Khán giả không chỉ xem biểu diễn múa rối nước mà còn được biết cách người diễn viên điều khiển con rối như thế nào trong Gala Sân khấu truyền thống 2022 - Ảnh: HÒA NGUYỄN
Mưu kế của hổ
Vở kịch Ông trạng Hổ (tác giả: Định Nguyên, đạo diễn: Tuấn Khôi) sẽ phát sóng lúc 14h15 mùng 2 Tết, trên kênh HTV7: Có một bức tranh hổ lưu lạc trong dân gian và rơi đúng nhà anh Sửu.
Vì tình cờ, anh Sửu giải được lời nguyền, ông hổ thoát khỏi bức tranh và lên kinh thành đối đầu với tể tướng (là con dê tu luyện thành) đang lộng hành trong triều đình...
23h15 mùng 1 Tết, trên kênh HTV9 phát sóng vở cải lương Kén rể năm Dần (tác giả: Thiên Đăng, đạo diễn: Hoàng Duẩn) - kể về cuộc kén rể nhà quan Huyện. Trong cuộc đấu trí đuổi hổ về rừng, người thiện lành và kẻ xảo trá, ai sẽ là người chiến thắng?
Lúc 23h mùng 3 Tết, trên HTV9 sẽ phát sóng vở cải lương Mật kế Hổ thần (tác giả: Thiên Đăng, đạo diễn: Kim Phương): Bức bối trước cảnh dân làng bị chèn ép bởi lũ quan tham, anh Hoàng Hổ nghèo rớt mồng tơi mà bị bắt cống nạp của cải cho miếu thần đã bày mưu với thầy cúng cùng vạch trần bộ mặt nhà Lý trưởng...
15h ngày 29 Tết, kênh HTVC Thuần Việt phát sóng vở cải lương Vụ án trộm trứng gà (đạo diễn: Lê Văn Tĩnh) - được tác giả Trương Huyền viết từ truyện Kê tử đạo án của Cao Bá Quát. Vở mang màu sắc cải lương hài với tiếng cười châm biếm, cười mà đau.
Cuộc hội ngộ chèo, tuồng, cải lương, múa rối nước...
Vào lúc 21h40 mùng 6 Tết, trên kênh VTV1 sẽ phát sóng Gala Sân khấu truyền thống 2022 dài khoảng 100 phút.
Tham gia gala có rất nhiều nghệ sĩ đến từ Nhà hát Tuồng VN, Nhà hát Cải lương VN, Nhà hát Chèo Quân đội và Nhà hát Múa rối Thăng Long. MC Mỹ Lan dẫn dắt chương trình cùng diễn viên Việt Bắc (vai Tân Sửu) và Mạnh Dũng (vai Nhâm Dần).
Các nghệ sĩ sẽ thể hiện trích đoạn chèo Anh lái xe và cô chống lầy, trích đoạn cải lương Mai Hắc Đế, múa rối nước thể hiện đời sống sinh hoạt đồng quê. Đặc biệt, gala có phần trình diễn trang phục tuồng cổ và tuồng lịch sử.
Với nghệ thuật múa rối nước, êkip thiết kế hẳn một "thủy đình" trên sân khấu để vừa biểu diễn vừa giúp khán giả tìm hiểu kỹ thuật của diễn viên khi điều khiển con rối.
Trong chương trình còn có phần trao đổi về công tác bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống trong đời sống hôm nay với sự tham gia của NSND Thúy Mùi, NSND Triệu Trung Kiên, NSƯT Đức Hùng...
NSƯT Phùng Lê Anh Minh - tổng đạo diễn - cho biết thêm từ năm ngoái khi chương trình đầu tiên phát sóng nhận được hiệu ứng tốt, đài đã quyết định Gala Sân khấu truyền thống sẽ được thực hiện hằng năm và mỗi năm đều có chủ đề riêng.
Khai trương khu vui chơi trải nghiệm múa rối và xiếc
Các bé xem chú hề biểu diễn xiếc vào sáng 27-1 tại khu vui chơi trải nghiệm múa rối và xiếc - Ảnh: LINH ĐOAN
Sáng 27-1, Nhà hát nghệ thuật Phương Nam đã khai trương khu vui chơi trải nghiệm múa rối và xiếc tại khu vực rạp xiếc của nhà hát này tại công viên Gia Định (quận Gò Vấp, TP.HCM). Khu vui chơi rộng khoảng 3ha, được thi công trong khoảng 2 tháng.
Ông Lê Diễn - giám đốc nhà hát - cho biết công trình này được thực hiện với mong muốn tạo sân chơi cho khán giả nhí, trải nghiệm trò chơi vận động và tìm tòi khám phá nghệ thuật truyền thống mà đặc biệt bộ môn múa rối và xiếc.
Trước khi vào suất diễn chính, các bé sẽ được trải nghiệm ở khu này khoảng một tiếng: tuần tự khám phá không gian trưng bày các con rối cạn, rối nước, ngắm rối điện trong mô hình văn hóa Tây Nguyên, ĐBSCL; xem biểu diễn và thử điều khiển các con rối trong loại hình rối bóng, rối dây, rối tay, rối nước...
Tết năm nay, Nhà hát nghệ thuật Phương Nam phục vụ khán giả suốt từ mùng 1 đến mùng 6 với vở kịch xiếc Ba Tư huyền bí (kịch bản: NSƯT Lưu Thị Bích Liên, đạo diễn: Tấn Lộc), mỗi ngày 2 suất (17h và 20h). Vở quy tụ khoảng 50 diễn viên, dài hơn 70 phút, có chút cách điệu từ câu chuyện Aladdin và cây đèn thần rất quen thuộc với các bạn nhỏ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận