27/05/2024 15:20 GMT+7

Xin nâng chữ H lên chữ T cho con không được, giận dữ với giáo viên

Sau phản ánh của một phụ huynh về việc con mình không được danh hiệu xuất sắc chỉ vì một chữ H ở môn âm nhạc, giáo viên âm nhạc nói gì?

Tiết học âm nhạc tại một trường tiểu học - Ảnh: V.H.

Tiết học âm nhạc tại một trường tiểu học - Ảnh: V.H.

Như Tuổi Trẻ Online phản ánh: Cho rằng có sự không công bằng đối với con mình, chị T. viết: "Chỉ vì một chữ H mà con tôi không được khen thưởng danh hiệu xuất sắc. Mà phải chi đó là môn văn hay môn toán thì không bực. Đằng này, con tôi bị đánh giá "H" ở môn âm nhạc".

Bài viết đã được chia sẻ rất nhanh trên mạng xã hội, thu hút nhiều ý kiến tranh luận.

Giáo viên dạy môn âm nhạc đã chia sẻ với Tuổi Trẻ Online về chuyện này.

Coi thường môn phụ, coi thường giáo viên

"Tôi đi dạy đã gần 10 năm. Từ đó đến nay, năm nào tôi cũng nhận được lời đề nghị xin nâng kết quả đánh giá học sinh để cháu được danh hiệu xuất sắc" - cô T., giáo viên môn âm nhạc một trường tiểu học ở nội thành TP.HCM, kể.

Theo cô T: "Cuối năm học 2023 - 2024 này, cũng có một phụ huynh lên gặp trực tiếp tôi xin nâng từ chữ H (hoàn thành) thành chữ T (hoàn thành tốt) để học sinh đạt danh hiệu xuất sắc. Tôi không đồng ý.

Thế là phụ huynh nổi cơn giận dữ, nói nặng lời với tôi, rằng các cháu mới lớp 1, còn quá nhỏ. Tại sao cô không hướng dẫn cho cháu làm tốt?

Rằng đây chỉ là môn phụ, tại sao cô không du di, đánh giá linh hoạt một tí cho học sinh đỡ khổ. Chỉ vì môn âm nhạc của cô mà con tôi không được danh hiệu xuất sắc".

Tương tự, cô H., giáo viên môn âm nhạc ở vùng ven TP.HCM, tâm sự: "Hầu hết các phụ huynh đều coi thường, cho rằng môn âm nhạc là môn phụ. Do đó, học sinh cũng coi thường môn học và coi thường giáo viên.

Nhiều năm đi dạy, tôi thấy học sinh lớp 1, 2 dễ nói hơn. Vì các con còn nhỏ nên vô lớp tập trung học, cố gắng làm theo lời giáo viên. Những lớp như vậy, tôi đều đánh giá T cho học sinh.

Là giáo viên đứng lớp, ai cũng mong những điều tốt đẹp đến cho học sinh của mình. Tôi cũng thế. Tôi mong học sinh của mình có kết quả học tập tốt. Chẳng ai lại làm những điều tệ hại là đi hạ thấp kết quả học tập của học trò mình.

Tuy vậy, nhiều học sinh lớp 4, 5 rất nghịch. Giờ dạy của tôi, các em không những không tập trung mà còn không làm theo hướng dẫn của giáo viên. Ngay cả bài kiểm tra cuối kỳ cũng chỉ làm quấy quá cho xong. Những trường hợp này tôi đành phải cho chữ H" - cô H. khẳng định.

Cô chủ nhiệm: "Phiên phiến cho học sinh nhờ..."

Theo các giáo viên môn âm nhạc ở TP.HCM, tâm lý phụ huynh không chỉ coi thường môn học này mà còn có suy nghĩ theo kiểu áp đặt.

"Đa số các phụ huynh khi gặp tôi để hỏi về tình hình học tập của con cái đều cho rằng tôi đánh giá học sinh bằng cảm tính.

Việc không cho điểm môn âm nhạc là quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng nhiều phụ huynh nói là giáo viên đánh giá theo kiểu lập lờ" - cô P.M., giáo viên có thâm niên dạy âm nhạc hơn 10 năm ở TP.HCM, chia sẻ.

Cô M. cho biết: "Dù không đánh giá bằng điểm số nhưng giáo viên chúng tôi phải dựa vào yêu cầu cần đạt của môn học để đánh giá học sinh.

Tuy nhiên, cô M. cũng băn khoăn: "Trong số những người đến gặp tôi để xin nâng kết quả đánh giá học sinh từ chữ H lên chữ T, không chỉ có phụ huynh. Ngay cả một số giáo viên chủ nhiệm cũng gặp tôi và xin nâng kết quả để học sinh được danh hiệu xuất sắc".

Cô M. còn tâm sự: "Có đồng nghiệp còn nói với tôi: Chị khó khăn mà làm gì. 100 học sinh thì được bao nhiêu em có năng khiếu về âm nhạc. Chị phiên phiến đi cho học sinh nhờ. Các em đã học toán, văn giỏi mà bắt học âm nhạc giỏi thì thành thần đồng hết rồi".

"Từ suy nghĩ như vậy, bản thân tôi là giáo viên dạy nhạc mà còn hoang mang lắm. Chẳng lẽ quy định về đánh giá học sinh tiểu học của Bộ Giáo dục và Đào tạo không đúng?" - cô M. đặt câu hỏi.

3 tiêu chí đánh giá âm nhạc của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Thứ nhất là thể hiện âm nhạc: Bước đầu học sinh biết hát một mình và hát cùng người khác, thể hiện đúng giai điệu và lời ca, diễn tả được sắc thái và tình cảm của bài hát. Học sinh có thể đọc nhạc đúng tên nốt, đọc đúng cao độ và trường độ. Học sinh biết chơi nhạc cụ một mình và cùng người khác, thể hiện đúng tiết tấu và giai điệu.

Thứ hai là khả năng cảm thụ và hiểu biết âm nhạc: Bước đầu học sinh cảm nhận được vẻ đẹp của tác phẩm âm nhạc, phân biệt được sự khác nhau trong từng thuộc tính âm nhạc; biết vận động cơ thể phù hợp với nhịp điệu.

Nhận biết được câu, đoạn trong bài hát có hình thức rõ ràng, nhận biết được sự giống nhau hoặc khác nhau của các nét nhạc; bước đầu biết đánh giá kỹ năng thể hiện âm nhạc của bản thân và người khác.

Thứ ba là ứng dụng và sáng tạo âm nhạc: Bước đầu học sinh biết mô phỏng, tái hiện một số âm thanh quen thuộc trong cuộc sống; biết lặp lại có thay đổi mẫu tiết tấu và giai điệu đơn giản theo hướng dẫn của giáo viên.

Biết làm dụng cụ học tập đơn giản theo hướng dẫn của giáo viên; biết tưởng tượng khi nghe nhạc không lời; biết chia sẻ hiểu biết về âm nhạc với người khác; biết biểu diễn các tiết mục âm nhạc với hình thức phù hợp".

Tranh cãi tưng bừng xung quanh chữ H trong phiếu liên lạcTranh cãi tưng bừng xung quanh chữ H trong phiếu liên lạc

Bài viết về sự bức xúc của phụ huynh vì chữ H (hoàn thành) mà con chị không được xuất sắc thu hút nhiều ý kiến tranh luận. Nhóm ủng hộ, nhóm thì cho rằng căn bệnh thành tích đang quá nặng ở nhiều phụ huynh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên