“Lá đơn” của học trò - Ảnh: Thụy Hiền |
Nếu từ “hỗn” cứ bị áp lên đầu khi bọn nhỏ dám bày tỏ chính kiến với giáo viên, thì học sinh chúng ta không hi vọng gì có được những kỹ năng sống cơ bản. Đó là biết phân biệt đúng sai, phải trái, và biết đứng lên, dù chỉ để bảo vệ chính bản thân mình |
Tôi hỏi lý do có “lá đơn” này thì con bảo rằng: “Một số bạn gái của con thấp bé kèm cận thị, nhưng không hiểu thế nào mà cô giáo chủ nhiệm đổi chỗ cho ngồi mãi cuối lớp (trong đó có con). Thế là tụi con họp lại và làm đơn phản đối gửi cô!”.
Tôi lật qua trang sau của "lá đơn" có ghi: “Xin cô đổi chỗ cho bạn Nhân, Vy, Trang, Ánh, Trâm, Tâm... vì mấy bạn không thấy bảng. Đồng tình phản đối. Xin cảm ơn cô”.
Và diễn biến tiếp theo của "lá đơn" theo lời kể của con tôi như sau. “Lá đơn” đã được các con háo hức cử một bạn đưa đến tận tay cô giáo chủ nhiệm trong giờ sinh hoạt lớp. Bọn trẻ chờ đợi và hi vọng cô trả lại cho chúng sự công bằng trong cách xếp chỗ ngồi trong lớp. Tuy nhiên, cô nhận đơn, sau đó nhíu mày hỏi:
- Ai ghi?
Một nhóm xúm lại chỉ một bạn.
- Phản đối cái gì? Tại sao lại phản đối? - cô gắt.
- Dạ thưa cô, mấy bạn ngồi bên dưới xa bảng quá nên không nhìn thấy chữ - cô bé "đại diện" trả lời.
- Cô đã làm cái gì sai mà phải trả lại sự công bằng cho các con? - cô giận dữ.
- Dạ thưa cô... tụi con không thấy chữ trên bảng thì tụi con phải phản đối ạ! - cả nhóm đồng thanh.
- Nếu không thấy thì nói là “con không thấy” rồi cô sẽ sắp xếp lại. Không được ghi giấy phản đối cô, như thế là hỗn láo, hiểu chưa? - cô hét to.
- Thì tụi con đã nói là tụi con không thấy mà cô đâu có nghe, cô đâu có xếp chỗ lại! - cô bé cố giải thích rồi... mếu.
- Không lôi thôi nữa! Em nào có tên trong đây thì tự tay xé tờ giấy này, và nhớ từ rày về sau không được bày ra mấy cái trò vớ vẩn này nữa. Nếu không cô sẽ mời phụ huynh lên làm việc! - cô gầm lên.
- Dạ... con biết! - cả nhóm líu ríu, run run chia nhau tờ giấy nhỏ rồi gom góp lại bỏ vào thùng rác.
Tôi có được bản sao của "lá đơn" vì cô bé “đại diện” đã tường thuật và ghi chép lại rất chi tiết để mẹ xem rằng chúng con đã làm gì sai.
“Vì sao vậy mẹ? Nhưng nếu thầy cô làm gì đó không công bằng thì mình cũng phải im lặng sao?", tôi im lặng trước câu hỏi của cô bé lớp 6. Tôi muốn nói với con rằng: nếu có điều gì sai con có thể nói với ba mẹ, rồi ba mẹ sẽ báo lại với thầy cô. Nhưng trong thực tế cuộc sống ngày nay, từng có những trường hợp các cháu đi thi đại học, khi trên bài thi bị giám thị ký nhầm cột tên mà học sinh 18 tuổi đầu cũng chỉ biết khóc lóc, về kể với phụ huynh sau khi chuyện đã rồi và kéo theo nhiều hệ lụy khác.
Tại sao học sinh của chúng ta luôn bị đánh giá là rất thiếu kỹ năng sống? Xin hỏi, một đứa trẻ học lớp 6 không đồng ý với cách sắp xếp chỗ ngồi trong lớp của cô giáo và kêu gọi các bạn lên tiếng phản đối, tại sao lại bị cô cấm? Tại sao bị gọi là hỗn? Tại sao bị bắt nhớ đến “từ rày về sau...”.
Ai cũng có thể trả lời được những câu hỏi này. Giáo dục một đứa trẻ không phải là cấm chúng “hỗn”, mà nên dạy cho chúng hiểu thế nào là một thái độ sống tích cực được chấp nhận. Với thái độ đó, các con sẽ vững chân bước vào đời, tự tin với những kỹ năng được rèn giũa từ thầy cô và cha mẹ theo suốt thời gian con lớn lên.
Rồi chúng ta sẽ có những học sinh 18 tuổi dám đứng lên phản đối thầy giám thị ký tên sai cột khiến ảnh hưởng đến bài thi của các bạn và yêu cầu được giải quyết thỏa đáng.
Nếu từ “hỗn” cứ bị áp lên đầu khi bọn nhỏ dám bày tỏ chính kiến với giáo viên, thì học sinh chúng ta không hi vọng gì có được những kỹ năng sống cơ bản. Đó là biết phân biệt đúng sai, phải trái và biết đứng lên, dù chỉ để bảo vệ chính bản thân mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận