29/03/2011 05:00 GMT+7

Xẻ dọc Trường Sơn

MY LĂNG - ĐỨC BÌNH
MY LĂNG - ĐỨC BÌNH

TT - Ông Đặng Quang Ngọc, 70 tuổi, vốn là cựu cán bộ Thành đoàn Hà Nội thời kỳ Ba sẵn sàng, kể trong balô vượt Trường Sơn của mình khi ấy có ba cuốn sách: Ruồi trâu, Thép đã tôi thế đấy và Truyện Kiều.

nXNiedEy.jpgPhóng to

Những kỷ vật một thời ra trận hưởng ứng “Ba sẵn sàng” vẫn được ông Ngọc lưu giữ cẩn thận - Ảnh: Đ.Bình

Nhiều thanh niên khi đó đã chép tay bản độc tấu Năm anh hùng thành Sevastopol và chuyền tay nhau cùng đọc. Ông Ngọc nhớ: “Chúng tôi đã đọc và suy nghĩ, hình dung rất cụ thể về một cuộc chiến đấu ác liệt. Nhưng hàng triệu thanh niên thủ đô vẫn cháy lòng đếm từng ngày được ra chiến trường chiến đấu”.

Chuyến tàu bí mật

Tháng 7-1965, sau ba tháng huấn luyện quân ở Thái Nguyên, tiểu đoàn 602 gồm 655 bộ đội - đều là thanh niên Hà Nội - di chuyển bằng tàu lửa về Hà Nội để vào Nam. Đó là một hành trình bí mật. Tất cả cửa sổ trên toa tàu đều đóng kín. Không ai được phép lên hay xuống tàu.

Khi nghe tiếng rầm rập rung rinh dưới gầm tàu, đoán có thể đang đi qua cầu Long Biên, nhiều người đánh bạo mở toang cửa sổ để nhìn Hà Nội lần cuối. Một số người linh cảm được lần ra đi này đã viết thư từ hôm trước. Tàu chưa đến ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội bây giờ) đã thấy người dân đứng hai bên đường. Tất cả thư được ném vội xuống đất.

Nhớ lại cảnh tượng xúc động ngày ấy, ông Đặng Quang Ngọc, tác giả cuốn truyện ký Người con trai Hà Nội, ghi lại những năm tháng hào hùng, bi tráng của lớp thanh niên Ba sẵn sàng 46 năm trước, kể: “Tôi không chuẩn bị trước nên viết thật vội tên mình, tên người nhà và địa chỉ rồi vứt xuống bên đường, hi vọng gia đình sẽ nhận được. Sau này khi trở về, gia đình tôi kể bức thư ấy đã được một người không quen biết mang đến tận nhà. Thời chiến người dân nghĩ có thể làm được gì cho người ra đi thì sẽ cố gắng làm”.

Không khẩu hiệu. Không người thân đưa tiễn. Có người nhà cách ga 2-3km cũng không thể về để báo tin... Ông Hoàng Đức Chính - một trong những đồng đội của ông Đặng Quang Ngọc - kể: “Khi tàu dừng ở ga Hàng Cỏ, người bạn thân tôi nghe rõ tiếng phát thanh viên của ga là mẹ mình thông báo các đoàn tàu đến - đi, muốn xuống chào tạm biệt mẹ nhưng không cách nào xuống được.

Mẹ không biết con trai đang ngồi trên chuyến tàu ấy nhưng con cứ nghe tiếng mẹ văng vẳng suốt một tiếng đồng hồ. Anh em ôm chầm lấy nhau, nước mắt trào ra nhưng không ai khóc thành tiếng. Ra đi! Chúng tôi chỉ đau đáu một điều: là người Hà Nội nhưng không thể đặt chân xuống đất Hà Nội để chia tay”.

Hành trình của máu và mất mát

Khi tàu đến ga Đò Lèn (Thanh Hóa), tiểu đoàn phải đi bộ hành quân. Lúc này nhiều cây cầu ở Thanh Hóa đã bị địch đánh phá. Ngày nào cũng 5g chiều hành quân tới 5g sáng mới dừng lại. “Trên đường đi chúng tôi thấy bên đường rất nhiều nữ thanh niên xung phong cũng ra tiền tuyến. Mọi người hò hát, nói chuyện suốt đêm. Không ai thấy bi quan mà rất phơi phới, hùng tráng. Có anh chưa quen, ngủ gật hoặc ngủ quên thì lớp người sau kéo dậy đi tiếp”, người cựu binh Đặng Quang Ngọc kể. Họ đi bộ hành quân một tháng mới vào tuyến lửa Quảng Trị.

Chết chóc, đói khổ và bom đạn không tàn phá nổi khí chất hào hoa, lịch lãm của người Hà Nội. Ông Hoàng Đức Chính kể: “Những lúc không có tiếng bom đạn, nằm trên võng tôi nhớ Hà Nội da diết. Nhớ đến đốt cháy cả gan ruột. Nhất là những lúc nghe mưa rừng. Hồi đó chỉ ước ao nếu còn sống trở về Hà Nội tôi sẽ mắc võng bạt bộ đội ngủ ở bờ hồ bất chấp công an và in được một tập thơ”, ông Chính cười hể hả nói về ước mơ thời trai trẻ ngày ấy. Ông Chính tỏ vẻ tiếc nuối khi không giữ được hàng trăm trang bản thảo mà ông định sau này về sẽ viết truyện phim. Trong một lần trúng bom, xấp bản thảo ấy bị mất hết.

Tháng 10-1965. Đoàn quân đến sông Bến Hải và dồn thành một trung đoàn (trung đoàn 250A thuộc sư đoàn 312). Hết địa phận đất miền Bắc, qua bên kia sông là đặt chân lên chiến trường miền Nam. Đoàn quân tiến về Đồi Gió. Đó là đêm đầu tiên vào Trường Sơn. Nhiều quãng đường đi theo đường mòn. Nhưng nhiều đoạn phải phát cây mở đường đi. Đến tháng 11 địch phát hiện. Máy bay phản lực F105 lao xuống đánh. Nhiều tuyến đường bị đánh phá. Vỡ đường. Những thanh niên thủ đô đầu tiên ngã xuống.

Đến mùa mưa lũ lớn đường mất dấu. Phía trước là biệt kích, trung đoàn phải tạm dừng cuộc hành quân. Gạo bị ngấm nước mưa trôi hết cám và ẩm mốc đến nỗi anh em không dám vo vì sợ tan hết. Nhiều chiến sĩ bị phù chân. Những cơn đói lả và những trận sốt rét ác tính trở thành nỗi kinh hoàng với các chàng trai Hà Nội vốn chưa từng chịu cực khổ, thiếu thốn. Họ phải chiến đấu với cái đói và bệnh tật từng ngày, từng giờ.

Nhiều học sinh cấp III khuỵu xuống. Nhiều anh bị cơn sốt rét ác tính hành hạ đến mức đồng đội kéo cũng không đi được. Có người không muốn trở thành gánh nặng cho anh em đã lẳng lặng lùi lại, vào rừng sâu mắc võng và trùm bạt lên che mặt rồi thiếp đi...

Ngày càng nhiều người ngã xuống. Nghiệt ngã nhất là khi đoàn dừng chân ở trạm 6 (Khu 6, Quảng Đức). Cơn sốt rét đã cướp đi hơn 60 chiến sĩ đang rực rỡ tuổi xanh... Trung đoàn phải lập một trung đội nghĩa trang lo chôn cất. Rồi đến lúc ngay cả những người trong trung đội nghĩa trang cũng không còn đủ sức đào hố...

Khi đến trạm Phước Long (Bình Phước), trạm dừng chân cuối cùng để từ đó tỏa ra các chiến trường khác, cả tiểu đoàn 655 người chỉ còn lại 120 người đủ sức đi tiếp. Số còn lại đã hi sinh hoặc nằm rải rác ở các bệnh xá của trạm dừng chân. “Khát khao được vào chiến trường chiến đấu là động lực lớn nhất tạo thành sức mạnh, thành ý chí để chúng tôi cầm cự, chống chọi, vượt qua cái đói, bệnh tật và những mất mát, hi sinh từng giờ từng ngày để vào tới chiến trường miền Nam”, ông Đặng Quang Ngọc khẳng định. Vừa vào đến điểm tập kết, ông Ngọc gục xuống vì bị sốt rét hành hạ đã một tuần.

Người cựu chiến binh ngày ấy hồi tưởng: “Khi nằm trên võng, tôi thấy cây cối và tất cả xung quanh rung rinh, lộn vòng. Tôi nghĩ tại sao lại có thể kết thúc một cách đơn giản như thế trong khi mình chưa vào chiến trường?”. Sau này, một số đồng đội cứu sống Đặng Quang Ngọc kể lại khi đó ông đã chết lâm sàng. Hành trình vượt Trường Sơn trong những năm đầu đầy bi tráng của tiểu đoàn 602 mất 3 tháng 11 ngày.

“Hồi ấy chúng tôi đi rất thảnh thơi, trong sáng. Không ai xác định sẽ trở về Hà Nội. Cái chết đến từng ngày, từng giờ, từng phút. Va đập với hi sinh, mất mát nhiều đến nỗi thành chai lì, không còn biết run sợ. Điều đó chỉ có thể lý giải bằng tình cảm thiêng liêng với Tổ quốc - một thứ tình cảm mãnh liệt và thánh thiện khởi sinh từ bao đời nay mỗi khi đất nước bị xâm lăng”, ông Chính khẳng định.

Chính tình cảm thiêng liêng và mãnh liệt ấy đã tiếp thêm sức mạnh trường kỳ và sự lạc quan bất tử cho mỗi thanh niên ngày ấy. Sau ngày giải phóng, năm 1976 tiểu đoàn 602 họp mặt. 655 người đi chỉ còn 84 người. Và bước chân của một số trong 84 người còn lại ấy tiếp tục in dấu ở Campuchia để làm nghĩa vụ quốc tế cho đến năm 1982 mới trở về.

Kỳ 1: Thủ đô những ngày rực lửa Kỳ 2: Những con người của thời đạiKỳ 3: Chiếc gậy Trường Sơn

Theo dấu đảo thiêng

Ở Lý Sơn có một người ngoài đảo nhưng lại được dân đảo coi như người nhà. Đó là một nhà khoa học đã dành một phần đời mình để nghiên cứu về Hoàng Sa và hình dung lại con đường tiến ra biển của dân tộc Việt.

MY LĂNG - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên