Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đang được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 có quy định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình (camera hành trình), thiết bị thu thập dữ liệu hình ảnh người lái xe, dữ liệu hình ảnh bảo đảm hành trình theo quy định.
Tuổi Trẻ đã ghi nhận ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, người dân với đa số không tán thành việc gắn camera hành trình cho xe máy. Vì sao?
Chỉ nên khuyến khích gắn camera hành trình cho xe kinh doanh
* Đại biểu ĐẶNG BÍCH NGỌC (Hòa Bình):
Khó khả thi
Tôi đề nghị cân nhắc lại quy định này, bởi việc áp dụng phải có camera hành trình đối với mọi loại phương tiện giao thông cơ giới, gồm cả mô tô, xe máy rất rộng và khó đảm bảo tính khả thi trên thực tiễn.
Đồng thời, có thể gây lãng phí, khó khăn cho người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn.
Vì vậy, chỉ nên khuyến khích tập trung vào một số loại xe, đặc biệt là xe vận tải kinh doanh có điều kiện. Hơn nữa, các quy định của pháp luật hiện hành mới chỉ quy định ô tô kinh doanh vận tải từ chín khách trở lên phải lắp camera hành trình.
* Đại biểu ĐIỂU HUỲNH SANG (Bình Phước):
Chưa có nước nào bắt buộc xe máy lắp camera hành trình
Tính đến tháng 6-2023, cả nước có trên 6 triệu ô tô và 73 triệu mô tô, xe máy đang lưu hành. Hiện nay tại nhiều quốc gia phát triển, người dân không lắp đặt camera hành trình để chứng minh một sự trong sạch, thay vào đó cơ quan chức năng phải chứng minh chủ xe vi phạm giao thông thì mới được xử phạt và vẫn chưa có đất nước nào quy định bắt buộc xe máy phải lắp camera hành trình.
Việc yêu cầu lắp các thiết bị dữ liệu, hình ảnh người lái xe có thể vi phạm quyền riêng tư, quyền bảo vệ bí mật đời tư của người dân. Đồng thời, nó sẽ liên quan đến tiêu chuẩn chất lượng và các thiết bị phải được cấp phép.
Việc lắp các thiết bị này cũng sẽ can thiệp vào hệ thống điện của xe, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Chưa kể, với một số loại sản phẩm tích hợp phần mềm quản lý, truyền dữ liệu, lưu trữ đám mây, người dùng phải trả thêm nhiều chi phí sử dụng hằng tháng.
Vì vậy, chỉ nên quy định gắn camera hành trình với xe kinh doanh vận tải như quy định hiện hành và quy định cụ thể hơn về trung tâm tích hợp, phân tích dữ liệu để quản lý và sử dụng hiệu quả hơn, tránh lãng phí.
Với ô tô cá nhân và xe máy chỉ nên quy định theo hướng khuyến khích người dân lắp thiết bị giám sát hành trình và nên tổ chức thí điểm, có lộ trình phù hợp để tránh gây hiệu ứng ngược.
* Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu):
Không khả thi sẽ "nhờn luật"
Tôi cho rằng chỉ nên quy định bắt buộc lắp camera hành trình với xe kinh doanh, còn với xe máy thì không nên bắt buộc. Với số lượng xe máy rất lớn, nếu quy định theo hướng bắt buộc cũng sẽ rất khó kiểm soát trong thực tế.
Hiện nay chúng ta đang có quy định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá, dù là việc làm cần thiết nhưng quá trình thực hiện cũng còn rất nhiều vấn đề.
Nếu bắt buộc lắp camera hành trình với tất cả xe máy sẽ tạo ra gánh nặng chi phí, không chỉ để lắp đặt mới mà còn để duy trì, bảo dưỡng... Khi có quy định mà không thực hiện được, sẽ xảy ra tình trạng "nhờn luật". Vì vậy, chỉ nên đưa các quy định có tính khả thi thì mới có tác dụng.
Cần đánh giá đúng, đủ
* Ông NGUYỄN VĂN QUYỀN (chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam):
Dữ liệu một phần ô tô hiện nay còn chưa xử lý hết
Qua thực tế theo dõi, tôi chưa thấy nước nào trên thế giới quy định xe máy phải lắp camera hành trình. Nếu cơ quan soạn thảo mở rộng đối tượng phương tiện phải lắp thiết bị giám sát hành trình với xe máy phải có đề án nghiên cứu, đánh giá tác động một cách đầy đủ về việc này.
Với ô tô, camera hành trình được lắp trong cabin kín nhưng với xe máy thì thiết bị sẽ phải lắp ở bên ngoài. Với thời tiết như ở Việt Nam liệu các thiết bị đó có đảm bảo độ bền, chất lượng?
Hiện nay, pháp luật mới chỉ quy định lắp camera hành trình đối với ô tô kinh doanh vận tải. Cả nước có hơn 6 triệu ô tô thì mới có khoảng 1 triệu xe kinh doanh vận tải phải lắp camera hành trình.
Với tổng số hơn 1/6 số lượng ô tô đã được lắp đặt camera hành trình mà việc tích hợp dữ liệu, sử dụng dữ liệu trong quản lý thời gian qua đã bộc lộ một số bất cập. Trong đó, chậm thông báo xe chạy quá tốc độ, đường truyền gián đoạn...
Chưa kể hiện nay, mới chỉ khai thác được một phần tiềm năng của dữ liệu này chứ chưa khai thác tối đa. Do vậy, với dữ liệu khổng lồ từ hơn 70 triệu xe máy vận hành hằng ngày dồn về, việc xử lý sẽ được thực hiện thế nào? Chi phí cho việc lắp đặt, vận hành quản lý cơ sở dữ liệu sẽ được thực hiện ra sao?
Từ thực tế đó, đề nghị tạm thời bỏ quy định này hoặc không quy định cứng mà giao cho Chính phủ quy định chi tiết, có thí điểm, có lộ trình thực hiện rõ ràng.
* TS Chung Thành Tiến (chuyên gia kinh tế tại TP.HCM):
Cần làm rõ thêm hiệu quả mang lại
Những đề xuất mới như lắp thiết bị giám sát hành trình xe máy cũng có mục đích cho an toàn giao thông. Dù vậy hiện nay trên thế giới cũng chưa có quy định về vấn đề này nên người dân sẽ không khỏi bỡ ngỡ.
Thời gian qua, kinh tế và đời sống người dân cũng khó khăn, thêm một khoản chi phí cũng là thêm một nỗi lo.
Chính vì vậy, để đưa vào áp dụng ở Việt Nam, các đơn vị nên làm rõ thêm mục đích, hiệu quả mà quy định này đem lại trong nâng cao an toàn giao thông một cách bài bản. Trong đó chứng minh cụ thể bằng số liệu, nêu mức chi phí dự kiến... để người dân nhìn ở nhiều góc độ rồi đưa ra ý kiến.
Bên cạnh đó, chúng ta có thể nghiên cứu thêm về tăng cường hệ thống camera đường sá, khu đô thị... ứng dụng xử phạt nguội vi phạm giao thông cả xe máy, ô tô. Có như vậy mới giúp nâng cao ý thức người tham gia giao thông, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông hiệu quả.
* Anh Nguyễn Tiến Luật (một người dân TP Thủ Đức, TP.HCM):
Chưa phù hợp
Việc quy định lắp thiết bị giám sát hành trình đối với xe máy có thể giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhưng chưa phù hợp với thực tế và khó khả thi ở nước ta hiện nay. Chúng ta có hơn 73 triệu xe máy đang lưu hành thì việc triển khai lắp và giám sát thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn, khó khả thi.
Hơn nữa, xe máy là loại phương tiện quá phổ biến trong đời sống hằng ngày với giá thành thấp. Hầu hết người lao động, người dân ở vùng sâu chọn để làm công cụ sinh nhai. Bây giờ phải lắp thêm thiết bị giám sát hành trình rất tốn kém, nhiều người sẽ không lắp hoặc lắp loại "dỏm" thiếu an toàn.
Đơn cử như tôi có mua một chiếc xe máy hiệu Yamaha Sirius để đi học, đi làm. Qua thời gian, chiếc xe giờ chỉ còn giá xe cũ vài triệu đồng. Như vậy, tôi lắp thêm vào xe camera giám sát hành trình sẽ chịu thêm chi phí vài trăm nghìn đến 1 triệu đồng. Lắp xong phải kết nối Internet thì mới hoạt động. Do đó, các đơn vị cần nghiên cứu kỹ về đề xuất này, có thể khảo sát ý kiến người dân từ nhiều khu vực dân cư, đa dạng ngành nghề... để đảm bảo tính khả thi.
Sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng điều chỉnh quy định
Trước đó, trong báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu tại tổ về nội dung này cho biết trong quá trình này, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra của Quốc hội, các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật bảo đảm kỹ lưỡng, chất lượng, khả thi.
Trong đó, sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng để điều chỉnh quy định về thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình phù hợp với các loại phương tiện tham gia giao thông đường bộ cũng như điều kiện thực tế ở Việt Nam hiện nay, bảo đảm quyền riêng tư của cá nhân và tính khả thi về quy định của luật khi được áp dụng trong thực tiễn.
Thăm dò ý kiến
Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ quy định xe máy phải lắp camera hành trình. Bạn:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận