VAMC mua nợ xấu để cứu ngân hàng và doanh nghiệp
Phóng to |
Theo các chuyên gia, chỉ khi nào giải quyết dứt điểm nợ xấu tại các ngân hàng, nguồn vốn cho vay mới được khơi thông - Ảnh: Thanh Đạm |
Cuối tuần qua, Ngân hàng (NH) Xăng dầu Petrolimex (PGBank), NH TMCP Sài Gòn (SCB) và NH TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã ký hợp đồng bán nợ xấu cho VAMC với tổng giá trị hơn 800 tỉ đồng. Dự kiến trong tuần này VAMC sẽ mua thêm hơn 1.000 tỉ đồng nợ xấu.
Nợ xấu không chỉ bất động sản
"Mua bán nợ chỉ là bước khởi đầu. Mục tiêu hướng tới ở những giai đoạn sau là hoạt động cơ cấu lại nợ để lành mạnh hóa tài chính tại các tổ chức tín dụng, giúp hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động vay vốn tại các tổ chức tín dụng thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh" Ông Nguyễn Quốc Hùng |
Ông Nguyễn Quốc Hùng, phó chủ tịch hội đồng thành viên VAMC, cho biết hiện số hồ sơ đăng ký bán nợ xấu rất nhiều, VAMC phải làm việc cả ngày nghỉ mới có thể giải quyết kịp. Cũng theo ông Hùng, khi bắt đầu triển khai mua nợ xấu nhiều NH e ngại, nhưng hiện nay tình hình đã khác hoàn toàn. Nhiều NH có tỉ lệ nợ xấu dưới 3% cũng muốn bán nợ cho VAMC.
Một lãnh đạo PGBank cho biết số nợ xấu PGBank bán cho VAMC chiều 4-10 là 170 tỉ đồng, chủ yếu rơi vào lĩnh vực bất động sản do thời gian qua thị trường này suy yếu, dẫn đến món nợ liên quan đến bất động sản trở thành nợ khó đòi. Trước khi bán nợ xấu cho VAMC, nợ xấu của PGBank là 8%, lãnh đạo PGBank cho biết dự kiến vào cuối năm NH sẽ đưa nợ xấu về mức 3% theo yêu cầu của NH Nhà nước thông qua việc xử lý tài sản đảm bảo, cơ cấu nợ và bán thêm nợ cho VAMC. “NH sẽ rà soát và cân nhắc các phương án. Theo đó với những khoản mà NH có khả năng tự thu hồi được NH sẽ tự xử lý. Còn nếu không tự xử lý được NH sẽ bán cho VAMC” - vị lãnh đạo này nói.
Ông Nguyễn Văn Lê, tổng giám đốc SHB, cho biết tổng số nợ xấu SHB dự kiến bán cho VAMC hơn 1.000 tỉ đồng, hầu hết đều của Habubank chuyển về sau khi sáp nhập vào SHB. Ngoài những khoản nợ đã bán cho VAMC chiều 4-10, còn những khoản nợ khác mà VAMC đang trong quá trình rà soát.
“Bán nợ xấu NH sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, về phía NH, bán nợ sẽ làm giảm tỉ lệ nợ xấu, làm đẹp bảng cân đối, NH cũng sẽ nhận được trái phiếu đặc biệt để dùng giao dịch trên thị trường mở, qua đó có nguồn vốn để quay vòng, cho vay các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp được kéo dài thời gian trả nợ, qua đó giúp doanh nghiệp có thời gian phục hồi” - ông Lê nói.
Ai cũng muốn bán
Trong danh sách xếp hàng chờ bán nợ cho VAMC không chỉ là các NH có tỉ lệ nợ xấu cao buộc phải bán nợ theo quy định, mà còn nhiều NH có tỉ lệ nợ xấu dưới 3%. Ông Phạm Hữu Phú, chủ tịch hội đồng quản trị Sacombank, cho biết hiện tỉ lệ nợ xấu của Sacombank ở mức 2,8% nhưng NH cũng muốn bán nợ cho VAMC. Ông Phú cho biết NH đang rà soát để báo cáo VAMC trước ngày 10-10, nhưng khả năng số nợ mà Sacombank sẽ bán cho VAMC khoảng 1.000 tỉ đồng nợ xấu, trong đó chủ yếu rơi vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán...
Một NH khác cũng đang chờ bán nợ xấu là NH Á Châu (ACB). ACB hiện có hơn 3.000 tỉ đồng nợ xấu, chiếm khoảng 2,9% tổng dư nợ. Ông Đỗ Minh Toàn, tổng giám đốc ACB, cho biết ACB có khoảng 1.500 tỉ đồng nợ xấu đủ điều kiện bán nợ cho VAMC. “NH đang chủ động tính toán các phương án, trong đó có việc bán lúc nào và với giá nào. Thời gian bán lại nợ xấu cho VAMC là năm năm, đủ để NH giảm bớt áp lực nợ xấu, quan trọng hơn tiền thu được từ bán nợ xấu sẽ đưa vào kinh doanh để sinh lời” - ông Toàn cho biết.
Ông Trịnh Văn Tuấn, chủ tịch hội đồng quản trị NH Phương Đông (OCB), nói trước đây các NH không mặn mà bán nợ cho VAMC do tổ chức này yêu cầu món nợ phải có tài sản thế chấp chủ yếu bằng bất động sản mới chấp nhận mua nợ. Nhưng những món nợ có tài sản thế chấp bằng bất động sản thì chính NH có thể xử lý được, thậm chí nhanh hơn so với việc bán qua VAMC. Chưa kể trong thực tế không phải bất kỳ khoản vay nào cũng có tài sản thế chấp là bất động sản. Nay cơ chế mua nợ xấu của VAMC thông thoáng hơn và tổ chức này cũng không còn yêu cầu món nợ phải có tài sản thế chấp bằng bất động sản nữa. Trên thực tế những khoản nợ như vậy rất nhiều và NH cũng khó xử lý, do vậy giải pháp tối ưu là bán qua VAMC. Ông Tuấn cho biết NH đang lên danh sách các khoản nợ xấu sẽ bán. “Bán nợ cho VAMC là hợp lý, vì nếu giữ ở NH thì chẳng thu được đồng nào trong khi đưa qua VAMC NH có trái phiếu đặc biệt, từ đó có thể biến thành nguồn tiền để tiếp tục kinh doanh” - ông Tuấn nói.
Cũng theo các NH, một lý do khác khiến các NH có tỉ lệ nợ xấu dưới 3% vẫn muốn bán nợ cho VAMC vì tháng 6-2014 khi áp dụng thông tư 02, tỉ lệ nợ xấu sẽ tăng lên rất cao, có thể gấp đôi so với mức hiện nay. Do vậy bán những khoản nợ “có vấn đề” cho VAMC ngay lúc này ngoài việc làm cho sổ sách đẹp hơn, các NH còn tránh được việc nợ xấu tăng đột biến khi áp dụng thông tư 02 vào năm sau.
Thận trọng khi cho vay trở lại Theo lãnh đạo VAMC, việc NH bán nợ xấu cho VAMC các doanh nghiệp cũng được lợi vì khi VAMC mua nợ xấu, NH sẽ có quyền cho vay trở lại nếu dự án của doanh nghiệp khả thi, hiệu quả. Tuy nhiên, về việc có cho doanh nghiệp vướng nợ xấu tiếp tục vay vốn hay không sau khi đã bán khoản nợ xấu cho VAMC, các NH còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng phần lớn đều rất thận trọng. Ông Nguyễn Văn Lê cho rằng sau khi bán nợ xấu cho VAMC, NH và VAMC sẽ cùng nhau xem xét, nếu doanh nghiệp có triển vọng phục hồi, có phương án sản xuất kinh doanh tốt thì vẫn sẽ được cho vay vốn để kinh doanh, từ đó có cơ hội trả những món nợ cũ. Nhưng theo ông Lê, dù nợ xấu được bán nhưng trách nhiệm của NH vẫn phải thu hồi nợ, khách hàng có nợ vẫn phải trả nợ cho NH. Do vậy, khi cho vay lại những doanh nghiệp đã vướng nợ xấu, NH phải thẩm định thật kỹ, hiệu quả mới cho vay và cũng phải tùy trường hợp chứ không phải doanh nghiệp nào cũng được vay. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận