Phóng to |
Phần đông người đi xe đạp điện đều không đội mũ bảo hiểm - Ảnh: Q.Định |
Bốn ngày trước, trên đường đi học về, D. chở bạn trên xe đạp điện và bị ôtô tông phải, dẫn đến sốc đa chấn thương, vỡ xương chậu, gãy cả xương chân phải và chân trái, lóc tách toàn bộ da ở cẳng chân phải, nguy cơ sức khỏe không chỉ hiện nay mà ảnh hưởng cả tới thiên chức làm mẹ sau này của em.
Chấn thương nặng
Theo bác sĩ Ngô Văn Toàn - trưởng khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Việt Đức, em D. là một trong hàng chục trường hợp tai nạn giao thông liên quan đến xe đạp điện vào viện trong nửa năm qua.
Xe đạp điện rất tiện với ba nhóm đối tượng: học sinh (đặc biệt là cấp II, III), các cụ bà về hưu và các bạn gái không thích đội mũ bảo hiểm, nhưng bác sĩ Toàn đánh giá đây là phương tiện tiềm ẩn nhiều nguy cơ nghiêm trọng.
“Phương tiện này tiềm ẩn dẫn đến tai nạn nghiêm trọng do tốc độ tương đương xe máy, nhưng không an toàn do hệ thống phanh, còi chỉ tương đương xe đạp và người đi xe hầu như không đội mũ bảo hiểm, dẫn đến nguy cơ chấn thương nặng nếu tai nạn xảy ra, đặc biệt là chấn thương sọ não hoặc bị phương tiện khác chèn qua. Từ rất lâu tôi đã muốn cảnh báo về mức độ nguy hiểm với người sử dụng xe đạp điện. Như trường hợp em D. là bị phương tiện khác chèn qua sau khi bị ôtô tông phải, dẫn đến sốc đa chấn thương. Rất may tính mạng em D. không còn bị đe dọa, nhưng nguy cơ sức khỏe về lâu dài vẫn còn và những trường hợp chấn thương như thế này phải điều trị nhiều tháng trời” - bác sĩ Toàn nói.
"Phương tiện này tiềm ẩn dẫn đến tai nạn nghiêm trọng do tốc độ tương đương xe máy, nhưng không an toàn do hệ thống phanh, còi chỉ tương đương xe đạp và người đi phương tiện hầu như không đội mũ bảo hiểm, dẫn đến nguy cơ chấn thương nặng nếu tai nạn xảy ra, đặc biệt là chấn thương sọ não hoặc bị phương tiện khác chèn qua" Bác sĩ Ngô Văn Toàn |
Bà ngoại D. cho biết không chỉ cháu gái sử dụng xe đạp điện, bà cũng thường dùng xe này để đi chợ, đi thăm người thân ở làng bên và đi lại trong khu phố gia đình sinh sống.
Theo bà N., ở khu vực bà sống rất nhiều trẻ ở lứa tuổi cháu gái bà dùng xe đạp điện đi học, số đi xe đạp thông thường rất ít. Người cao tuổi như bà hoặc trẻ hơn một chút (bà N. 65 tuổi - PV) cũng thường xuyên sử dụng phương tiện này.
Nguy cơ cho nhiều người
Trong một hội thảo gần đây do Hội Chữ thập đỏ VN tổ chức tại Hà Nội về chất lượng mũ bảo hiểm với người đi môtô, xe máy, đại diện Phòng cảnh sát giao thông Hà Nội cho hay dù bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người điều khiển và di chuyển trên xe đạp điện, nhưng thực tế hầu hết không chấp hành.
Hậu quả xảy ra là nếu bị tai nạn giao thông thì các chấn thương liên quan đến người đi xe đạp điện nặng không kém so với chấn thương liên quan đến người điều khiển và di chuyển trên xe máy, do vận tốc nhiều loại xe đạp điện có thể lên tới 50 km/giờ.
Xe đạp điện cũng rất nhẹ và với vận tốc như kể trên thì xe càng dễ ngã. Hơn nữa, di chuyển bằng xe đạp điện không gây ra tiếng động nên không cảnh báo được người đi đường tránh.
Bên cạnh đó, vấn đề chất lượng xe đạp điện chưa được kiểm soát do hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái khá nhiều, dẫn đến nguy cơ khó đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
“Học sinh đi xe đạp điện thường phóng nhanh, đi hàng đôi hàng ba, không đội mũ bảo hiểm, còn người già thì mắt không còn tinh tường, tốc độ xe đạp điện lại tương đương xe máy nên họ khó phát hiện chướng ngại vật phía trước. Vì thế xe đạp điện không chỉ có nguy cơ với người sử dụng mà còn với người đi trên đường. Gần đây đã có người mất tay, mất chân do tai nạn liên quan đến xe đạp điện, xe máy điện rồi” - bác sĩ Toàn nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận