Vị trí đón xe buýt ở ga quốc tế khiến nhiều khách hàng không hề hay biết dù có nhu cầu - Ảnh: Q.P
Có thời điểm, một xe chưa tới 10 khách. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có phần sắp xếp vị trí làn xe của sân bay chưa linh hoạt.
Bị bố trí ở... ga quốc tế
Tình cảnh hỗn loạn giành giật taxi, "chặt chém" giá cước... vào dịp sau Tết mới đây tại sân bay Tân Sơn Nhất khiến nhiều khách hàng ám ảnh. Nhiều giải pháp được cơ quan chức năng đưa ra như tăng cường xe taxi, mở làn xe công nghệ, tuy nhiên xe buýt tại sân bay vẫn chưa được bố trí chỗ đón khách một cách thuận lợi.
Chị Nguyễn Hoàng Tiên (quận 3) cho biết vẫn thi thoảng đón xe buýt tại trạm xe gần nhà để ra sân bay Tân Sơn Nhất vì khá tiện lợi do quen lộ trình và giá rẻ. Tuy nhiên, những người đi và đến sân bay Tân Sơn Nhất bằng xe buýt như hành khách trên khá ít.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ, ngoài taxi và xe công nghệ, khách hàng có thể chọn lựa xe hợp đồng 16 chỗ và xe buýt ở sân bay. Đã có doanh nghiệp đầu tư bài bản hàng chục xe buýt không trợ giá như Hãng Avigo, chuyên chạy tuyến Sài Gòn - Vũng Tàu, nhưng chỉ được một thời gian cũng phải bán bớt xe. Còn xe buýt công cộng chỉ còn tuyến 152: sân bay - chợ Bến Thành và ngược lại. Tổng chuyến trong ngày là 60 chuyến, chia đều 2 đầu tuyến mỗi đầu 30 chuyến, giãn cách chuyến là 30 phút/chuyến. Số lượng khách từ sân bay ra hầu như không có, mỗi ngày chưa đến 10 khách.
"Số phận" chung của xe buýt là bị bố trí ở vị trí không thuận lợi. Avigo phải đậu xe ở bãi xe trước bãi taxi, còn xe buýt công cộng ở ga quốc tế. Trong khi đó, sản lượng khách đi lại ga quốc nội trong những dịp cao điểm rất cao, tình trạng thiếu hụt phương tiện taxi trầm trọng.
Một lãnh đạo xe buýt kinh doanh tại sân bay Tân Sơn Nhất bức xúc: Trước đây, công ty đầu tư 13 chiếc xe buýt đưa khách từ sân bay đến Vũng Tàu với giá 160.000 đồng/lượt. Tuy nhiên, không thể sống nổi khi sân bay bố trí vị trí rất bất tiện. Còn xe hợp đồng như Hải Vân lại được đậu xe ở khu ga quốc nội. Cùng giá tiền như nhau nhưng "bên trọng, bên khinh" như thế là không công bằng.
Cần vị trí tốt hơn
Nhu cầu sử dụng phương tiện vận tải của khách hàng ở sân bay như Tân Sơn Nhất là rất lớn. Tại nhiều nước trên thế giới, ở khu vực sân bay luôn có hệ thống giao thông công cộng thuận lợi từ các trạm xe buýt, tàu điện ngầm nên khách hàng có đầy đủ sự chọn lựa. Cách này cũng loại bỏ được tình trạng cát cứ, taxi và xe công nghệ "đục nước thả câu" tăng giá, "chặt chém" giá cước khi cầu vượt cung. Sở GTVT TP.HCM cũng đã chỉ ra những bất cập, hạn chế, thiếu sót trong việc điều phối xe buýt ở sân bay, trong đó có cả chủ quan và khách quan.
Hiện nay chỉ có 1 trạm xe buýt duy nhất nằm bên phần ga quốc tế, trong khi tại khu vực ga trong nước mới là điểm thường xuyên có lượng lớn hành khách. Việc phải mang theo hành lý đi bộ đoạn đường dài như vậy gây bất tiện cho người dân.
Chưa kể, bảng thông tin giới thiệu điểm đón xe buýt cũng đang có nhiều hạn chế. Ông Võ Khánh Hưng - phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM - đề nghị sân bay Tân Sơn Nhất tăng cường tuyên truyền, cắt cử nhân viên tới khu vực cửa ra của ga quốc nội hướng dẫn người dân. Kế đến sẽ là tăng bảng chỉ dẫn, hướng dẫn tại khu vực này.
Ông Nguyễn Quốc Phương, phó tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không VN - ACV, cho biết đã yêu cầu Tân Sơn Nhất phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường bổ sung xe buýt, kể cả sau 18h30 hằng ngày. Bên cạnh đó bổ sung các bảng thông tin hướng dẫn để khách tiếp cận dịch vụ taxi, xe công nghệ...
Một chuyên gia hàng không cho rằng nếu duy trì vị trí đón xe buýt ở ga quốc tế thì chắc chắn tình trạng ế khách vẫn diễn ra. "Tại sao không linh động đưa xe buýt đậu ở ga quốc nội? Sân bay nên điều phối linh hoạt, nhất là khi mở cửa quốc tế đón khách du lịch" - vị này đề nghị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận