Để động viên con cháu, các bô lão đêm ngày chặt tre ven đê làng làm gậy, đan sọt tặng con cháu như lời nhắn nhủ của quê hương: hãy đi, chiến đấu và chiến thắng như Thánh Gióng. Chính ở ngôi làng dệt Hòa Xá (huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây cũ) ấy đã sản sinh “chiếc gậy Trường Sơn” huyền thoại.
![]() |
Cựu binh Phùng Văn Quán với “chiếc gậy Trường Sơn” huyền thoại của mình - Ảnh: Đ.Bình |
Kỳ 1: Thủ đô những ngày rực lửa Kỳ 2: Những con người của thời đại
Làng dệt “dậy sóng”
Đã 85 tuổi nhưng ký ức về một thời chiến tranh vẫn không phai mờ trong tâm trí cụ Vũ Văn Phúc, nguyên bí thư chi bộ HTX Tiểu thủ công nghiệp Hòa Xá. Cụ Phúc kể: Người Hà Tây khi đó rất xấu hổ vì mang tiếng xấu bởi đám con cháu cứ vào lính là... sợ. Tình trạng lính Hà Tây đào ngũ nhiều đến bị bêu riếu là “Hà chuồn”.
Các cụ già trong làng giận đỏ mặt kiên quyết yêu cầu làng Hòa Xá phải thay đổi tình hình. Sau nhiều “hội nghị Diên Hồng”, cuối cùng chính quyền xã Hòa Xá quyết định phát động hàng loạt phong trào: “Vai đeo 25 cân, chân đi ngàn dặm, vượt suối băng ngàn”, “Tiền tuyến cần một, Hòa Xá có hai, đã đi là đến, đã đến là đánh thắng”... Phong trào như một luồng gió mới thổi vào từng ngóc ngách của làng. Hàng trăm phụ lão, phụ nữ, đặc biệt là trai tráng trong làng nao nức tham gia.
Phong trào ngày càng mạnh, nhất là khi Trung ương Đoàn phát động phong trào “Ba sẵn sàng”. “Có nhiều cháu mới 16, 17 tuổi thấy anh chị xung phong cũng tình nguyện ghi tên. Đơn tình nguyện nhiều đến nỗi bí thư đảng ủy Vũ Văn Tước phải vắt óc và nghĩ ra việc xây dựng lực lượng ba thứ quân, lập thành các phân đội bộ đội địa phương sẵn sàng chiến đấu, phân đội dự bị (dành cho thanh niên chưa đến tuổi) và với những nữ thanh niên thì đưa vào phân đội dân quân du kích”, cụ Phúc tự hào kể.
Để xóa sạch cái tiếng “Hà chuồn”, lãnh đạo xã và các bô lão phát động phong trào “Hành quân mang nặng đường dài” để rèn luyện sức khỏe cho thanh niên chờ ngày ra trận. Suốt đêm ngày, các cụ phụ lão lên đê chặt tre rồi cặm cụi đan sọt. Đan sọt xong, các cụ chất gạch và đá cho đủ 25 kg để con cháu tập khênh vác. Đồng sâu, ruộng cạn cần cải tạo, mương máng thủy lợi cần được làm mới... các cụ đều đưa sọt tre và thanh niên ra đồng để vừa làm việc, vừa rèn luyện sức khỏe, sức bền. Bà Lưu Thị Bạo (66 tuổi, cựu dân quân du kích) mỉm cười nhớ lại “Khí thế ngày đó rạo rực lắm, náo nhiệt lắm. Đến giờ chúng tôi vẫn không thể quên”.
Hòa Xá lúc ấy có những gia đình như cụ Tương, Sơn, Hồng, Mùi... nhà có 2, 3 người con trai đều xung phong ra trận. Nhiều gia đình có con tái ngũ, thậm chí là nhà con “độc đinh” cũng kiên quyết lên đường vào Nam. Gần 50 năm trôi qua, cụ Phúc vẫn nức lòng mỗi khi nhớ đến câu nói bất hủ của cụ Mùi khi đó: “Thằng Mỹ đi đến đâu cũng gặp bố con tôi, nó thoát làm sao được”.
“Sự tích” gậy Trường Sơn
Theo ông Phùng Văn Mạnh (cán bộ phụ trách văn hóa, thương binh và xã hội xã Hòa Xá), trong những năm chống Mỹ, gần 600 lượt thanh niên Hòa Xá đã lên đường vào Nam chiến đấu. Trong số 140 liệt sĩ của xã, gần 90 người là liệt sĩ chống Mỹ. Hiện xã còn 30 cựu chiến binh thời chống Mỹ đang được hưởng chế độ thương, bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam... Năm 1973, Hòa Xá vinh dự nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. |
Người đầu tiên đưa hình ảnh chiếc gậy Trường Sơn đến với người Hòa Xá là anh bộ đội Phùng Văn Quán. Chiếc gậy huyền thoại năm nào giờ vẫn được chính chủ nhân lưu giữ tại nhà như một vật bất ly thân. Trong ngôi nhà cấp bốn tuềnh toàng ở xóm Thượng Đoạn, chiếc gậy được vợ chồng ông Quán nâng niu giữ cẩn thận trong túi vải mềm cất dưới gối đầu giường.
Chỉ khi có khách quý ông mới đem ra hoặc ngày lễ tết ông đặt trang trọng lên bàn thờ gia tiên. Rút chiếc gậy khỏi túi vải, người thương binh già - với vẻ mặt rất đỗi tự hào - chỉ từng dòng chữ khắc trên thân gậy: dòng chữ to nhất, chạy dọc giữa thân gậy “Thà quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Phía đầu gậy là các chữ nhỏ hơn: “Trường Sơn 1-4-1967”. Cuối gậy là dòng chữ nhỏ hơn nữa: “Fùng Quán - Trường Sơn - Hòa Bình 4-4-1967”.
Người cựu chiến binh kể ông sinh ra trên mảnh đất Hòa Xá và từ nhỏ đã chỉ có cảnh một mẹ, một con vì cha ông mất sớm. Tháng 2-1961 khi mới qua tuổi 18, ông đã xung phong đi chiến đấu tại chiến trường B3, Bắc Ấn (Quảng Trị). Đến năm 1963 ông bị sốt rét nặng, được đơn vị đưa ra Nghệ An điều trị. Bác sĩ kết luận ông không đủ sức chiến đấu, đơn vị cho ông xuất ngũ về quê.
Một ngày cuối năm 1965, chàng thanh niên Phùng Văn Quán trốn mẹ cùng hai người bạn thân trong làng (Đỗ Tít và Lưu Tiến Long) vượt gần 15km đường lên Kim Bôi (Hòa Bình) gia nhập đoàn tân binh. Trên đường hành quân vào chiến trường Quảng Trị, khi vượt Trường Sơn anh bộ đội Phùng Văn Quán chặt một cây rừng nhỏ làm gậy chống cho đỡ mỏi. Quán cũng mách Tít và Long làm gậy để trèo đèo, vượt suối. Tít và Long cũng làm cho mình cây gậy bằng tre, trúc rừng.
Một ngày nọ, có người chú họ cùng làng từ chiến trường miền Nam về phép đi ngược ra Bắc gặp Quán ở đường Trường Sơn. Quán liền gửi chiếc gậy về tặng mẹ với hàm ý chiếc gậy thân thiết ấy như thay mình nâng đỡ những bước chân mẹ. Hai người bạn thân Tít và Long thấy vậy cũng gửi gậy về quê gửi tặng trai tráng trong làng.
Trao món quà đặc biệt cho người thân xong, người chú của Quán kể về chiếc gậy. Các cụ già trong làng nghe thấy, xin gậy mang lên trưng bày ở xã như một lời động viên tới lớp trai làng chuẩn bị ra trận. Không chỉ có phong trào đan sọt rèn quân, các cụ phụ lão còn cất công đi tìm những thân tre ngà thật đẹp, tỉ mỉ đẽo gọt làm gậy tặng con cháu ngày lên đường.
Và từ đó mỗi dịp tiễn quân, cây gậy mộc mạc lại như vật thiêng của làng được các cụ trao từng tay con cháu. Hình ảnh này giờ được lưu giữ, tái hiện trang trọng ngay chính giữa bảo tàng của quê hương “chiếc gậy Trường Sơn” với bức tượng người thanh niên trong bộ quân phục mới, một tay cầm gậy, một tay đưa ra đón nhận chiếc “nhẫn thủy chung” từ người yêu.
Hình ảnh “chiếc gậy Trường Sơn” đã trở thành nguồn cảm hứng dào dạt để nhà thơ Nhuệ Giang viết: Gậy này là gậy Trường Sơn/Của trai Hòa Xá lên đường tòng quân/Gậy này gửi tặng quê nhà/Gậy ra tiền tuyến, gậy ra ruộng đồng/Chỉ ra đồng nở bông sáu tấn/Chỉ lên trời thần sấm cháy tan/Chỉ ra tám triệu mét màn/Chỉ vào tiếng hát, tiếng đàn thêm trong/Mẹ già chống gậy Trường Sơn/Tưởng như mẹ cũng lên đường xông pha. Tháng 7-1967 khi về ngang Hòa Xá, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã sáng tác bài hát Chiếc gậy Trường Sơn nổi tiếng.
_____________
Tàu dừng ở ga Hàng Cỏ, người con nghe rõ tiếng phát thanh viên nhà ga chính là mẹ mình mà không sao đến chào tạm biệt. Tàu đi, mẹ không biết có con trai trên ấy.
Kỳ tới: Xẻ dọc Trường Sơn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận