Điều dưỡng Lệ Hồng (khoa nhiễm D, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM) chăm sóc bệnh nhân - Ảnh: Hữu Khoa |
Triển khai cuộc vận động này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tỏ ra rất quyết liệt: “Nhân viên y tế phải luôn cảm ơn, luôn nhẹ nhàng, luôn thăm hỏi, luôn giúp đỡ bệnh nhân”.
Thực tế
Chị Lữ Thị Phong (29 tuổi, người dân tộc Thái ở Mai Châu, Hòa Bình) kể cách đây khoảng một tháng, chị đưa con gái 6 tháng tuổi đến Bệnh viện Nhi T.Ư theo giấy giới thiệu của bác sĩ tuyến dưới do bé có vấn đề về não.
Tuy nhiên, các bác sĩ Bệnh viện Nhi T.Ư chỉ khám phần ngực và kết luận bé bị viêm phế quản, cho điều trị tại khoa hô hấp. Mới chiều tối hôm trước nhập viện, sáng hôm sau bác sĩ chỉ định cho bé ra viện.
Lo con gái ra viện trong tình trạng vẫn còn mệt mỏi, đồng thời muốn con được khám phần đầu theo yêu cầu của bác sĩ tuyến dưới, chị Phong xin cho bé ở lại nhưng bị bác sĩ quát, mắng.
“Bác sĩ bảo tôi hỏi gì mà hỏi lắm thế, nhất định cho con tôi ra viện” - chị Phong kể.
Chị N.T.T. (46 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) cũng bức xúc kể việc đưa cháu gái đi khám tại cơ sở 1 Bệnh viện K T.Ư trong khoảng thời gian sau Tết Nguyên đán 2015.
Tại đây, gia đình phải sử dụng cách “phong bì” theo lời mách của bệnh nhân đi trước thì mới được khám ngay.
Sau khi có kết quả tại cơ sở 1, cháu của chị T. được điều trị theo bảo hiểm y tế tại cơ sở 3 của bệnh viện này và lại bị yêu cầu phải làm mọi xét nghiệm từ đầu.
“Trong khoảng thời gian chờ đợi, làm đủ thủ tục theo yêu cầu của bệnh viện, gia đình tôi sống trong tình trạng lo lắng, mệt mỏi, đặc biệt là cháu gái tôi sống tuyệt vọng và chán chường, nên chúng tôi chuyển sang điều trị tại bệnh viện tư nhân để bớt thủ tục dù chi phí sẽ cao hơn hẳn...” - chị T. nói.
Tại Bệnh viện K T.Ư, ngoài cơ sở vật chất thiếu thốn, tuyến dưới yếu, bệnh viện này đang thiếu khoảng 500 cán bộ, trong đó có 100-150 bác sĩ.
Đây chính là căn nguyên làm thái độ phục vụ tại bệnh viện được xếp vào loại yếu. Vì phòng bệnh thiếu, bác sĩ thiếu, cơ sở vật chất cái gì cũng thiếu, nên dù trong vai “đi mua dịch vụ”, bệnh nhân vẫn gặp đủ mọi khó khăn trong quá trình điều trị.
Không chỉ riêng Bệnh viện K T.Ư, đây là tình trạng chung của nhiều bệnh viện công ở VN.
Phải luôn niềm nở, tươi cười
Nhằm thay đổi thái độ phục vụ ở các bệnh viện, cách đây ba năm, Bộ Y tế đã có một cuộc vận động về đổi mới y đức, phong cách phục vụ.
Ban đầu là vận động “ngành y nói không với phong bì”, sau đó là mở hàng trăm lớp tập huấn về việc cán bộ y tế tươi cười, tận tụy với bệnh nhân. Cố gắng thì có nhưng xem ra kết quả vẫn chưa đạt như mong muốn.
Tại hội nghị trực tuyến với 700 điểm cầu là bệnh viện từ tuyến huyện đến tuyến trung ương tổ chức hôm qua, Bộ trưởng Tiến thừa nhận cần chấn chỉnh thái độ ứng xử của nhân viên y tế. Một trong những điểm cần chấn chỉnh đầu tiên là... quần áo của thầy thuốc.
Giữa tháng 5 Bộ Y tế sẽ có thông tư hướng dẫn để mỗi bộ phận trong bệnh viện có màu quần áo riêng, bác sĩ mặc màu trắng, điều dưỡng mặc màu xanh, bộ phận hành chính ít tiếp xúc với bệnh nhân có trang phục... thể hiện tính năng động.
“Quần áo thầy thuốc không thể màu cháo lòng, nhăn nhúm. Cũng không thể tất cả mặc màu trắng dẫn đến nhầm lẫn khi một ai đó có thái độ ứng xử không phù hợp” - bà Tiến giải thích.
Chấn chỉnh tiếp theo, bà Tiến yêu cầu nhân viên y tế luôn niềm nở, luôn tươi cười, luôn giúp đỡ bệnh nhân.
Theo bà Tiến, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ có quy chế nhân viên vi phạm về thái độ ứng xử một lần sẽ hạ mức lương, khoa phòng có nhân viên vi phạm cũng hạ thi đua.
Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) thì cán bộ y tế ký cam kết với khoa, khoa ký cam kết với bệnh viện, tất cả cùng thi đua để “làm hài lòng người bệnh”.
Cuộc vận động này liệu có thành công khi mối quan hệ cung - cầu trong y tế chưa giải quyết được?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói cuộc vận động này được thực hiện sau khi ngành y tế có những đổi mới về hạ tầng, về giá dịch vụ, tức là có những cơ sở để vận động thành công.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận