25/10/2019 14:30 GMT+7

Xem xét dừng hoạt động xe máy khi vận tải công cộng đáp ứng tối thiểu 60,5%

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Quan điểm đó được Viện chiến lược và phát triển GTVT đưa ra trong hội thảo lấy ý kiến về đề án phân vùng hoạt động của xe máy và đề án thu phí phương tiện cơ giới trên địa bàn TP. Hà Nội do Sở GTVT Hà Nội tổ chức ngày 25-10.

Xem xét dừng hoạt động xe máy khi vận tải công cộng đáp ứng tối thiểu 60,5% - Ảnh 1.

Viện chiến lược và phát triển GTVT tính toán vận tải công cộng đáp ứng được 60,5% nhu cầu đi lại của người dân thì dừng hoạt động xe máy - Ảnh: TTO

Cần 8 tuyến đường sắt đô thị đi vào hoạt động

Theo ông Vũ Văn Viện - giám đốc Sở GTVT Hà Nội, ngày 4-7-2017 HĐND TP. Hà Nội đã phê duyệt 2 đề án "Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030" và đề án "Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào".

Hai đề án trên là quan trọng để góp phần giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên đây là những vấn đề phức tạp, nhạy cảm liên quan đến cuộc sống của đại bộ phận nhân dân trong và ngoài thành phố cũng như động chạm đến các nhóm lợi ích khác nhau trong xã hội. Vì vậy, quá trình nghiên cứu đề xuất xây dựng đề án có rất nhiều ý kiến khác nhau.

Theo ông Lê Đỗ Mười - phó Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT để thực hiện các đề án trên cần sự đồng lòng của người dân, chính quyền và các cơ quan chức năng trên địa bàn Hà Nội khi ùn tắc giao thông ngày càng trầm trọng.

Nghiên cứu cụ thể của Viện Chiến lược và phát triển GTVT chỉ ra: về nguyên tắc tuyến và khu vực hạn chế hoạt động xe máy phải có hệ thống vận tải hành khách công cộng và các phương tiện giao thông thay thế đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

Vì vậy, cơ quan này đề xuất Hà Nội xem xét dừng hoạt động xe máy, khi hệ thống vận tải hành khách công cộng và các phương tiện thay thế đáp ứng được tối thiểu 60,5% nhu cầu đi lại của người dân.

Để đảm bảo yêu cầu trên, đến năm 2030, Hà Nội cần đưa vào hoạt động 8 tuyến đường sắt đô thị, khoảng 200 tuyến xe buýt, 15-20 tuyến xe buýt nhỏ, 50-55 ngàn xe hợp đồng và 8-10 ngàn xe đạp công cộng.

Với mục tiêu và điều kiện để dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030, Viện Chiến lược và phát triển GTVT đề xuất trong giai đoạn 2020-2030 cần lựa chọn các tuyến phố và khu vực có thể thực hiện được.

Với tuyến đường có thể hạn chế hoạt động xe máy, cần có hệ thống vận tải công cộng đáp ứng nhu cầu của người dân, tập trung nghiên cứu trên các tuyến có đường sắt đô thị.

Đối với khu vực, nên mở rộng không gian đi bộ tại hồ Hoàn Kiếm, nghiên cứu tổ chức không gian đi bộ trên toàn thành phố như khu vực Thủ Lệ, hồ Thành Công, Trúc Bạch, Quảng Bá- Trịnh Công Sơn…

Việc thực hiện dừng hoạt động xe máy có thể thực hiện theo giờ và theo ngày trong tuần đối với khu vực, tuyến đường được chọn…

Thu phí ô tô vào khu vực ùn tắc cần có kịch bản khả thi

Xem xét dừng hoạt động xe máy khi vận tải công cộng đáp ứng tối thiểu 60,5% - Ảnh 2.

Ô tô sẽ là đối tượng chịu phí đi vào khu vực ùn tắc giao thông - Ảnh: TTO

Theo chuyên gia giao thông Đinh Thị Thanh Bình (Đại học GTVT): hạ tầng giao thông không thể theo kịp tốc độ phát triển của phương tiện và khi phương tiện công cộng phát triển tốt nếu không có cơ chế kiểm soát thì người dân vẫn thích đi xe cá nhân hơn. 

Do vậy, các nước như Singapore dù có phương tiện công cộng rất tốt nhưng vẫn thu phí xe cá nhân để giảm ùn tắc giao thông.

Với đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông, bà Bình cho rằng: cần có kịch bản xác định rõ khu vực thu phí trong vành đai 1 hay 2 để tổ chức thu phí thuận tiện cũng như tác động giao thông . 

Thứ hai là cần xem xét mức phí phù hợp. Nếu phí quá cao người dân sẽ dồn ra ngoài vành đai không thu phí, còn phí thấp thì người dân vẫn đi vào trung tâm, việc hạn chế xe không hiệu quả.

Do vậy, để thực hiện cần có các kịch bản về vùng thu phí, đối tượng thu phí, mức thu phí và phương án tổ chức giao thông vòng tránh khu vực thu phí. Ví dụ nếu thu phí 10.000đ/xe con ở trong vành đai 3, thì phải tính được có bao nhiêu chuyến đi sẽ trả phí, bao nhiêu chuyến đi chọn cách đi vòng để né thu phí và bao nhiêu người dân sẽ chuyển từ xe cá nhân sang phương tiện công cộng để có kịch bản phù hợp.

Tại hội thảo, có các ý kiến đề nghị làm rõ bản chất của việc thu phí hạn chế ùn tắc giao thông vì đây là loại phí mới, không trùng lặp với các loại phí và lệ phí hiện có cũng như điều kiện cần thiết… 

Đối tượng thu phí được xác định là ô tô vì dễ gây ùn tắc giao thông, ưu tiên xe chở người số lượng lớn, xe dùng năng lượng sạch; hình thức thu phí là tự động không dừng đồng bộ công nghệ trong cả nước, cần chế tài xử phạt xe không nộp phí qua hệ thống giám sát hình ảnh.

Ông Vũ Văn Viện - giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho biết các ý kiến tại hội thảo sẽ được tổng hợp trong quá trình xây dựng đề án báo cáo UBND TP. Hà Nội để đề án đảm bảo tính thực tế, khả thi, đi vào cuộc sống, tạo điều kiện đi lại thuận lợi nhất cho người dân…

Nâng gấp đôi vận tải công cộng Hà Nội vào năm 2020 Nâng gấp đôi vận tải công cộng Hà Nội vào năm 2020

TTO - Đó là một trong những mục tiêu của quy hoạch phát triển giao thông vận tải thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên