang, chứ thực tế bà Hoàng chỉ sửa lại mấy chỗ mái lá bị gió xé rách. Cây kèo, cây cột bị mối ăn thay được cây nào thì bà thay cây đó, còn không giữ nguyên y cũ. 

"Nói nào ngay, tui ở đây cũng hơn 20 năm rồi. Có lúc túng quẫn, tui với ổng cũng muốn bỏ xứ đi mần ăn xa... Nhưng rồi ở đâu quen đó. Tui sống bằng nghề bắt ốc, mò cua đã quen. Giờ bỏ đi tui cũng không đành" - bà Hoàng chia sẻ.

Sống ở rừng có thiếu thốn về vật chất, nhưng đổi lại tình nghĩa của bà Hoàng và bà con ở xóm phiêu bạt này luôn gắn kết và sẵn sàng chia nhau ký gạo, chén mắm... để cùng vui sống trong cảnh khó.

Ở gần bà Hoàng, bà Lý Thị Út (73 tuổi) thuộc dạng nghèo nhất nhì xóm với căn nhà chừng 9m2 được bà chắp vá bằng những cái bao cũ mèm để che mưa, che nắng mà cũng là do mọi người san sẻ mà có. Đồ đạc trong nhà bà Út chẳng có gì ngoài những bộ quần áo cũ rộng thùng thình treo trên vách.

Do tuổi cao nên bà Út cũng đã cạn sức để đi rừng, đi biển mưu sinh. Mọi gánh nặng gia đình giờ đây đều đè lên đôi vai của Nhàn (cháu gái bà Út). Hôm nào Nhàn bắt ốc được nhiều thì bà mừng. Mỗi ký ốc len bà bán được tầm 30.000-40.000 đồng và cũng mua được ít gạo để ăn. 

"Bữa nào hết gạo là tui hay lại nhà cháu Bằng và bà Hoàng mượn ít lon về nấu ăn đỡ. Khi nào Nhàn bắt ốc len nhiều bán có tiền tui sẽ mua trả lại. Mà cũng có trả mấy đâu, họ cho tui không à! Họ cũng nghèo nhưng vẫn san sẻ giúp bà cháu tui" - bà Út trải lòng.

"Bà Út ở xứ khác tới. Già rồi nhưng bà vẫn nuôi hai cháu nhỏ nên ai nhìn vô cũng thương. Tui thì có gì giúp đó. Nhà bà dột mưa dột nắng chỗ nào thì tui qua sửa giúp. Có gạo thì tui gửi bà ít để ăn. Ít thôi, nhưng tui nghĩ bà cũng ấm lòng" - anh Nguyễn Văn Bằng, ở kế nhà bà Út, bày tỏ.

Xóm phiêu bạt nghĩa tình - Ảnh 3.

Cái chòi tạm bợ của bà Út được chắp vá bằng bao nilông để che mưa nắng - Ảnh: CHÍ CÔNG

Cuộc sống đắp đổi qua ngày

Lớn lên bên biển, bên rừng, anh Thạch Giàu ở Mương Hai không còn lạ lẫm gì cách "săn" con cá, con ốc để đắp đổi cuộc sống. Anh kể từ tháng 4 đến tháng 8 hằng năm, cư dân nghèo ở Mương Hai, Mương Bảy ai cũng xăng xái đi biển. 

Ban ngày anh và mọi người chuẩn bị lỉnh kỉnh đủ thứ. Ban đêm nhà ai có điện thì dùng đèn điện, còn không thì họ đốt đèn dầu leo lét cả xóm. Ai cũng tranh thủ vá lưới, mua thùng, mua cào, mua nò... để đi bắt cá, bắt ốc.

Cười rổn rảng, anh Giàu tâm sự: "Tới đợt, biển Bạc Liêu vui hẳn lên. Mạnh ai nấy giăng lưới, đặt nò... Hồi trước cá ốc còn đầy biển. Mần ăn được, cha tui ham, ổng đi từ sáng tới tối mịt mới về, trên ghe đầy ắp cá. Khi xưa cá nhiều thì giá thấp, giờ ít cá thì giá cao hơn. Nhưng cũng chỉ đắp đổi qua ngày, ít ai phất lên nổi".

Hôm chúng tôi đến cũng là lúc anh Giàu chuẩn bị đi ra rừng đước ven biển để đặt nò nhưng chỉ đặt thử hai cái. Bằng kinh nghiệm, anh Giàu nói: "Gió thổi hơi yếu, cá, sò, nghêu sẽ ít. Mùa này tui đi bắt cá bống sao sẽ có nhiều". 

Theo anh Giàu, cá bống sao là loài cá khôn, chúng chuộng sống cặp mé bờ và đào hang thật sâu trong lớp bùn đất. Để bắt được cá, người kinh nghiệm như anh cần phải đợi nước rút và có "tuyệt chiêu" riêng.

Gặp hang cá bống sao, anh Giàu không vội thọc tay bắt ngay. Bước chân thật khẽ lại gần, anh ngồi bệt và làm cho hang cá rộng ra rồi hạ thấp người áp sát mặt bùn. Sau đó, với cây cần câu móc, anh thọc thật sâu xuống đáy hang để bắt cá. "Bách phát bách trúng. Có con hang sâu, nó ém mình sát đáy hang, tui phải mất cả 15 phút để bắt. Có khi bắt được con cá bong tróc vảy hết" - anh Giàu cười nói.

Với "tuyệt kỹ săn cá" đó, anh Giàu ra biển là có cả mớ cá bống sao với giá dao động 40.000-50.000 đồng/kg cá tươi. 

"Quẩn quanh tui sống có nhiêu đó. Hết vụ nghêu, sò, tui và mấy chục hộ ở đây lại vào rừng bắt ốc len, ba khía để sống cùng biển rừng tự nhiên" - khoe với chúng tôi, anh Giàu dõi mắt nhìn sâu vào cánh rừng đước mênh mông hút cả tầm mắt.

Theo ông Hứa Văn Quang - bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Thịnh, hiện ở đây có hơn 70 hộ dân sinh sống, đa số họ là người nghèo phương xa đến lập nghiệp với sinh kế chủ yếu là đi biển, đi rừng bắt cá, mò ốc. Họ nghèo, đời sống bấp bênh nhưng nghĩa tình. 

Những năm qua, ngoài hỗ trợ nhu yếu phẩm, chính quyền địa phương còn vận động nhà hảo tâm khoan hơn 10 giếng miễn phí cho bà con ở Mương Hai và Mương Bảy có nước ngọt sử dụng.

"Họ sống tạm ở bìa rừng phòng hộ thuộc đất Nhà nước. Tới đây, chúng tôi dự kiến sẽ xin cấp trên để xây dựng khu tái định cư giúp bà con có nơi ăn chốn ở, tìm kiếm việc làm để ổn định cuộc sống" - ông Quang tâm sự.

Xóm phiêu bạt nghĩa tình - Ảnh 4.

“Săn” cá bống sao trong rừng đước giúp anh Giàu đắp đổi cuộc sống - Ảnh: CHÍ CÔNG

Mong cuộc sống mới cho con

Ở Mương Hai, Mương Bảy của xã Vĩnh Thịnh có nhiều trẻ đang ở tuổi đi học. Đặc biệt, riêng Mương Hai có hơn 35 trẻ, nhưng trong số đó, các em được đến trường rất ít.

Chia sẻ nỗi khát khao cho con đến trường, anh Trần Văn Thương tâm sự: "Ở đây không đường, trường học lại xa. Nhà nghèo, nhiều hộ đành để con thất học. Tui cũng có một đứa con, tui rất muốn cho con mình đi học. Ước gì ở đây có con đường đàng hoàng thì có xa mấy tui cũng chở con đi học".

Nghĩa tình trong cơn lũ dữ Nghĩa tình trong cơn lũ dữ

TTO - Ở những nơi được xem là "rốn lũ" trong những ngày qua, người Quảng Trị đã cùng nắm chặt tay nhau, tựa vai nhau cùng vượt qua cơn lũ dữ.

CHÍ CÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên