21/12/2022 09:04 GMT+7

Xem người Pháp và họa sĩ Việt kể về lịch sử Văn Miếu Quốc Tử Giám

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

Thích thú, mê mẩn là những gì người xem cảm nhận được từ trưng bày 'Quốc Tử Giám - trường quốc học đầu tiên' tại Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội.

Xem người Pháp và họa sĩ Việt kể về lịch sử Văn Miếu Quốc Tử Giám - Ảnh 1.

Trưng bày thu hút đông người trẻ - Ảnh: T.ĐIỂU

Không ngạc nhiên khi biết rằng trưng bày đẹp và thi vị vừa được Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám khai mạc này có bàn tay của những nhà thiết kế Pháp và họa sĩ trẻ tài năng của Việt Nam Nguyễn Thành Phong.

Hơn 200 tài liệu, hiện vật, trong đó có những tấm ảnh màu lần đầu tiên được công bố, dưới bàn tay tài hoa của các chuyên gia thiết kế Pháp và họa sĩ Việt đang kể câu chuyện lịch sử Văn Miếu Quốc Tử Giám qua hàng ngàn năm rất hấp dẫn, thi vị.

Xem người Pháp và họa sĩ Việt kể về lịch sử Văn Miếu Quốc Tử Giám - Ảnh 2.

Trưng bày cũng hấp dẫn khách quốc tế - Ảnh: T.ĐIỂU

Những mốc thời gian được trình bày khoa học, những hiện vật khảo cổ quý minh chứng sự ra đời của Quốc Tử Giám được nâng niu khiến người xem cũng hiểu hơn giá trị của những hiện vật còn ở lại từ ngàn năm để kể câu chuyện của tổ tiên chúng ta.

Toàn bộ triển lãm có nền là những bức tranh vẽ quang cảnh nước Đại Việt từ thuở Văn Miếu được xây dựng dưới thời Lý, những tranh lớp học thầy đồ xưa, cảnh lều chõng trường thi, cảnh vinh quy bái tổ… do họa sĩ trẻ tài năng Nguyễn Thành Phong - tác giả bộ truyện tranh lịch sử được độc giả trẻ mong ngóng từng tập ra mắt Long thần tướng - vẽ.

Xem người Pháp và họa sĩ Việt kể về lịch sử Văn Miếu Quốc Tử Giám - Ảnh 3.

Những bức tranh vẽ non nước Việt, cảnh đèn sách, lều chõng, vinh quy bái tổ xưa của họa sĩ Nguyễn Thành Phong làm nền cho trưng bày mang tới hiệu quả rất tốt - Ảnh: T.ĐIỂU

Rất khâm phục và thích thú với trưng bày đẹp này, PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam - đánh giá đây "thực sự là một đóng góp mới trong kinh nghiệm diễn giải trưng bày ở di tích. Nội dung súc tích, cô đọng. Kỹ thuật trưng bày có nhiều đột phá mang lại cho người xem cảm giác nhẹ nhàng, với nhiều khám phá bất ngờ".

Ông Huy cho rằng trưng bày này làm tăng thêm giá trị của di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám. Hơn cả một trưng bày đẹp, tại đây, rất nhiều thông tin thú vị mà khách tham quan có thể nhanh chóng "nhặt" được nhờ vào lối trưng bày triển lãm xuất sắc của những chuyên gia Pháp.

Xem người Pháp và họa sĩ Việt kể về lịch sử Văn Miếu Quốc Tử Giám - Ảnh 4.

Người xem có nhiều hình thức để khám phá, tìm hiểu về Văn Miếu Quốc Tử Giám. Trong ảnh là bạn trẻ tìm hiểu về các bia đá tiến sĩ qua thiết bị điện tử được đặt tại trưng bày - Ảnh: T.ĐIỂU

Người xem được biết từ năm 1925, chính Toàn quyền Đông Dương cũng đã xếp hạng Văn Miếu là công trình lịch sử của Bắc Kỳ cần được bảo vệ ở Đông Dương.

Hay thông tin thú vị khác: Văn Miếu Quốc Tử Giám từng mất vị thế của Văn Miếu trung ương dưới thời Lê, chuyển thành Văn Miếu địa phương, gọi là Văn Miếu Bắc Thành. Sau năm 1831 đổi là Văn Miếu Hà Nội.

Và những câu chuyện thú vị về các danh nhân Nho học từ Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Khổng Tử đến Nguyễn Hiền - người đỗ trạng nguyên nhỏ tuổi nhất Việt Nam ở tuổi 13 - hay Lê Văn Hưu - tác giả bộ quốc sử đầu tiên Đại Việt sử ký

Không tham nhồi nhét thông tin, triển lãm kết hợp công nghệ số, quét mã QR để những du khách muốn khám phá thêm như bài đồng dao của Nguyễn Hiền hay những giai thoại hấp dẫn về Lê Văn Hưu…

Xem người Pháp và họa sĩ Việt kể về lịch sử Văn Miếu Quốc Tử Giám - Ảnh 5.

Lớp học của ông đồ xưa cũng được tái hiện ở phần trưng bày ngoài trời - Ảnh: T.ĐIỂU

Những người làm trưng bày cũng rất tinh tế và chuyên nghiệp ngay cả ở phần chú giải, câu chuyện bằng lời. Phần thuyết minh, câu chuyện này có tiếng Việt, Anh, Pháp, và phần chữ tiếng Việt luôn được để cỡ chữ to hơn và in đậm hơn.

Ngoài phần trưng bày trong nhà còn có không gian trưng bày ngoài trời với mái trường tại làng quê xưa, cảnh thi cử nơi kinh thành được tái dựng.

Không gian này sẽ là địa điểm để tổ chức các hoạt động trải nghiệm phục vụ du khách đến tham quan, học tập, nghiên cứu tại di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Nghe bia tiến sĩ Nghe bia tiến sĩ 'sống dậy' kể chuyện sử dụng người tài

TTO - Không còn là những nhân chứng lịch sử "câm lặng", những tấm bia tiến sĩ sẽ "dốc bầu tâm sự" với khách tham quan về chuyện khoa cử và sử dụng hiền tài của cha ông xưa trong trưng bày chuyên đề "Bia đá kể chuyện".

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên