Chiều 23-11, Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng đã tổ chức trao bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố đối với Bảo tàng Điêu khắc Chăm.
Đây là bảo tàng lâu đời nhất nước ta, được người Pháp khởi công xây dựng từ năm 1915 và mở cửa cho khách tham quan từ năm 1919.
Nơi đây lưu giữ bộ sưu tập các tác phẩm điêu khắc nghệ thuật tôn giáo tiêu biểu trong giai đoạn từ thế kỷ V đến khoảng thế kỷ XIV-XV của nền văn hóa Chăm. Trong đó có 6 hiện vật được Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia.
Bảo tàng Điêu khắc Chăm được người Đà Nẵng gọi với tên thân thuộc là Cổ Viện Chàm, hằng năm thu hút hàng trăm ngàn lượt khách tham quan. Doanh thu bán vé năm 2019 đạt khoảng 17 tỉ đồng.
Điểm tham quan này đóng góp lớn vào các chương trình quảng bá văn hóa và phát triển du lịch Đà Nẵng.
"Chưa nói đến những hiện vật quý giá, công trình tòa nhà bảo tàng đã là một trong những thiết chế văn hóa quý giá của người Đà Nẵng.
Việc xếp hạng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý, bảo tồn di tích theo Luật Di sản văn hóa và thu hút thêm khách đến tham quan" - ông Hồ Tấn Tuấn, giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm, cho hay.
Kiến trúc Pháp và đền tháp Chăm kết hợp ở bảo tàng
Tòa nhà bảo tàng đồng thời là một công trình độc đáo, có bề dày tuổi đời trong lịch sử phát triển đô thị của thành phố Đà Nẵng. Công trình vừa mang các đặc trưng phong cách kiến trúc Pháp đầu thế kỷ XX, vừa kết hợp một cách hài hòa, tinh tế các đường nét kiến trúc đặc trưng của các đền tháp Chăm trên dải đất miền Trung Việt Nam.
Cũng trong dịp này, Bảo tàng Điêu khắc Chăm khai trương không gian trưng bày mới mang tên phòng văn hóa Chăm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận