12/06/2022 14:31 GMT+7

Xem cụ ông, cụ bà thể dục hít xà, nhào lộn khỏe như thanh niên tại công viên Hà Nội

NGUYÊN BẢO
NGUYÊN BẢO

TTO - Hít xà, gập bụng, treo mình... là những động tác thể dục khó với cả người trẻ nhưng lại được thực hiện bởi các cụ ông, cụ bà một cách thuần thục ở nhiều công viên tại Hà Nội.

Xem cụ ông, cụ bà thể dục hít xà, nhào lộn khỏe như thanh niên tại công viên Hà Nội - Ảnh 1.

Bà Lê Thị Phong đu xà tại sân E, Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội

Cụ bà tóc bạc trắng đu xà văng cao gần hai mét, động tác nhanh, mạnh và dứt khoát. Kết thúc một phần bài tập đu xà, bà chỉ nghỉ khoảng 20 giây lại chuyển qua treo mình trên xà kép, tập lưng, xoay tay... Đó là bà Lê Thị Phong (68 tuổi, ngụ tại Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Hình ảnh bà đu xà trên cao rất quen thuộc mỗi ngày với người dân sống gần sân E (Văn Chương, Đống Đa). Còn với người lạ, đó lại là cảm xúc ngạc nhiên, thán phục và cả lo lắng.

Sống trước sân E, bà Lê Thị Thành (60 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) cho biết: "Lúc đầu thấy cụ tập, ai cũng nhìn xuýt xoa, đồng thời có phần lo lắng. Sức văng lớn như vậy mà cụ lớn tuổi nên trông rất nguy hiểm. Tôi từng tập rồi, bị ngã văng một chút thôi đã rất đau. Tuy nhiên theo dõi một thời gian thì thấy lực của cụ rất khỏe và cụ rất cẩn thận nên mọi người quanh đây cũng an tâm hơn và rất nể phục tinh thần thể thao của cụ".

Trước đây bà Phong tìm đến bộ môn đi bộ với mong muốn cải thiện tình trạng đau khớp gối, sau một thời gian dài đã cải thiện được sức khỏe. Từ đó bà quyết định chuyển sang tiếp cận các máy tập được trang bị ở công viên.

Hai năm nay, bất kể trời nắng hay mưa, ngày nào bà Phong cũng đạp xe từ nhà ở quận Hai Bà Trưng sang sân E (Đống Đa) để tập luyện.

"Ban đầu ra tập đu xà, mỗi lần tôi chỉ đu được khoảng hai cái và sau hai năm, thời điểm hiện tại mỗi lần lên xà, tôi có thể thực hiện văng mình được từ 13-15 cái. Nhiều người góp ý và hỏi sao tôi lớn tuổi rồi mà lại tập những động tác nguy hiểm như vậy. Tuy nhiên tôi cảm nhận được thể trạng của mình và biết sức mình đến đâu, do vậy tôi cứ tập luyện từ từ. Hiện tại sức khỏe của tôi rất tốt, không còn đau nhức cột sống hay đau vai như trước" - bà Phong cho biết.

Xem cụ ông, cụ bà thể dục hít xà, nhào lộn khỏe như thanh niên tại công viên Hà Nội - Ảnh 2.

Do xà cao hơn tầm với, trước khi bước lên xà, bà Phong phải đứng lên một cục đá lớn

Xem cụ ông, cụ bà thể dục hít xà, nhào lộn khỏe như thanh niên tại công viên Hà Nội - Ảnh 3.

Mỗi máy tập ngoài công viên, bà Phong sẽ tập ba lần

Xem cụ ông, cụ bà thể dục hít xà, nhào lộn khỏe như thanh niên tại công viên Hà Nội - Ảnh 4.

Bà Phong thực hiện động tác treo mình trên xà kép

Xem cụ ông, cụ bà thể dục hít xà, nhào lộn khỏe như thanh niên tại công viên Hà Nội - Ảnh 5.

Bà Phong cho biết vì lo lắng, nhiều lần gia đình đã khóa xe đạp để bà không đi tập nữa, thế nhưng việc tập luyện đã thành thói quen, không thể bỏ được

Hơn 10 năm tập hít xà tại công viên Thống Nhất (Hà Nội), ông Nguyễn Văn Trạm (71 tuổi, ngõ Chợ, Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội) khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến những bài tập lên xà khỏe như thanh niên.

Xem cụ ông, cụ bà thể dục hít xà, nhào lộn khỏe như thanh niên tại công viên Hà Nội - Ảnh 6.

Ông Nguyễn Văn Trạm (71 tuổi, ngõ Chợ, Khâm Thiên, Đống Đa) thực hiện động tác lên xà úp tay với gương mặt điềm tĩnh, động tác dứt khoát

Xem cụ ông, cụ bà thể dục hít xà, nhào lộn khỏe như thanh niên tại công viên Hà Nội - Ảnh 7.

Một buổi tập, chỉ tính riêng động tác hít xà, ông Trạm hít xà úp tay 5 lượt (mỗi lượt 15 cái) và hít xà ngửa tay 5 lượt (mỗi lượt 10 cái)

"Để thực hiện những động tác như thế này không phải dễ, đó là cả một quá trình tập luyện từ khi còn nhỏ và duy trì tới bây giờ. Có một khoảng thời gian dài tôi bị bệnh không thể ra ngoài tập luyện, rất bí bách. Khi bệnh đỡ, trở lại tập luyện.

Nếu người trẻ mà không chăm chỉ tập luyện thường xuyên thì cũng chưa chắc đã hít xà khỏe được bằng chúng tôi. Công viên Thống Nhất như lá phổi của thủ đô và cũng như là lá phổi của chúng tôi, có rất nhiều người bệnh như tôi đã được cứu sống khi ra đây tập luyện" - ông Trạm nói.

Xem cụ ông, cụ bà thể dục hít xà, nhào lộn khỏe như thanh niên tại công viên Hà Nội - Ảnh 8.

Tận dụng ghế đá trong công viên thực hiện bài tập lưng

Xem cụ ông, cụ bà thể dục hít xà, nhào lộn khỏe như thanh niên tại công viên Hà Nội - Ảnh 9.

Ông Trạm thể hiện sức bền, sự dẻo dai trong bài tập treo mình

Người cao tuổi tập luyện nên có bạn đồng hành

Trước lo ngại của nhiều người dân khi chứng kiến cảnh người cao tuổi tập luyện những bài tập khó, Tuổi Trẻ Online đã cuộc trao đổi với thạc sĩ Huỳnh Phương Nguyệt Anh, khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM.

Sau khi xem các hình ảnh, video tập luyện của những người cao tuổi, bác sĩ Nguyệt Anh cho biết con người là một chủ thể hài hòa nhất mà tự nhiên tạo ra. Không ai giống ai, cho nên không có khái niệm môn thể thao tốt nhất cho riêng một nhóm đối tượng nào, kể cả người cao tuổi.

Những môn thể thao tốt nhất cho người cao tuổi nên chơi là những môn mà họ có thể vận động phù hợp với thể chất của chính họ nhất, bên cạnh đó là yếu tố xã hội và sức khỏe tinh thần.

"Với bà cụ 68 tuổi ở Hà Nội, môn thể thao bà lựa chọn thiên về nhóm kéo giãn khớp, gân cơ dây chằng với những động tác tương đối khó so với người cùng độ tuổi. Tuy nhiên thời gian đã cho thấy đó là môn phù hợp với bà cụ khi không gặp chấn thương và cảm thấy khỏe hơn. Những người lớn tuổi khác nên cẩn thận khi lựa chọn tập luyện tương tự, thay vào đó hãy tìm ra cách vận động phù hợp nhất với thể trạng, hoàn cảnh, tinh thần của mình nhất" - bác sĩ Nguyệt Anh nói.

Tuy nhiên, bác sĩ Nguyệt Anh cũng khuyến cáo chung cho đại đa số người cao tuổi: không căng các khớp quá mức, không co duỗi cơ quá đột ngột, nhịp độ hài hòa, cường độ phù hợp, khoảng nghỉ nhiều, thời gian hồi phục đủ lâu... Cụ thể là bơi lội, thái cực quyền, yoga, đi bộ...

Quá trình tập luyện thể thao ở người già nên có bạn đồng hành để không chỉ có người bầu bạn, động lực duy trì mà còn là người theo dõi sức khỏe và kịp thời hỗ trợ khi có phát sinh vấn đề sức khỏe trong lúc tập.

Sau buổi tập luyện, nếu thấy cơ thể mỏi mệt hay các dấu hiệu bất thường khác thì nên nghỉ ngơi nhiều vào hôm sau, giảm khối lượng và cường độ tập cũng như tham khảo ý kiến của gia đình và bác sĩ chuyên khoa.

Khởi động chuỗi ngày hội ‘Sống khỏe, sống thanh xuân’ hướng đến người cao tuổi cả nước Khởi động chuỗi ngày hội ‘Sống khỏe, sống thanh xuân’ hướng đến người cao tuổi cả nước

Vinamilk tiếp tục hành trình chăm sóc sức khỏe và lan tỏa tinh thần “Sống khỏe, sống thanh xuân” đến người cao tuổi với chuỗi Ngày hội chăm sóc sức khỏe cho 10.000 người cao tuổi tại 27 tỉnh thành cả nước.

NGUYÊN BẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên