Trứng là thực phẩm được người quê tiếp tế nhiều nhất - Ảnh: VŨ TUẤN
Bến xe Giáp Bát giờ tan tầm, người người chen chân ra cổng. Bà Phương xuống xe lôi theo 2 chiếc túi khâu bằng bao dứa và một chiếc làn nhựa.
Gửi mì tôm ra phố
Trong chiếc làn, bà Phương nhét đầy bắp cải, dưa chuột, cà chua và rau xanh. Một con vịt thò cổ ra khỏi chiếc lỗ được khoét sẵn ở chiếc túi dứa ngơ ngác nhìn dòng người qua lại. Mấy ông chạy xe ôm xúm lại mời mọc: "Chị về đâu, em chở? Tối rồi, em lấy đủ tiền xăng thôi".
Bà Phương lắc đầu nguầy nguậy rồi rút điện thoại ra nghe: "Ờ! Mẹ ở cổng bến xe rồi... Sao?... "búc - gờ - ráp" là cái gì? Mẹ mang 2 con vịt, xe buýt không chở đâu... Sao? Ừ! Có biết đường đâu mà đi, mẹ đợi".
Bà Phương nhà ở huyện Lý Nhân (Hà Nam), bắt xe khách lên Hà Nội để đích thân mang đồ ăn cho vợ chồng cô con gái cả. "Hôm trước nghe nói dân Hà Nội mua hết siêu thị, hết cả chợ vì sợ cách ly. Tôi bảo gửi đồ ra ăn mà chúng nó không nghe, còn nói chợ vẫn đầy hàng. Không nghe thì tôi đích thân mang ra, tiện thể bế thằng cháu ngoại vài hôm cho đỡ nhớ" - bà Phương cười.
Vợ chồng con gái bà Phương có căn chung cư ở khu Linh Đàm, quận Hoàng Mai. Anh con rể làm việc cho công ty nước ngoài. Cô con gái xin nghỉ không lương, ở nhà chăm con mới 4 tuổi. Từ sau tết, bọn trẻ chưa kịp đi học đã nghỉ vì dịch Covid-19. Bà Phương khoe từ ngày ấy, con gái bà không phải đi chợ ngày nào.
Cái tủ lạnh to đùng lúc nào cũng chật cứng. Nào trứng, nào thịt, cà chua, gà... mà một phần từ vườn nhà bà Phương, phần khác bà mua ở chợ quê gửi lên. "Nó kêu chán gà thì tôi mang cho nó vịt. Dịch dã thế này, đi chợ làm gì? Nhỡ đâu mang bệnh về nhà...".
Bà Phương chưa nói hết câu thì một chiếc xe máy đỗ sát lề. Anh con rể phì phọp chào bà Phương qua lớp vải khẩu trang rồi xách túi, treo làn lên xe, chở bà đi khuất vào dòng phố ồn ã.
Một bạn nữ nhận được túi rau gửi từ quê nhà Thái Bình - Ảnh: VŨ TUẤN
Trong lúc đó ở khu tập thể Tây Sơn, Q.Đống Đa, chị Nụ khiêng trên xe máy xuống một bao tải to gạo, miến, rau... Mẹ chị không quên nhét vào bao cho chị chục bắp ngô và cả 2 thùng mì tôm. Chị Nụ tính số "chiến lợi phẩm" lần này mẹ gửi gấp 5 lần bình thường, đủ ăn trong 2 tháng.
Hôm trước, khi cả khu nhà chị náo loạn đi mua đồ ăn về tích trữ, chị đang trong ca trực nên gọi điện về nhà cho bố mẹ.
"Em chỉ dặn bố mẹ em mua một ít thôi, không ngờ các cụ ở quê còn lo hơn ở thành phố, mua thật nhiều cho con. Thế cũng hay, đồ quê ngon mà rẻ!" - chị Nụ nói.
Mấy ngày trước, đúng đêm Hà Nội cách ly phố Trúc Bạch, ông Triều làm nghề bán thịt lợn ở chợ quê xã Đông Hoàng (Đông Sơn, Thanh Hóa) nhận điện ông bạn cùng xã nhờ mua mì tôm càng nhiều càng tốt. Ông Triều tất tả phi xe máy đi mua mì trong đêm.
Ông vét hết các cửa hàng trong vùng được... 700 thùng mì, gửi 3 chuyến mới hết cho ông bạn trên Hà Nội. Bạn ông là "cai" xây dựng, nuôi đội thợ chuyên thi công nội thất ở Hà Nội.
"Đội thợ xây đủ mì ăn trong 2 tháng, còn nhà bình thường thì phải ăn 10 năm không hết!" - ông Triều cho hay.
Sáng hôm ấy, người dân Đông Hoàng chứng kiến cảnh "cháy chợ" đầu tiên ở quê. Nhà nào cũng mua thật nhiều gạo, mì, lạc, đồ khô, nước mắm để gửi lên Hà Nội. Đến chiều, con cái lại gọi về cho biết siêu thị lại đầy hàng, giá cả vẫn thế. Người quê bớt lo nhưng vẫn tiếp tế lên Hà Nội. Ai cũng bảo đồ quê vừa rẻ vừa an toàn.
Những món quà ruộng vườn quê gửi lên phố - Ảnh: TÂM LÊ
Thương dâu, thương rể, thương cháu
Chị Phạm Thanh Loan treo lủng lẳng 2 bịch rau to tướng bên hông xe máy. Dưới hầm để xe của một tòa nhà trên đường Phạm Hùng, 3 phụ nữ cùng công ty với chị Loan hí húi chia nhau túi rau. Người xuýt xoa bó rau cải "mèo" có lá to như tàu chuối non. Người cẩn thận bọc lại mấy củ măng đắng vào tờ giấy báo: "Toàn đồ rừng, ngon quá! Đồ sạch 100% đấy chị nhỉ?".
Vợ chồng chị Loan cùng quê thành phố Hà Giang. Hai gia đình nội - ngoại liên tục gửi đồ ăn. Chị kể mấy lần mẹ chồng gửi đồ, chị thích quá chụp ảnh khoe trên Facebook, bà vui lần sau lại gửi nhiều hơn. Mẹ đẻ chị thấy vậy cũng gửi đồ vì không muốn bên thông gia nghĩ mình không quan tâm con cái. Thế là rau cỏ, thịt thà, đến cả mồi nhậu của chồng chị cũng theo xe khách về Hà Nội.
Trước tết, vợ chồng chị phải đổi chiếc tủ lạnh 4 cánh, to gấp rưỡi chiếc tủ cũ. Nhà quê thấy vậy càng gửi nhiều đồ. Từ chối không xong, cứ cuối tuần hai vợ chồng làm cơm, mời bạn bè, đồng nghiệp đến nhà... ăn hộ.
Mấy hôm trước, hàng xóm ồ ạt đi siêu thị mua đồ như sắm tết, còn vợ chồng chị lại tìm cách để "giải phóng" tủ lạnh. Ai cũng ngại tụ tập ăn uống vì sợ dịch, vợ chồng chị Loan lại mang gửi nhờ bạn bè ăn giúp. Theo chị, khu phố chị ở mà bị cách ly chị cũng không lo vì đã có "hậu phương vững chắc" là tình thương yêu của người thân ở quê.
Tủ lạnh không đủ chỗ chứa đồ quê tiếp tế mùa dịch - Ảnh: TÂM LÊ
"Người nhà quê" là thế. Cứ khi nào thành phố là "tiền tuyến" thì quê nhà lại trở thành "hậu phương". Mặc dù Hà Nội không thiếu thứ gì, từ miếng thịt bò nhập khẩu có giá cả triệu đồng mỗi cân, những con tôm to như cái bi chuối, đến những mớ rau được gắn tem. Người mua quét mã bằng smart phone là biết được nguồn gốc, nơi cung cấp, theo tiêu chuẩn nào, có an toàn không... Thế nhưng nhận được đồ ở quê lại là chuyện khác.
Chị Nguyễn Thu Hà (quê Quỳnh Phụ, Thái Bình) bắt Grab từ phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân ra bến xe Giáp Bát để đón đồ ăn mẹ gửi. Hà khoe trong túi có 2 bó rau muống, mấy quả cà xanh, có cả ớt, rau thơm để cô trộn gỏi. Túi bên cạnh là 2 chục trứng gà.
Từ nhà cô lên Hà Nội chỉ mất 1 tiếng rưỡi đi xe khách. Tiện đường, tiện xe, cứ 3 ngày mẹ cô "tiếp tế" đồ ăn một lần, gửi ít nhưng tươi, ngon. "Mẹ em dặn phải ăn uống đầy đủ mới có sức chống "Cô-vít", toàn món ngon mà không sợ béo!" - Hà khoe.
Chị Lê Thị Tuyết (ở Thiệu Hóa, Thanh Hóa) có đàn gà hơn 60 con. Sau tết, một vài nơi có dịch cúm, gà ít nên giá cả cũng tăng. Nhưng chị Tuyết nhất định không bán, chỉ gửi ra Hà Nội cho cô em ăn dần. Chị cũng đề phòng gia đình em gái về quê tránh dịch thì gà ngon sẵn đấy, tha hồ ăn...
Sợ dịch thì về quê, mổ lợn ăn tết nữa
Chị Nguyễn Thị Công - một kế toán ở quận Nam Từ Liêm - cũng chẳng lo vì dịch. Chị bảo biết cách phòng tránh thì không sợ. Thực phẩm cũng không nên mua nhiều, nếu căng lắm thì chị về quê. Anh em nhà chị nuôi cả đàn lợn "tên lửa" để chờ vợ chồng chị đưa các cháu về. Bố mẹ chồng chị dặn nếu Hà Nội có dịch thì về quê, cả nhà mổ lợn khác nào ăn tết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận