Trưng bày mang đến rất thông tin thú vị về chế độ khoa cử thời phong kiến, cách tuyển dụng người tài rất minh bạch và những quan điểm về trọng dụng hiền tài…
Trưng bày chủ đề "Hiền tài là nguyên khí quốc gia", do Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám thực hiện, mở cửa đón khách tham quan từ nay tới ngày 8-11.
Với hình thức treo panô in thông tin, hình ảnh, biểu đồ để kể câu chuyện về khoa cử, cách tuyển dụng người tài và sử dụng người tài xưa kia, về những tiến sĩ tiêu biểu, các dòng họ nhiều người đỗ đạt cao được rút tỉa từ chính những bia đá "câm lặng" tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội trong giai đoạn đầu từ 1442 - 1529, tương ứng với 14 khoa thi được tổ chức dưới triều Lê Sơ và kết thúc bằng khoa thi đầu tiên của nhà Mạc.
Với cách trình bày đồ họa sinh động trên pa nô, trưng bày lần này mang đến rất nhiều thông tin thú vị về chế độ khoa cử thời phong kiến, cách tuyển dụng người tài rất minh bạch và những quan điểm về trọng dụng hiền tài…
Ông Trương Quốc Toàn - đại diện nhóm thiết kế trưng bày - cho biết nhóm thực hiện mong muốn bằng trưng bày này sẽ đưa bia đá dốc bầu tâm sự với người đương thời
Đó là thông tin về những địa phương có người đỗ tiến sĩ và số lượng tiến sĩ của địa phương đó. Như Hà Nội có nhiều tiến sĩ nhất với 145 tiến sĩ, thứ hai là Hải Dương 106, Bắc Ninh 87, Hưng Yên 43, Hải Phòng 28…
Người xem cũng sẽ ngạc nhiên thú vị trước thông tin về các gia đình khoa bảng tiêu biểu như gia đình có năm anh em và nhiều con cháu đời sau đỗ tiến sĩ. Gia đình cụ Thân Nhân Trung cũng có hai con trai và cháu nội đỗ tiến sĩ. Gia đình ông Phạm Bá Ký cũng ba đời có người đỗ tiến sĩ, từ ông, cha, cháu nội.
Chuyện thi cử xưa cũng được kể rất minh bạch khi các bài thi đều được chép lại trước khi chuyển tới các vị quan chấm thi để đảm bảo người chấm thi không nhận ra nét chữ người quen mà nâng đỡ.
Người xem cũng được khám phá những thông tin thú vị như có những tiến sĩ hai lần ứng thí hai khoa thi liên tiếp do lần đầu thi đã đỗ tiến sĩ rồi nhưng hạng đỗ chưa như ý. Chỉ hai trong số sáu tiến sĩ thi lại được nâng hạng là Trịnh Thiết Trường và Nguyễn Duy Tường.
Nhiều gia đình đi xem trưng bày bia đá kể chuyện
Trưng bày cũng giới thiệu sơ lược về những danh nhân tiêu biểu được ghi trên bia tiến sĩ thời kỳ này như sử gia Ngô Sĩ Liên, thần đồng toán học Lương Thế Vinh, thành viên Hội Tao đàn Quách Đình Bảo, về những tiến sĩ làm tế tửu, tư nghiệp (hiệu trưởng) Quốc Tử Giám.
Người đương thời được nghe về quy trình dựng bia tiến sĩ, cần người soạn bia, người viết chữ đẹp để viết, rồi đến người khắc chữ trên bia đá.
Người soạn bia tiến sĩ đầu tiên là cụ Thân Nhân Trung, với câu nói nổi tiếng "Hiền tài là nguyên khí quốc gia" trong bài văn bia năm đầu tiên 1442. Thân Nhân Trung còn soạn bia tiến sĩ khoa thi năm 1487.
Nguyễn Tủng là người viết chữ văn bia của bốn khoa thi từ 1442 - 1466, Thái Thúc Liêm cũng viết hai khoa thi tiếp theo. Nghệ nhân Tô Ngại là người trực tiếp khắc tới bảy bia tiến sĩ của bảy khoa thi trong gần 40 năm từ 1442 - 1481.
Nhiều khách nước ngoài cũng quan tâm tới trưng bày này
Bia đá tiến sĩ còn nói với người thời nay bao câu chuyện ý nghĩa về việc khuyến học, khuyến tài, biểu dương vai trò, giá trị của nhân tài, răn dạy kẻ sĩ về trách nhiệm đạo lý, khuyến khích điều lành, ngăn ngừa điều ác.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên giám đốc Bảo tàng Dân tộc học - rất thích thú với ý tưởng hay của trưng bày này khi làm "sống dậy" bia đá câm lặng, đặc biệt là hình thức kể chuyện bằng đồ họa thiết kế tốt, giúp người xem có nhận thức mới, sâu sắc hơn về những tri thức có thể không mới với một số người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận