Lợi ích từ xổ số kiến thiết (XSKT) đem lại "ích nước - lợi nhà" đã quá rõ, đó là đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, một số ít người may mắn trúng thưởng và đại đa số người dân được hưởng thụ các công trình công cộng được xây dựng từ nguồn thu XSKT.
Tuy nhiên, cái khung "ích nước, lợi nhà" này của Bộ Tài chính vẫn lộ ra những điểm không còn phù hợp như tỉ lệ trả thưởng, thu nhập cho người bán vé số... Dù vậy, lúc này thu từ vé số vẫn là con gà đẻ trứng vàng nhưng vẫn cần phải điều chỉnh để con gà tiếp tục đẻ trứng vàng.
"Trông cậy" vào XSKT miền Nam
Dù hai vợ chồng làm lụng cực nhọc nhưng ông Phan Sô (phường 4, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) cho hay số tiền kiếm được chỉ đủ nuôi sống bốn miệng ăn và lo cho hai con nhỏ ăn học nên chưa biết đến khi nào mới có tiền để sửa lại căn nhà cấp 4 đang bị hư hỏng.
Do vậy, ngày nào ông cũng mua năm tờ vé số để cầu may. Ông Sô cho biết đã đeo đuổi chơi vé số 10 năm nay nhưng chưa lần nào trúng các giải giá trị, trong khi số tiền ông bỏ ra chơi vé số trong 10 năm qua cũng khoảng 200 triệu đồng.
"Nghĩ lại giật mình, không ngờ số tiền bỏ ra chơi vé số quá lớn. Nếu dành dụm, tiền này đã đủ sửa nhà. Tôi quyết định nghỉ mua, thay vào đó bỏ tiền vào tủ để dành.
Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau tui mua vé số trở lại. Chơi lâu ngày riết thành thói quen, vả lại đa số bà con bán vé số đều là người nghèo. Chiều nào sắp tới giờ xổ số bán không hết họ năn nỉ thấy thương nên phải mua ủng hộ", ông Sô cho biết.
Tương tự, ngày nào ông Nguyễn Thanh Tâm (quận 3, TP.HCM) cũng mua vé số, trừ khi ốm đau hoặc nhà có việc lớn. "Tôi mua khi có người khó khăn hơn mình đem bán, cũng mong có cơ may thì sửa lại căn nhà cho con cái ở.
Nhà tôi cấp 4, với nghề bảo vệ, cứ bình thường chắc không bao giờ sửa nổi" - ông Tâm nói về lý do mua vé số của mình. Theo ghi nhận, những người có thói quen mua vé số hằng ngày như ông Tâm hay ông Sô không hiếm, nhất là ở khu vực phía Nam.
Theo Bộ Tài chính, số thu ngân sách từ hoạt động kinh doanh vé số năm sau đều tăng so với năm trước. Như năm 2023, dự toán số thu từ hoạt động XSKT đạt 37.580 tỉ đồng, tăng 3.280 tỉ so với năm 2022.
Song sáu tháng đầu năm nay đã đạt 24.480 tỉ đồng, bằng 65% kế hoạch năm. Trong đó, các công ty XSKT khu vực phía Nam đóng góp chính vào con số thu này với doanh thu tăng bình quân hơn 10%/năm, nộp ngân sách tăng 12%/năm.
Như sáu tháng đầu năm, bất chấp tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, doanh thu xổ số truyền thống các tỉnh khu vực miền Nam vẫn tăng trưởng tốt. Theo Hội đồng XSKT khu vực miền Nam, doanh thu xổ số truyền thống của 21 tỉnh phía Nam hai quý đầu năm nay vẫn đạt 68.843 tỉ đồng, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Tỉ lệ tiêu thụ vé bình quân đạt 98,46%/doanh số phát hành. Lợi nhuận đạt gần 8.800 tỉ đồng, tăng 10,45%. Số nộp ngân sách đạt 22.031 tỉ đồng, tăng hơn 25% so với cùng kỳ và đạt gần 61% kế hoạch năm.
Ông Âu Văn Dự - giám đốc Công ty TNHH một thành viên XSKT Sóc Trăng - cho hay trong hơn 30 năm qua, các chỉ tiêu về doanh số tiêu thụ, lợi nhuận, nộp ngân sách đều hoàn thành vượt kế hoạch, tốc độ tăng trưởng năm sau luôn cao hơn năm trước và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên có lẽ "khủng" nhất là giai đoạn 2012 - 2021 khi doanh số tiêu thụ 26.000 tỉ đồng; lợi nhuận đạt 3.408 tỉ đồng và nộp ngân sách gần 8.594 tỉ đồng, tăng 518%.
Thu nhập của người bán vé dạo quá bèo bọt
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo các công ty XSKT đều thừa nhận những người bán vé số lẻ có công đóng góp rất lớn vào doanh số chung của các công ty xổ số nhưng thu nhập của người bán vé số chưa tương xứng.
Thông tin từ Bộ Tài chính cũng cho biết đang có khoảng 500.000 người tham gia bán vé dạo, đóng góp rất lớn cho kinh doanh xổ số truyền thống nhưng thu nhập bình quân của những người bán vé số dạo khoảng 4 triệu đồng/tháng.
Ông Trần Khắc Tâm - đại biểu Quốc hội khóa XIII (đơn vị Sóc Trăng) - cho biết chỉ riêng Sóc Trăng có trên 6.300 người bán vé số dạo, đa số là người già và trẻ em, chưa kể nhiều học sinh gia đình khó khăn tranh thủ đi bán vé số kiếm thêm thu nhập vào những tháng hè nên con số này sẽ lớn hơn.
Và để bán được tờ vé số, bà con phải lặn lội khắp nơi, đội nắng mưa để chào mời người mua vé số, chịu rất nhiều rủi ro. Thế nhưng, ngoài được hưởng 10%/tờ vé số bán được, họ chẳng còn quyền lợi gì khác.
Do đó, theo ông Tâm, cần xem xét điều chỉnh tăng thêm hoa hồng để người bán vé dạo được trả công xứng đáng. Ngoài ra, cần sớm nghiên cứu cho người bán vé số dạo tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn hoặc hình thức hỗ trợ nào khác.
Tại một số cuộc họp của ngành xổ số mới đây, ông Lê Văn Khanh - chủ tịch Công ty XSKT Sóc Trăng - khẳng định những người bán vé số lẻ có công đóng góp rất lớn vào doanh số chung của các công ty xổ số và lên tiếng kêu gọi tăng thêm quyền lợi cho người bán vé số dạo.
Theo quy định của Bộ Tài chính, các công ty XSKT được trích 15% doanh thu để chi trả hoa hồng cho các đại lý. Ông Lâm Minh Đạo - giám đốc Công ty XSKT tỉnh Kiên Giang - cho biết đại lý cấp 1 chia cho người bán vé số dạo từ 10%/tờ vé số (tương đương 1.000 đồng/tờ) trở lên.
Còn việc chia sẻ cho người bán vé dạo mức hưởng lợi nhiều hơn hay ít hơn là do thỏa thuận chứ pháp luật cũng không quy định phải là bao nhiêu.
Chủ tịch một công ty XSKT khu vực miền Nam cũng khẳng định các công ty xổ số ăn nên làm ra là nhờ đóng góp rất lớn của hàng ngàn người bán vé số dạo nhưng thu nhập của họ chưa tương xứng.
"Tôi và các công ty đã nhiều lần đề xuất cho các công ty lấy chi phí của đơn vị để mua bảo hiểm y tế cho người bán vé số dạo nhưng Bộ Tài chính đều từ chối", vị này cho biết. Liên quan đến "lợi nhà", Tuổi Trẻ sẽ đi sâu phân tích trong số báo tới.
Doanh thu xổ số miền Trung và phía Bắc không cao
Trái với doanh thu của doanh nghiệp XSKT khu vực miền Nam đạt vài nghìn tỉ đồng/đơn vị, các công ty XSKT khu vực miền Bắc và miền Trung khá èo uột.
Chẳng hạn, theo Hội đồng XSKT miền Trung, sáu tháng đầu năm nay 14 công ty thành viên tại khu vực này đã phát hành các sản phẩm xổ số với tổng giá trị hơn 9.531 tỉ đồng, tăng gần 53 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu tiêu thụ đạt gần 3.563 tỉ đồng, tăng hơn 466 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, tỉ lệ tiêu thụ chung toàn khu vực đạt 37,38%. Về các khoản nộp ngân sách nhà nước, các công ty đã nộp trên 915 tỉ đồng, tăng 29,65% so với cùng kỳ, đạt 63,88% kế hoạch năm.
Không có chuyện lãnh đạo công ty xổ số nhận lương khủng
Ông Ngô Thanh Trí - phó giám đốc Công ty XSKT tỉnh Đồng Tháp - khẳng định doanh thu từ XSKT được ấn định theo công thức rất rõ ràng theo đúng quy định của Bộ Tài chính.
Cụ thể, doanh thu phải dành 50% để trả thưởng, 22% dùng để nộp thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng, 15% hoa hồng, 3% chi phí quản lý và còn lại 10% lợi nhuận. Sau khi trích lập các quỹ theo quy định, số tiền còn lại phải được nộp hết vào ngân sách.
Cũng theo ông Trí, không có chuyện lãnh đạo công ty xổ số lãnh lương "khủng" như dư luận mà được thực hiện theo đúng quy định.
Cụ thể, lương chủ tịch của Công ty XSKT Đồng Tháp là 27 triệu đồng/tháng, giám đốc là 26 triệu đồng/tháng, phó giám đốc và kiểm soát viên là 23 triệu đồng/tháng, kế toán trưởng nhận 21 triệu đồng/tháng.
Giáo dục, y tế được hưởng lợi
Theo lãnh đạo các công ty xổ số, toàn bộ số thuế, các khoản thu nộp ngân sách từ hoạt động kinh doanh xổ số là để đầu tư cho giáo dục, y tế, xây dựng nông thôn mới và các chương trình an sinh xã hội của các địa phương.
Ông Nguyễn Quang Nghị - giám đốc Sở Tài chính TP Cần Thơ - cho biết sau khi trừ chi phí phát thưởng, phát hành vé và trích thưởng cho công ty, lợi nhuận thu được từ hoạt động xổ số đều được nộp lại ngân sách.
"Lợi nhuận của công ty XSKT được chi cho các chính sách an sinh xã hội của tỉnh, TP và bổ sung quỹ phát triển của doanh nghiệp.
Còn nguồn thu ngân sách từ XSKT được đầu tư toàn bộ cho giáo dục, y tế, dự án dân sinh ở địa phương" - ông Nghị khẳng định và cho biết số tiền 1.650 tỉ đồng (xổ số truyền thống 1.610 tỉ, Vietlott 40 tỉ đồng) do ngành xổ số nộp vào ngân sách đã được đầu tư trường học, bệnh viện hay chương trình an sinh xã hội ở địa phương, phục vụ cho chính người dân.
Cũng theo ông Nghị, số tiền mà các công ty XSKT khu vực phía Nam nộp ngân sách mỗi năm lên tới hàng chục nghìn tỉ đồng, đã giúp cho đầu tư giáo dục và y tế của vùng tăng lên, cơ bản thoát khỏi vùng trũng về giáo dục, y tế.
"Điều này cho thấy sự đóng góp của người mua vé số và người bán vé số là rất lớn. Mỗi người đã góp một ít công sức và tiền của cho phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế. Đây là điều hết sức trân trọng và đúng với tôn chỉ mục đích của hoạt động XSKT là ích nước, lợi nhà" - ông Nghị nói.
Ông Phạm Ngọc Tú - phó tổng giám đốc phụ trách điều hành Vietlott - cho biết sau bảy năm kinh doanh, Vietlott nộp ngân sách nhà nước gần 9.000 tỉ đồng, tương đương gần 30% doanh thu. Khoản thu này bao gồm: thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập cá nhân từ người trúng thưởng, thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đặc biệt, toàn bộ lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ sẽ được chuyển về ngân sách 63 tỉnh thành để thực hiện các mục tiêu phát triển về y tế, giáo dục và phúc lợi xã hội.
Là một địa phương khó khăn với nguồn thu hạn chế, theo ông Trần Văn Lâu - chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, hoạt động kinh doanh xổ số đóng góp ngân sách hằng năm là rất đáng ghi nhận.
Trong 30 năm qua, Công ty XSKT Sóc Trăng nộp ngân sách trên 10.400 tỉ đồng. Vào năm 2022, trong tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh 4.402 tỉ đồng, xổ số đóng góp 1.597 tỉ đồng. Riêng sáu tháng đầu năm 2023, Sóc Trăng thu ngân sách trên 2.736 tỉ đồng, trong đó xổ số chiếm gần 1.111 tỉ đồng.
"Từ nguồn thu XSKT, thời gian qua Sóc Trăng đã đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, giáo dục, y tế, văn hóa, xây dựng nông thôn mới, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn", ông Lâu cho biết. Trong khi đó, ông Dương Minh Tú - phó chủ tịch Hội đồng XSKT khu vực miền Nam - cho biết từ nguồn kinh phí của các công ty XSKT và nguồn huy động đóng góp, trong sáu tháng đầu năm nay, toàn khu vực đã thực hiện hoạt động phúc lợi, xã hội - từ thiện đạt tổng giá trị gần 170 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận