Sau khi đường Phạm Văn Đồng hoàn thành xây dựng, ngôi nhà của bà Trần Thị Tư thấp hơn mặt đường gần 2m nên cứ mưa là ngập. Xe đạp muốn đi phải hai người đưa lên còn xe máy phải đem đi chỗ khác gửi - Ảnh: TỰ TRUNG |
Chưa thể thống kê thiệt hại nhưng rất nhiều người dân dù xây nhà đúng giấy phép song vẫn bị ngập nước, rồi tốn kém nâng nền, xây lại nhà do nâng đường...
Cốt nền tính từ mặt nước độ cao chuẩn quốc gia rồi dẫn về từng vùng trong cả nước để mỗi vùng có một cốt (cao độ) khống chế. Công trình xây dựng theo độ cốt khống chế này sẽ không bị ngập nước.
Lâu nay, cốt khống chế này luôn được thể hiện trong các đồ án quy hoạch, từ quy hoạch chung của TP, quận - huyện, quy hoạch 1/2.000 cho các phường, khu dân cư lớn và cả trong quy hoạch 1/500 của từng khu phố.
Khi Nhà nước cấp phép xây dựng, trong giấy phép xây dựng có quy định độ cao của cốt nền công trình. Tuy nhiên, trong thực tế những cột mốc ghi cao độ chuẩn không được cắm hoặc có cắm nhưng không được bảo vệ dẫn đến hư hỏng, mất mát, sai lệch.
Khi người dân xây nhà chẳng cơ quan nào xác định cốt nền, do vậy cũng chẳng ai chịu trách nhiệm với dân nếu như dân xây đúng cao độ trong giấy phép nhưng nhà vẫn bị ngập nước hoặc nhà cao hơn mặt đường gây bất tiện khi đi lại...
Phải sớm chấm dứt tình trạng này. Muốn vậy, Nhà nước có trách nhiệm phải dẫn cốt đến từng nền nhà cho dân (có thể làm dịch vụ, người dân trả tiền) và chịu trách nhiệm về độ cao cốt nền do mình cung cấp như nhà không bị ngập nếu xây đúng cốt nền.
Và để thực hiện trọn vẹn trách nhiệm của mình, cơ quan chức năng phải đầu tư cống rãnh đúng kích cỡ, khơi thông dòng chảy thoát nước... để nhà dân không bị ngập vì những lý do ngoài cốt nền.
Nếu như người dân làm đúng cốt nền do Nhà nước cung cấp mà đến khi mưa hoặc triều cường vẫn bị ngập thì Nhà nước phải bồi thường những hư hại do ngập nước gây ra, kể cả chi phí nâng nền nhà... Chi phí bồi thường này không lấy từ ngân sách, mà là từ các cán bộ làm sai, làm thiếu trách nhiệm.
Đồng thời, cốt khống chế này cũng là cốt chuẩn để khi Nhà nước làm đường phải tuân theo. Những khu vực đường chưa làm đúng cốt chuẩn thì Nhà nước phải công khai, khuyến cáo cho dân được biết trong tương lai Nhà nước cải tạo đường sẽ nâng cao lên đúng cốt chuẩn. Nếu Nhà nước tính nhầm thì phải đền bù cho dân chi phí nâng nền, sửa nhà.
Mạnh dạn phổ biến cốt nền cũng chính là tạo ra sự sòng phẳng giữa chính quyền với người dân, các bên căn cứ vào đó để hành xử, ai sai sẽ bị chế tài.
Chỉ có thế tài sản - nhà của người dân mới không bị xâm phạm do bị mất giá hoặc giảm giá trị sử dụng vì không phù hợp với mặt đường, bộ mặt đô thị cũng bớt nhếch nhác bởi những căn nhà xây dựa vào cảm tính mà không tuân theo quy chuẩn cốt nền.
Chúng ta đã trả giá quá lớn cho việc thiếu cốt nền, do vậy chấn chỉnh việc này là cơ hội để Nhà nước xốc lại công tác quản lý đô thị, quy hoạch lâu nay vốn lỏng lẻo, chỉ quy trách nhiệm chung chung.
Hãy nhanh tay để xóa đi nỗi khổ của người dân đô thị, nỗi khổ mang tên... cốt nền.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận